Thanh Hồng lại mất mùa bưởi đào
Mấy năm nay bưởi đào Thanh Hồng mất mùa, được giá
Trước đây mỗi khi Tết Trung thu đến gần thì cũng là lúc nông dân xã Thanh Hồng (Thanh Hà, Hải Dương) tất bật thu hoạch bưởi đào. Ba năm nay, người dân ở đây liên tục phải đối mặt với tình trạng bưởi được giá nhưng mất mùa.
Năng suất bấp bênh
Từ năm 2013 trở lại đây, năng suất bưởi đào ở xã Thanh Hồng giảm hẳn, năm 2014 gần như mất trắng.
Nguyên nhân chính là do thời tiết diễn biến thất thường. Khi bưởi bắt đầu ra hoa gặp mưa nhiều nên không đậu quả, một số vườn khi cây bưởi có quả non lại xuất hiện mưa axít nên ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cả cây và quả.
Ông Ngô Hồng Quảng ở thôn Lập Lễ đã có kinh nghiệm trồng bưởi hơn 20 năm nay nhưng cũng bất lực trước thời tiết. Ông Quảng buồn rầu:
"Năm ngoái và năm nay không có bưởi mà bán. Những năm trước mỗi cây được hàng trăm quả, nay cả vườn may ra mới được nghìn quả, bán không đủ chi phí chăm bón".
Hiện tại, ông Quảng có 1,5 mẫu vườn trồng 125 gốc bưởi.
Để cây bưởi phát triển tốt, đầu năm ông đã tới Ninh Giang để mua phân gà về bón.
Việc cắt tỉa cành trước khi ra hoa, sau khi có quả và sau thu hoạch được gia đình ông làm rất cẩn thận. Năm 2012, cả vườn cho thu hoạch hơn 17.000 quả bưởi đào, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 135 triệu đồng.
Đến mùa thu hoạch, thương lái đến tận vườn tự hái bưởi. Đối với người dân thôn Lập Lễ, trồng bưởi nhàn hơn trồng vải, thu nhập cao nên từ lâu cây bưởi đã trở thành cây trồng chủ lực. Vì thế, tình trạng bưởi mất mùa liên tục, khiến bà con rất lo lắng.
Gia đình ông Nguyễn Ngọc Tiếp ở thôn Lập Lễ cũng trồng hơn 1 mẫu bưởi đào. Năm nay, vườn bưởi của gia đình ông Tiếp được mùa hơn so với những hộ khác nhưng so với những năm trước thì sản lượng chỉ đạt khoảng 50%.
Tuy giá bán tại vườn từ 15.000 - 20.000 đồng/quả (cao hơn những năm trước từ 7.000 - 10.000 đồng/quả), nhưng sản lượng thấp nên thu nhập không được bao nhiêu. Ông Tiếp nói: "Làm nông nghiệp chủ yếu trông chờ vào thời tiết. Bưởi tuy là cây chủ lực cho thu nhập chính, nhưng tôi cũng phải trồng xen thêm một số loại cây khác để có thêm thu nhập".
Xã Thanh Hồng hiện có hơn 100 ha bưởi đào, trong đó khoảng 70 ha tập trung ở thôn Lập Lễ, còn lại ở thôn Nhan Bầu và Tiên Kiều. Theo nhiều người, bưởi đào ngon nhất khi được trồng ở đất Lập Lễ, nếu trồng ở nơi khác chất lượng giảm hẳn.
Bưởi đào ít khi được bán ở địa phương vì thương lái thu mua mang bán ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, một số bán trong các siêu thị.
Cần quan tâm hơn
Lâu nay, người trồng bưởi vẫn áp dụng phương pháp canh tác truyền thống, cách chăm sóc bưởi cũng đơn giản nên khi gặp thời tiết bất lợi người trồng thường lúng túng, ảnh hưởng rõ rệt đến năng suất.
Hằng năm, xã Thanh Hồng cũng phối hợp để giới thiệu thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn nông dân phòng tránh thiên tai, sâu bệnh phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, chưa có lớp nào hướng dẫn cho nông dân cách trồng và chăm sóc bưởi đào.
So với nhiều loại cây khác như vải, ổi, chuối, bưởi đào ở Lập Lễ được đánh giá là loại cây có giá trị kinh tế cao và ổn định. Trồng bưởi sau 3 năm sẽ cho thu hoạch và năng suất ổn định từ năm thứ 5 trở đi. Song nếu không biết cách chăm sóc theo chu kỳ và để đất cằn thì rất khó để cây bưởi phát triển.
Ngoài việc mong muốn được áp dụng tiến bộ khoa học vào canh tác, giúp cho cây bưởi ra quả đều đặn, bà con xã Thanh Hồng mong xây dựng được thương hiệu cho loại nông sản này.
Ông Đào Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Thanh Hồng cho biết: "Do bưởi đào giá trị kinh tế cao nên nhiều người cũng muốn mở rộng diện tích trồng. Nhưng quỹ đất của địa phương không nhiều, UBND xã đã khuyến cáo nông dân không nên trồng ồ ạt, tập trung nâng cao chất lượng bưởi. Nếu không mất mùa, mỗi năm địa phương thu được từ 18 - 22 tỷ đồng từ bưởi đào".
Có thể bạn quan tâm
Huyện Lâm Thao hiện có 620ha nuôi trồng thuỷ sản, sản lượng thuỷ sản ước đạt trên 2.600 tấn; trong đó loại hình mặt nước ao hồ nuôi chuyên 520ha, năng suất 4,6 tấn/ha, loại hình 1 lúa, 1 cá 100ha, năng suất đạt 2,1 tấn.
Ngày 28-10, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với huyện Đoan Hùng, Viện Nghiên cứu rau quả tổ chức hội nghị tổng kết mô hình trình diễn: “Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã quả bưởi đặc sản Đoan Hùng”.
Mặc dù kinh tế trang trại (KTTT) ở Quảng Trị trong những năm qua có chuyển biến, song mô hình hình kinh tế này vẫn chậm phát triển, các chỉ tiêu phát triển sản xuất bình quân ở trang trại còn thấp và tăng trưởng chậm qua các năm. Sự chậm phát triển này có nhiều nguyên nhân như thiếu vốn, thiếu kiến thức, thiếu các chính sách đầu tư từ phía nhà nước...
Anh nói, đời anh làm gì cũng bằng… một tay, một tay tiên phong trong việc trồng chè và tạo dựng thương hiệu chè xanh trên vùng gò đồi Thượng Nguyên (Hải Lâm, Hải Lăng, Quảng Trị) với hơn 1 ha chè, mà cứ mỗi sáng thức giấc là “bỏ túi” 500.000 đồng, một tay đưa cuộc sống gia đình vượt lên khó khăn, làm giàu trên đất khó. Anh chính là Nguyễn Văn Thành mà mọi người vẫn trìu mến gọi là Thành “một tay”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đình Vĩnh, chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (QLCL & BVNLTS) TP.HCM, cho biết bước đầu xác định trang trại Sơn Ca (TP. HCM) cung cấp lươn giống không rõ nguồn gốc, sản xuất lươn giống không có giấy phép.