Thanh Hao Hoa Vàng - Được Mùa Nhưng Mất Giá
Đi dọc triền đê Sông Hồng (Yên Lạc, Vĩnh Phúc), tôi bị cuốn hút bởi màu xanh của những cánh đồng thanh hao hoa vàng với mùi hăng hắc rất đặc trưng. Năm 2006, cây thanh hao hoa vàng được triển khai trồng ở Yên Lạc đã mở ra một hướng đi mới cho người nông dân, nhưng niềm vui chưa trọn vẹn thì nỗi lo đã đến. Giá thanh hao hoa vàng lên xuống thất thường làm cho người trồng luôn trong trạng thái bất an.
Vừa mừng vừa lo
Cùng với những huyện trong tỉnh như: Bình Xuyên, Lập Thạch, Vĩnh Tường…có diện tích trồng thanh hao hoa vàng khá lớn, ở Yên Lạc, thanh hao hoa vàng được trồng tập trung ở các xã: Hồng Châu, Liên Châu, Đại Tự, Trung Kiên… Với đặc tính dễ trồng, dễ sống, chi phí ít, chăm bón đơn giản nên thanh hao hoa vàng được trồng ở khắp mọi nơi, trên bờ mương, ven hai đường đi, trên các cánh đồng, và xen canh với ngô, đậu tương, khoai lang…Tháng 7 là thời điểm thuận lợi để người dân nơi đây thu hoạch thanh hao.
Từ các con đường làng đến sân đình, sân chùa đều trở thành chỗ phơi lý tưởng cho thanh hao. Nhìn ai nấy đều phấn khởi khi làm việc, hỏi ra mới biết năm nay thanh hao được mùa nên người dân vui mừng lắm. Trò chuyện với tôi, chị Bùi Thị Tình, thôn Kim Lân – xã Hồng Châu cho biết: “Năm nay, thanh hao đạt năng suất cao hơn mọi năm, dù chưa biết giá cả như thế nào, nhưng cứ được mùa là chúng tôi phấn khởi rồi. Mọi năm, hạn hán rồi lại mưa bão nhiều làm cây thanh hao không phát triển được, năng suất cũng giảm sút chỉ khoảng 1,5 – 2 tạ/ sào; năm nay, năng suất trung bình đạt từ 2 – 3 tạ/ sào”.
Về thôn 2, xã Trung Hà những ngày này có một mùi rất đặc trưng, đó là mùi hăng hắc của những cây thanh hao hoa vàng được phơi trên các lối đi. Cô Nguyễn Thị Chanh – chi hội trưởng hội nông dân thôn 2 vừa tâm sự: “Ở đây, gia đình nào cũng trồng thanh hao, trung bình từ 2 – 3 sào. Có những gia đình còn đi thuê đất nơi khác để trồng, bởi dòng Sông Hồng ngày càng lấn sâu vào làm đất bị lở nên diện tích của thôn và diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Chúng tôi muốn mở rộng diện tích cũng khó, đành phải đi thuê đất. Năm nay, nhờ thời tiết ủng hộ, nước đầy đủ nên thanh hao phát triển tốt, năng suất cao. Nếu cứ như thế này thì sang năm, chúng tôi lại đi thuê thêm đất để mở rộng diện tích”.
Những tưởng vui mừng này sẽ được tiếp nối, nhưng giá cả thanh hao lại không như người dân mong đợi. Thanh hao năm nay lại trượt giá so với mọi năm. Một nông dân trồng cây thanh hao hoa vàng cho biết: “Năm ngoái giá thanh hao khoảng 25 – 30 nghìn đồng/ 1kg. Nhưng năm nay giá thấp lắm, những nhà lái buôn mua chỉ từ 12 – 14 nghìn đồng/ 1kg”. Như vậy, là giá thanh hao giảm 2 lần so với mọi năm. Khi thu hoạch về, thanh hao phải được phơi khô màu xanh đẹp thì mới được giá 14 nghìn/1kg, còn nếu chẳng may gặp mưa, thanh hao ngả màu thì giá lại thấp, chỉ có 10 – 12 nghìn đồng/1kg. Thấp vậy, mà những người mua buôn vẫn kì kèo chả muốn mua loại xấu. Giá thanh hao rẻ nhưng nếu không bán thì cũng chả để làm gì, nên chúng tôi đành chấp nhận”.
Chị Nga, nông dân trồng thanh hao tâm sự: “Mỗi năm một giá, chúng tôi không biết làm sao, cũng chả biết kêu ai. Không biết có phải do được mùa nên các nhà mua buôn ép giá không, hay do nhà máy không tiêu thụ được sản phẩm?”. Đó cũng là câu hỏi của rất nhiều người dân nơi đây mà chưa tìm được lời giải đáp.
Vẫn chỉ là cây trồng tự phát
Thanh hao hoa vàng là một loại cây trồng tự phát của người nông dân, và chưa được trở thành cây công nghiệp chính của ngành Nông nghiệp. Diện tích thanh hao biến động cùng với giả cả của nó. Nếu như năm 2012, diện tích gieo trồng thanh hao của toàn huyện Yên Lạc là 206 ha thì năm 2013 tăng lên 228 ha, trong đó có các xã điển hình như: xã Liên Châu 45 ha; xã Trung Kiên là 65,5 ha…
Có tình trạng người dân và thương lái tự làm hợp đồng thỏa thuận với nhau mà không có sự can thiệp, đứng ra của chính quyền địa phương nên khi thanh hao được mùa thì bị tư thương ép giá, mua giá thấp, khi thanh hao không được mùa thì tư thương nâng cao giá thành lên cao và tranh nhau thu mua vào. Cũng bởi lẽ, thanh hao hoa vàng chưa phải là cây công nghiệp chính nên chính quyền cũng không thể can thiệp để bình ổn giá cho người nông dân.
Chị Nguyễn Thị Bảy – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Châu cho biết: “Chúng tôi cũng chưa biết nên làm như thế nào để giúp người nông dân, rất mong Nhà nước quan tâm bình ổn giá thanh hao để các xã vùng ven sông yên tâm sản xuất, góp phần ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo…”.
Một cán bộ tại phòng NN và PTNT huyện Yên Lạc cho hay: “Do người dân và thương lái tự bắt tay với nhau để tạo đầu ra cho thanh hao hoa vàng nên cán bộ các cấp rất khó can thiệp và hầu như chưa có chính sách cụ thể nào để hỗ trợ người dân khi bị thương lái ép giá”.
Thanh hao hoa vàng hiện nay đã và đang góp phần rất lớn trong việc tăng thu nhập và ổn định đời sống cho người nông dân. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền nên xem xét để đưa thanh hao trở thành một trong những cây công nghiệp chính. Và người dân cũng nên cẩn trọng trong vấn đề đầu ra của sản phẩm. Đừng để diện tích tỷ lệ nghịch với giá cả diễn ra thường xuyên, khi đó người chịu thiệt hại vẫn chỉ là những người nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Phân bón cho cây trồng nông nghiệp bao gồm nhiều loại, nhưng có thể qui tập vào những nhóm chủ yếu: phân hữu cơ (cả hữu cơ vi sinh); phân vô cơ (phân đa lượng, trung lượng, vi lượng); phân vi sinh vật. Phân hữu cơ và phân vô cơ đều cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng nhưng không thể thay thế cho nhau.
Với quyết tâm chinh phục “đất nghèo”, ông Nguyễn Văn Hùng, ở thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn (Ninh Sơn) đã dày công cải tạo những thửa ruộng cằn cỗi thành trang trại sản xuất, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Mô hình Câu lạc bộ (CLB) “Gia đình 5 không, 3 sạch” tại Chi hội Phụ nữ thôn Thành Sơn (xã Xuân Hải, Ninh Hải) mới đi vào hoạt động được một năm nhưng đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp chị em phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Nhìn cơ ngơi làm ăn bề thế của anh nông dân trẻ Phạm Văn Tiến ít ai ngờ nơi đây nguyên là vùng sỏi đá. Bằng ý chí và nghị lực của tuổi trẻ, anh biến đồi hoang thành những vườn nho bốn mùa cho trái ngọt và những thửa ruộng vàng thơm sắc lúa. Anh Tiến là điển hình tiêu biểu của lớp nông dân trẻ sinh trưởng sau mùa xuân 1975 năng động có kiến thức vươn lên làm giàu bền vững ở xã Nhị Hà.
Trở lại xã Quảng Sơn vào những ngày giữa tháng ba, chúng tôi gặp nông dân địa phương khẩn trương thu hoạch mía đường. Hàng chục chiếc xe tải xuôi ngược đi về chở mía cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến đường Phan Rang.