Thanh Hóa Liên Kết Theo Chuỗi Trong Nuôi Trồng Thủy Sản Còn Nhiều Khó Khăn
Liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng đang là yêu cầu cần thiết để bảo đảm cung ứng ra thị trường sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chú trọng đẩy mạnh phát triển các hình thức liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản.
Bài học từ nuôi ngao
Nuôi ngao đã từng mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều hộ dân ở các địa phương ven biển. Song, nó cũng là nguyên nhân làm cho nhiều hộ dân lâm vào cảnh nợ nần. Toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.300 ha nuôi ngao, sản lượng đạt khoảng 13.000 tấn ngao thương phẩm/năm.
Diện tích nuôi ngao chủ yếu tập trung ở các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia... Những năm trước, khi con ngao đang có giá trị kinh tế cao, người dân ở các vùng triều ven biển đua nhau nuôi ngao, thậm chí còn lấn chiếm hành lang an toàn đê chắn sóng để cải tạo làm đồng nuôi.
Nhưng đến giữa năm 2013, khi đang hứa hẹn một mùa ngao bội thu thì giá ngao từ 25.000 đồng/kg giảm xuống còn 12 - 13.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua. Ngao đến kỳ thu hoạch không bán được cộng với thời tiết khắc nghiệt khiến ngao chết hàng loạt. Nguyên nhân dẫn đến giá ngao thương phẩm đột ngột giảm mạnh là do thị trường Trung Quốc tiêu thụ được 50% sản lượng rồi không tiêu thụ nữa.
Cần có sự gắn kết giữa người dân với doanh nghiệp
Hiện nay, toàn tỉnh có 10.350 ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt, sản lượng đạt 24.100 tấn/năm, tăng trưởng bình quân 6,7%/năm. Diện tích nuôi nước mặn, lợ là 7.700 ha; nhờ đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, sản lượng đạt 15.900 tấn/năm.
Chủ yếu là hình thức nuôi quảng canh cải tiến, từng bước phát triển nuôi bán thâm canh, nuôi chuyên và trang trại tổng hợp, gắn nuôi trồng thủy sản với trồng trọt, chăn nuôi. Thời gian qua, các địa phương đã chủ động xác định đối tượng nuôi trồng chủ lực dựa trên điều kiện của từng địa bàn.
Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế và được nhân rộng, như: nuôi cá lóc thâm canh trong bể xi-măng, cá rô phi, tôm sú, tôm chân trắng, cua xanh... ở các huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia, Hoằng Hóa, Nga Sơn và thị xã Sầm Sơn. Tuy nhiên, hiện nay người dân nuôi trồng thủy sản phần lớn là tự tìm đầu ra cho sản phẩm.
HTX nuôi trồng thủy sản xã Hoằng Phong (Hoằng Hóa) là một trong những địa chỉ hiếm hoi trong liên kết với người nông dân trong lĩnh vực thủy sản. Nhưng do nguồn vốn hạn hẹp, HTX cũng chỉ cung ứng nguồn giống đã được kiểm soát dịch bệnh từ những trung tâm sản xuất giống có uy tín trong và ngoài tỉnh cho xã viên. Ông Trương Văn Miên, chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản xã Hoằng Phong, cho biết: HTX đã đi vào hoạt động được gần 5 năm, thu hút 70 xã viên/105 hộ nuôi trồng thủy sản của xã.
Mặc dù đi vào hoạt động đã lâu nhưng HTX cũng chỉ cung cấp con giống, các chế phẩm sinh học để xử lý đầm nuôi, các loại thức ăn, tư vấn về kỹ thuật cải tạo đầm nuôi, dịch vụ cung cấp thoát nước cho các đồng nuôi. Xã viên tham gia được HTX tổ chức đi tham quan các mô hình nuôi trồng có hiệu quả kinh tế ở trong và ngoài tỉnh. Hỗ trợ một phần kinh phí khi xã viên gặp rủi ro trong quá trình nuôi trồng thủy sản.
Hiện, trên địa bàn tỉnh chỉ có Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa liên kết với nông dân các huyện Nông Cống, Nga Sơn, Triệu Sơn... nuôi 15 ha cá rô phi đơn tính, sản lượng đạt 400 tấn và toàn bộ sản phẩm đã được xuất khẩu.
Năm 2014, công ty mở rộng đầu tư nuôi thâm canh 25 ha và 380 ha nuôi quảng canh trên các hồ thủy lợi, ước tính sản lượng đạt hơn 2.000 tấn. Theo đó, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng đối với sản phẩm cá rô phi đơn tính được thực hiện theo tiêu chuẩn của quy trình VietGAP từ khâu sản xuất, cung ứng giống, nuôi thương phẩm đến thu mua, sơ chế và tiêu thụ.
Ông Cao Thanh Thọ, trưởng phòng nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Hiện nay, vấn đề liên kết theo chuỗi giá trị trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện được nhiều. Vì thực trạng nuôi trồng thủy sản ở các địa phương trong tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, kể cả đối tượng nuôi nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Để thực hiện chuỗi liên kết giá trị trong nuôi trồng thủy sản cần phải có chính sách phát triển đối với doanh nghiệp và người nông dân hoạt động trong lĩnh vực này.
Nguồn bài viết: http://baothanhhoa.vn/vn/kinh-te/n132857/Lien-ket-theo-chuoi-trong-nuoi-trong-thuy-san-con-nhieu-kho-khan
Có thể bạn quan tâm
Giá xuất khẩu trung bình cua, ghẹ của Myanmar, Thái Lan sang Úc đạt trên 11,5 USD/kg trong khi đó cua ghẹ Việt Nam xuất sang đây chỉ có giá 8,5 USD/kg. Chính nhờ giá rẻ mà cua, ghẹ của Việt Nam đang rất được ưa chuộng tại Úc.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, việc ứng dụng thành tựu từ công nghệ cây trồng biến đổi gen (BĐG) sẽ góp phần tăng thêm sản lượng ngô cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Lâm Đồng đang bước vào mùa thu hoạch sầu riêng chính vụ. Theo các chủ vườn, năm nay loại trái cây này không chỉ được mùa mà còn được giá.
Từ bòn bon, măng cụt, bơ đến cả mãng cầu (na) trong nước đều đang lép vế hoàn toàn so với các loại trái cây nhập khẩu cùng loại.
Bệnh trắng lá mía do dịch khuẩn bào Phytoplasma gây ra. Đây là bệnh nguy hiểm trên cây mía và chưa có thuốc BVTV đặc trị.