Giống Lúa TBR45 Trên Vùng Rốn Đạo Ôn
Nhiều nông dân trong tỉnh khá bất ngờ khi giống lúa chất lượng TBR45 trên cánh đồng xã An Nghiệp (Tuy An - Phú Yên) cho năng suất vượt trội, dù nơi đây được xem là vùng “rốn” bệnh đạo ôn.
GIỐNG LÚA KHÔNG “SỢ” ĐẠO ÔN
Vụ đông xuân 2013-2014, mô hình thử nghiệm trồng lúa TBR45 được triển khai sản xuất tại xã An Nghiệp, trên diện tích 20ha. Tại hội thảo đầu bờ do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tổ chức, các chuyên gia ngành Nông nghiệp đánh giá giống lúa TBR45 chống chịu được các loại sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn.
Trong 2 vụ lúa liên tiếp (đông xuân 2012-2013 và 2013-2014), xã An Nghiệp là nơi xuất hiện bệnh đạo ôn nhiều so với các cánh đồng lúa khác trong tỉnh. Riêng đối với vụ đông xuân này, khi lúa ở giai đoạn cuối đẻ nhánh gặp không khí lạnh kéo dài, nhiệt độ thấp và độ ẩm cao, đã xuất hiện bệnh đạo ôn gây hại trên lá. Cán bộ kỹ thuật của mô hình theo dõi, thông báo cho bà con nông dân phòng trừ.
Bà Nguyễn Thị Mơ, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết: Khu vực này là vùng “rốn” của bệnh đạo ôn và các loại sâu bệnh hại như: bọ trĩ, đốm lá… phá hại ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Thế nhưng, lúa đến giai đoạn 60 ngày sau sạ, ruộng mô hình được 400 bông/m2 (sạ 5 kg/sào), trong khi đó ruộng đối chứng đạt 475 bông/m2 (sạ 6kg/sào).
Tuy nhiên số hạt chắc/bông của mô hình cao hơn đối chứng 21 hạt chắc/bông. Yếu tố dẫn đến hạt chắc/bông của mô hình cao hơn đối chứng là do ruộng mô hình sử dụng giống chất lượng, bón phân hợp lý; đồng thời áp dụng kỹ thuật tưới nước “ngập khô xen kẽ” giúp cây lúa khỏe, tăng khả năng chống đổ ngã, tiết kiệm nước tưới, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, đạt hiệu quả an toàn cho môi trường.
Ông Dương Thành Châu, một chủ ruộng sản xuất theo mô hình cho hay: “Chúng tôi tham gia sản xuất lúa chất lượng, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật đã đề ra nên lúa ít xuất hiện sâu bệnh hơn so với ruộng đối chứng. Một số hộ đạt năng suất cao như hộ ông Tô Văn Trung (đạt 80,2 tạ/ha); ông Hồ Nhơn (đạt 79,6 tạ/ha) và ông Tô Văn Trực (đạt 79,5 tạ/ha)…
NĂNG SUẤT CAO
Ruộng mô hình sạ lúa theo hàng với lượng giống 5kg/sào làm cho cây lúa đẻ nhánh khỏe, từ đó nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, việc bón phân cân đối ”nặng đầu nhẹ đuôi” đã làm hạn chế lúa đẻ nhánh vô hiệu, giúp lúa trổ tập trung là tiền đề cho lúa đạt năng suất cao. Kết quả, năng suất bình quân của mô hình đạt 77,6 tạ/ha, cao hơn ruộng đối chứng 4,6 tạ/ha.
Gần 120 hộ nông dân ở các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa tỏ ra bất ngờ vì giống lúa TBR45 trồng ở vùng “rốn” bệnh đạo ôn nhưng cho năng suất vượt trội so với lúa đối chứng. Ông Trần Văn Điền ở xã Hòa Định Tây (Phú Hòa) tham quan mô hình phấn khởi nói: “Cả một cánh đồng rộng lớn, thân cây lúa to, cứng rạ nên không đổ ngã. Khi lúa giai đoạn chín, tôi nhìn kỹ thấy trên lá có xuất hiện bệnh đóm lá, thế nhưng gié lúa không lép hạt, năng suất vẫn cao”.
Còn ông Nguyễn Ngọc Phú, Giám đốc HTX Hòa Tân Tây (Tây Hòa) tham quan mô hình tại xã An Nghiệp thổ lộ: “Mặc dù năm nay thời tiết hết sức bất lợi, thời gian sinh trưởng các loại giống lúa dài hơn mọi năm, thế nhưng lúa TBR45 ít sâu bệnh, năng suất đạt 77,6 tạ/ha. Cần nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh để bà con nông dân tiếp cận với những tiến bộ khoa học mới trong sản xuất lúa chất lượng”.
Qua bảng phân tích tại hội thảo đầu bờ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư cho thấy, tổng chi ruộng mô hình trên 21,9 triệu đồng/ha; tổng chi ruộng đối chứng trên 21,2 triệu đồng/ha; giống lúa chất lượng nên giá bán chênh lệch cao hơn lúa thường 200 đồng/kg, nên hiệu quả của mô hình cao hơn đối chứng trên 3,4 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên cần tăng cường công tác tiếp thị đầu ra cho sản phẩm lúa chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân, qua đó tạo được vùng sản xuất lúa hàng hóa.
Ông Nguyễn Thành, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư nhận định: “Với kết quả này, trung tâm tiếp tục nhân rộng mô hình ở các địa phương khác trong toàn tỉnh, tiến tới xây dựng cánh đồng lúa Phú Yên chất lượng cao.
Qua đó, trung tâm đề nghị Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình và Công ty TNHH SXTM Hoàng Long Vina tiếp tục đồng hành để hỗ trợ giống, phân bón cho mô hình cánh đồng mẫu ở những vụ tiếp theo”.
Có thể bạn quan tâm
Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Sóc Trăng từ nay đến năm 2020 đã được ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng phê duyệt, bò sữa là một trong các vật nuôi được ưu tiên phát triển. Cùng với việc tăng đàn bò sữa, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.
Mới đây, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên phối hợp với huyện Tuy An tiến hành tiêu hủy vùng sắn đã bị rệp sáp bột hồng gây hại nặng nhằm cắt đứt nguồn lây lan sang diện rộng. Lần đầu tiên rệp sáp bột hồng xuất hiện gây hại, người trồng sắn thiệt hại kinh tế hàng trăm triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, mô hình thâm canh ca cao trong vườn điều đang triển khai hàng trăm hécta ở Đông Nam bộ đã cho hiệu quả rất cao. Mô hình này cho năng suất cao trên cả cây ca cao và cây điều mang lại thu nhập cao cho người sản xuất.
Là địa phương có truyền thống về trồng cây vụ đông, những năm gần đây, nông dân xã Vũ Lạc (thành phố Thái Bình) đã trồng thử nghiệm khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu không những cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao mà còn khắc phục được tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, đồng thời góp phần cải tạo đất và mở ra phương thức gieo trồng mới đối với cây khoai tây vụ đông.
Vụ thu hoạch mía ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ mới bắt đầu nhưng nông dân rất lo lắng vì giá quá thấp. Chưa khi nào nghề trồng mía lại long đong vì thua lỗ, nợ nần như mấy năm gần đây.