Hậu Giang Tìm Hướng Đi Cho Vật Nuôi Lạ
Bảo vệ nguồn gen động vật hoang dã, đồng thời tạo hiệu quả kinh tế là những cách làm hay của nhiều hộ nuôi dơi, nhím... trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện nay.
Thời gian gần đây, người dân rất quan tâm đến việc thuần dưỡng các loài động vật hoang dã, vì nó mang lại nguồn thu nhập khá cao như nuôi nhím, heo rừng, cua đinh, gà sao,... và đặc biệt là nuôi dơi lấy phân.
Nuôi dơi “làm chơi ăn thiệt”
Trong thời buổi giá phân bón tăng cao, thậm chí lẫn lộn phân giả, thì nhà vườn khó bám trụ với vườn cây ăn trái, một biện pháp hữu hiệu nhất là chuyển từ sử dụng phân hóa học sang phân bón hữu cơ. Từ điều kiện này, nhiều người đã bắt đầu với mô hình nuôi dơi lấy phân.
Ông Đinh Văn Mến, ở ấp Đông Phú A, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Nói về nuôi dơi, chẳng mấy ai dám thiết tha vì theo người trong nghề muốn “dụ” được dơi về không dễ và phải có nhiều kinh nghiệm hiểu biết về tập tính của loài này.
Xuất phát điểm của tôi làm nghề xây chuồng dơi cho các nhà vườn trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Một dạo, tôi thấy trước nhà, dơi hay chao lượn nhiều nên đánh bạo xây chuồng “dụ” dơi về ở. Nuôi dơi không cần chăm sóc, chỉ tốn chi phí làm chuồng, mua lá thốt nốt lúc đầu mà vẫn diệt được các côn trùng như muỗi, kiến,...
Cứ khoảng nửa tháng phải tháo lá giặt sạch, phơi khô rồi treo lên nóc chuồng tái sử dụng, sau một năm thay lá một lần. Chuồng dơi thiết kế theo hình lục giác khoảng 24m2, dân gian hay gọi nôm na là hình chân nơm, vì bốn cột chụm lại phía trên y như cái nơm cá”.
Theo ông Mến ước đoán, đàn dơi hiện có khoảng trên 10.000 con. Như vậy cứ 2-3 ngày ông thu về khoảng 1 giạ phân (khoảng 20kg) và bán cho nhà vườn với giá 170.000-180.000 đồng/giạ. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu nhập từ nguồn này khoảng 20 triệu đồng. Phân dơi được các nhà vườn ưa chuộng, nhất là vườn trồng cây có múi”.
Ông Trần Văn Để, ở ấp Láng Hầm, xã Thạnh Xuân (Châu Thành A) nhận định: “Nhà vườn chuyên trồng cây cam, bưởi hay quýt và cả sầu riêng, nhãn rất thích bón phân dơi, do khả năng đậu trái chiếm tỷ lệ cao, trái chín có màu sắc đẹp, khi ăn có cảm giác vị ngọt thanh ngon miệng hơn so với bón phân hóa học. Nếu cây bón phân dơi đầy đủ thì tuổi thọ kéo dài đến trên 10 năm”.
Ông Mến chia sẻ thêm: “Nguồn phân dơi trên thị trường khá “khan hàng” vì ít người nuôi. Nuôi dơi chỉ tốn chi phí lúc làm chuồng, mất khoảng 15-18 triệu đồng, nhưng nếu dơi chịu ở thì chỉ cần một năm có thể thu hồi vốn, những năm sau thì thu lợi toàn bộ.
Tuy nhiên, để loài dơi ở lâu cần phải dọn chuồng sạch sẽ, tránh cho dơi bị dịch bệnh. Đồng thời, phải thường xuyên đuổi rắn lục và chim bồ cắt, hai loại động vật này là kẻ thù của dơi. Tính đến nay, tôi đã bám nghề được hơn 30 năm. Nhưng quan trọng hơn không phải ở hiệu quả kinh tế, mà là ý thức bảo vệ môi trường sống cho các loài động vật hoang dã. Theo tôi, nếu con người bảo vệ tốt cho chúng thì sẽ được đền đáp xứng đáng”.
Nuôi nhím: Phải tính toán kỹ
Mặc dù nằm trong địa bàn trồng xoài cát Hòa Lộc, nhưng ấp 2B, xã Tân Hòa (Châu Thành A) bị kênh rạch, ruộng lúa chia cắt nhiều nên diện tích vườn cây manh mún, dẫn đến hiệu quả mang lại không cao. Do đó, nhiều hộ dân chuyển sang các mô hình chăn nuôi. Được coi là một trong những gia đình mở đầu cho mô hình nuôi nhím, hộ anh Nguyễn Văn Đua trải qua những thăng trầm với nghề.
Anh Đua cho biết: “Theo nhiều người, nuôi các loài động vật hoang dã phải được kiểm lâm cấp phép, vì vậy có nhiều rào cản lớn cho người nuôi, bởi các thủ tục rườm rà. Nhưng với tôi thì đây là một vòng kiểm tra để khẳng định chất lượng con giống cũng như đảm bảo đầu ra cho sản phẩm về sau”.
So với nuôi dơi thì nghề nuôi nhím tốn nhiều thời gian, tiền bạc và công sức hơn. Anh Đua chia sẻ: “Việc tìm con giống là cái khó lớn nhất, bởi lựa chọn nhà cung cấp con giống chất lượng và có giấy phép kinh doanh động vật hoang dã phải có sự giới thiệu từ ngành chức năng, song song đó phải đăng ký khi gây nuôi. Bắt đầu với 4 con nhím giống mua được ở trại giống tại Củ Chi.
Sau một năm gây nuôi được 20 chuồng nhím, hiện giờ số lượng nhím đã lên đến 60-70 con. Năm đầu, đàn nhím đem về cho gia đình tôi hơn 60 triệu đồng, lần xuất chuồng gần nhất cũng đã đem lại 100 triệu đồng. Thịt nhím có giá trị kinh tế cao, các nhà hàng rất có nhu cầu, đặc biệt ở thành phố Cần Thơ, Hồ Chí Minh”.
Song song với hiệu quả mang lại, người nuôi nhím cũng gặp không ít khó khăn. Thời gian vừa qua, những vùng khác ồ ạt nuôi loài vật này kéo theo sự sụt giảm về giá cả. Anh Nguyễn Văn Đua cho biết thêm: “Thực tế, việc nuôi nhím không tính đến đầu ra đã tạo nên sự bấp bênh cho thị trường tiêu thụ.
Từ mức giá 400.000-500.000 đồng/kg, hiện chỉ còn khoảng 200.000-250.000 đồng/kg. Vậy nên, người nuôi muốn trụ vững cần phải có tính toán kỹ lưỡng. Nhưng nếu so sánh với nghề nuôi heo hay gia cầm thì nuôi nhím vẫn cho hiệu quả cao hơn”.
Ông Phạm Văn Cương, Phó Chủ tịch xã Tân Hòa, Châu Thành A, cho biết: “Nhím nuôi phát triển chậm nhưng ít dịch bệnh, nên phù hợp với chăn nuôi hộ gia đình.
Nhờ những ưu điểm đó, hiện nay mô hình chăn nuôi nhím đã được nhân rộng khoảng trên 10 hộ. Nếu xét thấy có hiệu quả lâu dài, địa phương sẽ mở rộng thêm mô hình vào thời gian tới và định hướng đây là phương án chuyển đổi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao do thị trường hiện nay vẫn có nhu cầu”.
Chăn nuôi động vật có nguồn gốc hoang dã, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi, mà còn góp phần làm giảm áp lực đối với việc săn bắt động vật hoang dã trong tự nhiên, bảo tồn nguồn lợi thiên nhiên.
Đồng thời, tác động tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, mở ra hướng làm ăn mới, vừa giúp người dân có nguồn thu nhập cao, vừa giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Cùng với những hiệu quả thiết thực mà các mô hình trên mang lại, thì người nuôi động vật hoang dã đang gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô diện tích do nhiều nguyên nhân như nghề đặc thù, hoặc thiếu nguồn vốn và đầu ra còn bất ổn.
Vấn đề cốt lõi là người nuôi cần có sự kiên trì cùng định hướng từ các ngành chức năng để việc lựa chọn vật nuôi đúng đắn, tránh được các sinh vật ngoại lai có hại,…
Có thể bạn quan tâm
Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, đến nay các tỉnh Bắc Trung bộ (BTB) đã hoàn thành gieo cấy lúa Hè Thu, vụ Mùa đang tập trung gieo cấy dự kiến xong trước 15/7.
Ngày 10/7, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận cho Công ty TNHH Trang trại Đa Nhim triển khai dự án trồng cây atisô, sản xuất trà atisô và chiết xuất cao atisô tại xã Đa Nhim (huyện Lạc Dương) trên diện tích 10.370m2 với tổng vốn đầu tư 10 tỷ 356 triệu đồng, thời gian thực hiện là 50 năm.
6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã xuất khẩu 2,71 triệu tấn gạo, đạt giá trị 1,13 tỷ USD. Trong đó, An Giang xuất 223.700 tấn gạo, tương đương 101 triệu USD, giảm 14,6% về lượng và 11,3% về giá trị so cùng kỳ. Một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu giảm là gạo không có thương hiệu nên xuất ở phân khúc cấp thấp, giá bán dưới giá sàn.
Dù năng suất đạt khả quan hơn so với vụ hè thu năm 2014 nhưng giá thành sản phẩm mùa vụ này lại tăng cao hơn. Nguyên nhân chủ yếu do nắng nóng kéo dài khiến cây lúa phải đối mặt với dịch bệnh, chậm phát triển, người dân phải tốn nhiều chi phí hơn cho đồng ruộng.
Cứ đến mùa sen, những người trồng sen lưu động lại lang bạt khắp nơi để mưu sinh. Với họ, nghề này không đơn giản để kiếm cái ăn mà còn tiếp nối truyền thống của gia đình tự bao đời nay.