Thành công TPP phụ thuộc vào nội lực

Trong bài phát biểu trước Quốc hội (ngày 20-10) về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016, Thủ tướng tin rằng với bản lĩnh và trí tuệ, người VN sẽ thành công trong sân chơi TPP.
Thủ tướng cho rằng VN bước vào giai đoạn 2011 - 2015 với nhiều dự báo lạc quan (sau giai đoạn 2006 - 2011 kinh tế tăng trưởng 7%) mà không lường trước được hết những khó khăn, tác động từ khủng hoảng, suy thoái kinh tế thế giới cũng như nhận thức chưa đầy đủ về những hạn chế, yếu kém nội tại trong nước.
Đi qua giai đoạn khó khăn
Tuy vậy, nhìn lại cả giai đoạn, Thủ tướng cho rằng chúng ta đã nỗ lực và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%); bình quân 5 năm đạt khoảng 5,9%/năm.
Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỉ USD, bình quân đầu người 2.228 USD (tính theo sức mua ngang giá là trên 5.600 USD); tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 2% vào năm 2015, thấp nhất trong 15 năm qua.
Nhìn nhận về các hạn chế, yếu kém, Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ một trong những vấn đề lớn nhất là “kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc.
Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, bội chi còn cao.
Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn.
Chất lượng tín dụng chưa cao, xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém còn nhiều khó khăn.
Huy động nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước còn hạn chế”.
Thủ tướng nhận định: tăng trưởng kinh tế và một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra.
Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.
Sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước, nhất là nông sản, còn nhiều khó khăn.
Sản xuất nông nghiệp hiệu quả chưa cao.
Dịch vụ tăng thấp hơn giai đoạn trước...
Trong nhiều nhiệm vụ, giải pháp được đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và năm 2016, Thủ tướng cho rằng cần “tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế”.
“Việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, phân bổ nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và quản lý giá phải theo cơ chế thị trường” - Thủ tướng nhìn nhận.
TPP: cơ hội và thách thức
Về đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng dành riêng một phần bài phát biểu để trình bày.
Thủ tướng cho biết: trong quá trình xây dựng phương án và đàm phán, Chính phủ đã luôn tuân thủ nguyên tắc: bảo đảm lợi ích quốc gia cao nhất, không ký kết hiệp định bằng mọi giá; các nước tôn trọng thể chế chính trị của nước ta và có đối xử linh hoạt, dành cho Việt Nam lộ trình thực thi phù hợp.
Mục tiêu là đưa hiệp định có hiệu lực từ giữa năm 2017 hoặc đầu năm 2018.
Theo Thủ tướng, việc thực hiện TPP sẽ tạo thêm nhiều cơ hội, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nước ta, nhất là tăng mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần tăng trưởng kinh tế cao hơn nhưng chúng ta cũng phải đối mặt với những khó khăn thách thức.
Đối với một số ngành hàng khả năng cạnh tranh còn thấp, đàm phán đã đạt được lộ trình với thời gian thực thi phù hợp để giúp các doanh nghiệp tái cơ cấu, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.
“Việc thực hiện thành công TPP tùy thuộc rất lớn vào sự nỗ lực phấn đấu nâng cao nội lực và sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và của cả nền kinh tế” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Loại bỏ cán bộ trục lợi, xây dựng nền hành chính phục vụ
Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh một trong những giải pháp cần quyết liệt thực hiện trong năm 2016 và các năm tiếp theo là:
“Tổ chức giám sát việc triển khai thực thi pháp luật, đánh giá thực chất đội ngũ cán bộ, công chức, cương quyết loại bỏ những người gây cản trở, trục lợi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, giải quyết hiệu quả vấn đề bức xúc xã hội, thường xuyên trấn áp mạnh tội phạm; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, giảm bớt tai nạn giao thông.
Tiếp tục hoàn thiện các phương án chủ động bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ trong mọi tình huống”.
Còn trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau khi nhìn nhận những hạn chế đã nêu một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp; đổi mới công tác tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công chức, bảo đảm cạnh tranh, công khai, minh bạch.
Có thể bạn quan tâm

Ở Đồng Nai, chỉ có vùng đất Bàu Sậy giáp suối Ba, suối Lầy ở các xã Gia Kiệm, Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) mới trồng được rau cần nước nõn nà, ăn vừa giòn vừa thơm. Cần nước vùng này trở thành loại rau đặc sản được nhiều thương lái các tỉnh, thành phía Nam đặt mua.

Khai thác lợi thế đất đồi rộng, thuận lợi cho việc chăn nuôi gà thả vườn, những năm qua các hộ dân thôn Tân Yên (xã Hồng Thái Đông - Quảng Ninh) đã tích cực áp dụng mô hình trang trại, gia trại trồng cây ăn quả, trồng rừng, kết hợp chăn gà thả vườn.

Sâu hồng còn được gọi là sâu đục trái bưởi đang trở thành dịch lan rộng trên nhiều diện tích trồng bưởi của tỉnh trong hơn một năm qua. Sâu tấn công mạnh vào thời kỳ bưởi bắt đầu thu hoạch. Hiện chưa có thuốc đặc trị, công tác phòng là chính. Bà con trồng bưởi nhận xét: Bệnh nấm hồng, thối rễ, xì mủ thân cây, vàng lá gân xanh, vàng bạc Greening cũng không đáng sợ bằng con sâu hồng…

Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2013 đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Vị Thủy kết hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Hậu Giang vừa tiến hành giao 20 con heo giống cho 10 hộ dân ở xã Vị Thanh để thực hiện Dự án chăn nuôi heo sinh sản hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường.