Thanh Hóa Phát Triển Mô Hình Nuôi Cá Rô Phi Xuất Khẩu
Những năm qua, việc đa dạng hóa đối tượng con nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản là hướng đi đúng trong việc tăng giá trị sản phẩm trên 1 ha mặt nước.
Nếu như năm 2010, giá trị thu được trên 1 ha mặt nước là 80 triệu đồng, thì năm 2013 giá trị tăng lên 126 triệu đồng/ha, trong đó cá rô phi đơn tính đã được đưa vào nuôi trồng và khẳng định hiệu quả kinh tế cao với khoảng 200 triệu đồng/ha nếu thực hiện nuôi thâm canh 2 vụ trong năm.
Cá rô phi đơn tính được đưa vào nuôi ở tỉnh Thanh Hóa từ năm 2003, tuy nhiên chủ yếu là nuôi theo hình thức xen ghép, phân tán trong các hộ dân, năng suất và chất lượng sản phẩm chưa cao.
Duy chỉ có Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa đã đầu tư nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Năm 2013, công ty đã liên kết với nông dân các huyện Nông Cống, Nga Sơn, Triệu Sơn... nuôi 15 ha cá rô phi đơn tính, sản lượng đạt 400 tấn và toàn bộ đã được xuất khẩu. Năm 2014, công ty tiếp tục đầu tư nuôi thâm canh 25 ha và 380 ha nuôi quảng canh trên các hồ thủy lợi, ước tính sản lượng đạt trên 2.000 tấn.
Cùng với đó, từ năm 2009 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng các mô hình trình diễn nuôi cá rô phi xen ghép và thâm canh theo quy trình VietGAP, đây được xác định là hướng đi tạo nền cho quá trình hình thành mô hình nuôi cá rô phi xuất khẩu. Với hình thức nuôi xen ghép, mật độ thả 3 con/m2, sau hơn 5 tháng, cá rô phi trung bình đạt khoảng 0,5 - 0,6 kg/con, năng suất đạt trên 10 tấn/ha.
Với giá bán 33.000 - 35.000 đồng/kg, người nuôi thu lãi hơn 50 triệu đồng/ha. Nếu đầu tư thâm canh, lợi nhuận thu được đạt trên 100 triệu đồng/ha. Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng kế hoạch và giao cho các trạm khuyến nông TP Thanh Hóa, Đông Sơn, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Nga Sơn, Hậu Lộc và Hoằng Hóa thực hiện mô hình nuôi cá rô phi theo quy trình VietGAP. Tại huyện Đông Sơn, 3 hộ gia đình được lựa chọn tham gia thí điểm mô hình tại xã Đông Yên đều đạt năng suất, chất lượng cao, sau hơn 6 tháng, cỡ cá rô phi đạt tới trọng lượng 843g/con.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mặc dù đã được tập huấn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thống nhất kế hoạch và ký hợp đồng thực hiện mô hình với sự hỗ trợ của khuyến nông, song một số hộ gia đình vẫn chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật, như: Cải tạo ao nuôi không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, thả thêm cá ghép kích thước quá lớn, cạnh tranh thức ăn với cá rô phi, đặc biệt là việc sử dụng thức ăn chưa đầy đủ số lượng, chất lượng, chưa có niềm tin đầu tư thức ăn công nghiệp theo yêu cầu kỹ thuật, do đó mặc dù cùng quy trình kỹ thuật, cùng nguồn cá giống và thức ăn, song kết quả khác nhau về tốc độ tăng trưởng cũng như chất lượng sản phẩm.
Điển hình như mô hình thí điểm tại huyện Triệu Sơn, với 140 ngày tuổi, cá rô phi đạt kích cỡ 606g/con nhưng mô hình thí điểm tại Vĩnh Lộc với 150 ngày tuổi, cá rô phi chỉ đạt kích cỡ trung bình 321g/con. Thực tế đó yêu cầu công tác chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật phải sâu sát, quyết liệt cũng như động viên, hướng dẫn bà con có niềm tin vào thị trường tiêu thụ để đầu tư vốn.
Xu thế hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị là hướng đi tất yếu bảo đảm sự bền vững của nghề nuôi cá rô phi hiện nay, bảo đảm cân đối nguồn cung cầu của thị trường. Thực tế hiện nay tại các địa phương, các hộ gia đình thực hiện mô hình thí điểm theo quy trình VietGAP cũng như ngoài mô hình, do sản lượng còn ít nên chủ yếu tự tiêu thụ.
Ông Lại Như Trung, xóm Tân Dân, xã Đông Tân, TP Thanh Hóa, chia sẻ: Ngoài chi phí đầu tư cải tạo ao nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chi phí sản xuất 1 kg cá rô phi hết khoảng 25.000 đồng, trong khi đó, giá thu mua của doanh nghiệp là 28.000 đồng thì người sản xuất không có lãi là bao, do đó, gia đình tự tìm cách tiêu thụ tại địa phương.
Tuy nhiên, với mục tiêu quy hoạch đến năm 2020, diện tích nuôi thâm canh cá rô phi là 1.000 ha, nhu cầu của thị trường tại địa phương sẽ bão hòa, do đó để thị trường tiêu thụ ổn định, việc hợp tác với doanh nghiệp để được bao tiêu sản phẩm là giải pháp tối ưu. Về phía các cơ quan liên quan và doanh nghiệp tham gia đầu tư liên kết cũng cần nghiên cứu điều chỉnh mức giá ổn định và phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho người dân khi tham gia mô hình.
Trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp Thanh Hóa theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, cá rô phi được xác định là sản phẩm chủ lực, tỉnh ta đã chủ trương phát triển nuôi cá rô phi xuất khẩu thành một ngành sản xuất hàng hóa bền vững. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là diện tích ao nuôi tại các địa phương manh mún, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật về diện tích, độ sâu...
Do đó, bên cạnh công tác quy hoạch, thông tin tuyên truyền, tỉnh cần ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển vùng nuôi thâm canh, như: Đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển giống thủy sản, hệ thống cảnh báo và giám sát môi trường, hệ thống quản lý dịch bệnh và thú y thủy sản, áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản theo quy trình VietGAP, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân tham gia tiếp cận mô hình.
Nguồn bài viết: http://baothanhhoa.vn/vn/kinh-te/n132326/Phat-trien-mo-hinh-nuoi-ca-ro-phi-xuat-khau
Có thể bạn quan tâm
Cây nhãn Ido đã mang lại cho nhiều nông dân cuộc sống sung túc điển hình như ông Nguyễn Văn Phúc tỉnh Vĩnh Long, mỗi năm lời trên 2 tỷ đồng.
Không chỉ thu tiền lời hơn 1 tỉ đồng mỗi năm từ trang trại nuôi ếch, anh Nguyễn Văn Nữa (29 tuổi) còn là người đầu tiên làm chà bông ếch thành công
Anh Nguyễn Văn Luật vay vốn ngân hàng, người thân để đào ao thả cá, xây chuồng trại chăn nuôi lợn, gà. Từ mô hình này mà mỗi năm anh “đút túi” trên 1 tỷ đồng.
Lúc đầu vì thiếu vốn, anh phải vay thêm tiền ngân hàng để khởi nghiệp với mô hình nuôi cá cảnh (cá kiểng) và cá giống.
Chúng tôi tìm về xã Nghĩa Thắng, nơi được mệnh danh là vựa đinh lăng lớn nhất của huyện Nghĩa Hưng với khoảng 400 hộ tham gia trồng cây dược liệu quý hiếm này.