Thành công từ mô hình nuôi heo rừng thuần chủng
Không ngừng tìm tòi, học hỏi
Năm 2010, gia đình ông Trần Văn Hiến cùng 2 hộ dân ở thôn Phước Lộc và Long Hòa (xã Xuân Quang 3) được Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ một phần kinh phí để nuôi 10 con heo rừng thuần chủng. Tuy nhiên, đến năm 2013, heo rừng bị bệnh; 2 trong số 3 hộ dân tham gia nuôi heo rừng không thể tiếp tục duy trì mô hình.
Chỉ còn ông Trần Văn Hiến vẫn đầu tư giữ đàn heo và không ngừng tìm tòi, học hỏi để hoàn thiện quy trình nuôi. Đến nay, đàn heo của gia đình ông Hiến đã lên đến 150 con, mang lại nguồn thu nhập đáng kể.
Theo ông Hiến, heo rừng là loài vật nhanh nhẹn, di chuyển linh hoạt với các đặc điểm: thân hơi gầy; dài đòn; đầu nhỏ; da lông màu hung nâu, hung đen hay xám đen; một gốc chân lông có 3 ngọn; cổ dày, dài và cứng; vai của heo rừng thường cao hơn mông. Heo rừng đực có răng nanh phát triển, còn heo rừng cái có 2 dãy vú, mỗi dãy 5 núm vú phát triển và nổi rõ. Heo rừng thường đẻ mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa từ 5 đến 10 con. Heo sơ sinh có trọng lượng bình quân từ 0,5 đến 0,9kg/con và có bộ lông sọc dưa.
Khi heo con trên 3 tháng tuổi, các vệt sọc dưa này không còn nữa. Bình quân lúc trưởng thành, heo rừng đực nặng từ 80 đến 100kg, con cái nặng từ 50 đến 70kg. Còn thông thường, heo rừng từ 7 đến 8 tháng tuổi, có trọng lượng từ 30 đến 40kg. Ở độ tuổi này, heo cái có thể phối giống nhưng heo đực cần thêm 1 đến 2 tháng nữa.
“Thịt heo rừng thơm ngon rất đặc trưng, da mỏng và giòn, nhiều nạc, ít mỡ được người tiêu dùng ưa chuộng. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho chuồng trại nuôi heo tương đối thấp nhưng heo rừng sinh sản tốt, tỉ lệ sống cao, ít bệnh, thức ăn đơn giản (gồm các loại rau, củ, quả, mía, bắp hạt...) nên nếu nắm vững kỹ thuật nuôi sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Hiến nói.
Năm 2013, nhiệt độ ban đêm xuống thấp khiến cho heo con không chống chọi được, nhiều gia đình nuôi heo rừng điêu đứng, gia đình ông Hiến cũng không ngoại lệ. Ông Hiến chia sẻ: “Lúc đó không chỉ có 3 hộ nuôi theo mô hình mà nhiều hộ nuôi tự phát cũng bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Đàn heo nhà tôi cũng tổn thất hơn một nửa, cứ tưởng là phải bỏ luôn. Nhưng vì tôi đã lỡ đầu tư vốn xây dựng chuồng trại khá nhiều nên phải cố khắc phục để thu hồi lại. Vậy là vừa bổ sung kiến thức lý thuyết, tôi vừa áp dụng thực tiễn để dần hoàn thiện quy trình nuôi. Kết quả, khi các gia đình khác giải tán đàn heo rừng thì trang trại nhà tôi bắt đầu đi vào ổn định”.
Khẳng định uy tín
Theo ông Trần Hưng Phú, chuyên viên phụ trách KH-CN Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đồng Xuân, mô hình nuôi heo rừng của gia đình ông Trần Văn Hiến được xem là khá hiệu quả, bởi đây là mô hình lớn nhất huyện, tỉ lệ hao hụt rất thấp và có đầu ra ổn định.
Để tìm đầu ra cho heo rừng, thời gian đầu, ông Hiến đi khắp nơi từ Đà Nẵng vào đến TP Hồ Chí Minh. Những năm gần đây, do sản phẩm heo rừng của ông đã khẳng định được uy tín ở thị trường trong tỉnh nên lượng heo nuôi ra không đủ để cung ứng cho các quán ăn ở TP Tuy Hòa và các huyện trong tỉnh.
Ông Hiến cho biết: “Thông thường tôi bán nguyên con cho các nhà hàng, quán ăn. Nếu khi mổ ra, thịt heo không đạt chất lượng thì họ sẽ gửi trả lại nguyên con heo chứ không chịu mua với giá rẻ. Chính vì yêu cầu khắt khe như vậy nên tôi phải nuôi heo rừng trong điều kiện gần giống với môi trường heo sinh sống trong tự nhiên.
Hiện tôi có 2ha đất rừng, trong đó, 1ha tôi dùng lưới B40 quây lại thành chuồng để heo rừng có đủ không gian di chuyển. Tôi cũng làm một số lán để heo rừng trú mưa. Còn mùa nắng, hầu như heo ăn ngủ ngoài rừng. Các thức ăn của heo chủ yếu là rau lang, mía, các loại rau củ quả…”.
Vì cung cấp ra thị trường loại thịt heo rừng có chất lượng tốt nên giá bán mà ông Hiến đưa ra luôn cao hơn thị trường: heo hơi thông thường được bán với giá 120.000 đồng/kg. Các dịp cao điểm như lễ, tết, thịt heo hơi có giá 130.000 đồng/kg; còn heo thịt được bán với giá 280.000 đồng/kg. Mỗi năm, đàn heo nái của gia đình ông sinh ra khoảng 200 con heo con.
Heo con khi nuôi từ 3 đến 4 tháng có thể đạt trọng lượng 10kg và bán ra với giá 1,5 triệu đồng/con. Như vậy, chỉ tính riêng tiền bán heo con, mỗi năm gia đình ông thu được 200 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí. Hiện tại, cơ sở nuôi heo của ông Hiến là nơi chuyên cung cấp heo con (130.000 đến 150.000 đồng/kg), heo thịt, heo nái cho những người có nhu cầu trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Chia sẻ về kết quả có được hiện nay, ông Hiến nói: “Làm công việc gì cũng phải chịu khó học hỏi, chịu khó duy trì thì mới mong thành công. Ban đầu khi bắt tay vào, tôi cố gắng nuôi tốt, sau đó là tự mình đi khắp nơi để tìm thị trường cho sản phẩm. Nếu lúc trước tôi vì nản mà bỏ ngang thì bây giờ làm gì có được đàn heo quy mô như thế này”.
Có thể bạn quan tâm
Hằng năm, từ tháng 7 trở đi, giá bán heo - gà thịt thương phẩm bắt đầu tăng. Bà con chăn nuôi cũng tăng cường đầu tư để phục vụ nhu cầu đám tiệc, cưới hỏi, tết Nguyên đán. Nhưng năm nay thì thực tế lại đảo ngược, nhất là giá gà thịt thả vườn.
Ngày 22-9, tại huyện Cẩm Mỹ, Phó chủ tịnh UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đã làm việc với Công ty Sol Holding Việt Nam và Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai nhằm đánh giá hiệu quả ban đầu của việc trồng thử nghiệm cây siêu cao lương tại Đồng Nai.
Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã có Quyết định số 1251/QĐ-UBND phê duyệt “Phương án phát triển và chuyển đổi cây điều tại huyện Đắk R’lấp”.
Tiếp tục đà giảm sâu trong tuần trước, sáng nay giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đồng loạt giảm 500.000 đồng/tấn xuống mức thấp nhất trong niên vụ 2014 – 2015, còn 33,7 – 34,4 triệu đồng/tấn.
Có điện lưới quốc gia, nhiều nông dân trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã mạnh dạn đầu tư đưa điện ra đồng phục vụ sản xuất hành, tỏi. Cách làm này đã tiết kiệm được chi phí sản xuất, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân đất đảo.