Thắng Lợi Vụ Nuôi Thủy Sản 2013 Ở Bình Đại Bến Tre
Những năm qua, với lợi thế về tiềm năng kinh tế biển, hệ thống sông ngòi chằng chịt, Bình Đại (Bến Tre) phát triển ngành kinh tế mũi nhọn nuôi trồng thủy sản.
Trong năm 2013, mặc dù tình hình thời tiết diễn ra bất thường, gây bất lợi cho vụ nuôi thủy sản. Tuy nhiên, huyện đã kịp thời chỉ đạo, quản lý, chủ động đối phó với dịch bệnh, vụ nuôi thủy sản trên địa bàn huyện tiếp tục đạt hiệu quả.
Trước tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi bùng phát trên diện rộng và làm thiệt hại nhiều diện tích nuôi, ngay từ đầu vụ nuôi 2013, Bình Đại đã đẩy mạnh công tác khuyến ngư, tổ chức 15 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về cách phòng, trị bệnh trên các loại thủy sản, đặc biệt bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm, với 432 lượt người tham dự.
Huyện tạo điều kiện cho 17 công ty tổ chức hội thảo, với 2.900 lượt người tham dự; qua đó giới thiệu sản phẩm, phổ biến kinh nghiệm trong kỹ thuật nuôi. Phối hợp với Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức khảo sát, hội thảo tìm giải pháp hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi.
Ngoài ra, huyện còn tăng cường công tác quản lý chất lượng giống nuôi nhằm đảm bảo giống tôm sạch, đảm bảo vụ nuôi đạt kết quả cao. Trong đó, huyện kết hợp với các ngành chức năng tỉnh kiểm tra các cơ sở kinh doanh giống về điều kiện vệ sinh, chất lượng tôm giống trước khi xuất bán.
Tuần tra kiểm soát 32 lượt di nhập giống về huyện, phát hiện 7 trường hợp vi phạm, với số tiền phạt 27 triệu đồng và kiểm dịch lượng tôm giống nhập về huyện 2.028 triệu post nhằm giảm diện tích thiệt hại trên tôm nuôi xuống mức thấp. Nhờ vậy, diện tích ao nuôi thiệt hại có xảy ra nhưng giảm đáng kể. Tại thời điểm đầu vụ, do điều kiện môi trường nuôi không thuận lợi, một số vùng nuôi xảy ra dịch bệnh trên 846,2ha (giảm 549,2ha so với năm 2012).
Sau khi xảy ra dịch bệnh, các ngành chức năng huyện kịp thời tham mưu nhận hỗ trợ và phân phối 71 hóa chất chlorine để xử lý dịch bệnh cho 754 hộ bị nhiễm bệnh có khai báo. Huyện thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tỉnh quan trắc môi trường và thông báo kết quả quan trắc ở 13 điểm thu mẫu về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo kịp thời cho hộ nuôi. Huyện còn đầu tư nâng chất cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản.
Trong năm, huyện tiến hành nạo vét 14 tuyến kênh phục vụ nuôi thủy sản, nâng cao tiến độ xây dựng cống Cầu Ván nhằm ngăn mặn, điều tiết nước phục vụ nuôi tôm, tiêu úng cho việc trồng lúa. Tiếp tục triển khai thiết kế dự án cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản cho 3 xã: Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị và Thạnh Phước.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2013 đến nay, tình trạng nuôi tôm biển vi phạm vùng quy hoạch ngọt hóa vẫn còn xảy ra với diện tích 717,3ha, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, âm thầm phá vỡ kinh tế sản xuất nông nghiệp trong vùng quy hoạch. Trong năm 2013, huyện tiếp tục tăng cường quản lý, ngăn chặn và xử lý việc nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch, trong vùng ngọt hóa.
Cụ thể: Tổ chức 9 lượt họp dân với 443 người tham dự nhằm tuyên truyền về mức độ tác hại của việc nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch, trong vùng ngọt hóa. Mời 13 chủ phương tiện đào đất, chủ phương tiện hành nghề khoan giếng và chủ đất có biểu hiện vi phạm.
Lập biên bản xử phạt hành chính 15 trường hợp với số tiền phạt 7,5 triệu đồng, buộc cam kết không được tiếp tục đào ao và đưa phương tiện vi phạm ra khỏi khu vực ngọt hóa. Hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp, hiệu quả và bền vững theo quy hoạch ngọt hóa. Xây dựng các mô hình trồng xen, nuôi xen, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích canh tác trong vùng ngọt hóa.
Việc thực hiện thí điểm bảo hiểm trên tôm năm 2013 đạt kết quả khả quan, với 576 hồ sơ tham gia bảo hiểm, trong đó có 22 hộ nghèo và cận nghèo với tổng phí bảo hiểm là 6,1 tỷ đồng. Trong quá trình tham gia bảo hiểm có 375 ao bị thiệt hại và được bảo hiểm bồi thường theo quy định.
Từ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đến sự phối hợp của các ngành chức năng, sự đồng lòng của người dân, vụ nuôi thủy sản năm 2013 đạt được nhiều kết quả vượt chỉ tiêu, kế hoạch: Tổng diện tích nuôi thủy sản toàn huyện đạt 18.057ha, đạt 112,8% kế hoạch, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng nuôi thủy sản ước đạt 61.250 tấn, đạt 122,5% so với kế hoạch, tăng 7,8% so với cùng kỳ.
Ông Trần Tấn Công - Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Trong năm 2014, huyện tăng cường quản lý nuôi thủy sản bằng các biện pháp giám sát môi trường, xử lý dịch bệnh. Tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế thủy sản.
Quản lý, kiểm tra việc sản xuất, di nhập giống, thả nuôi theo quy định, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm nhằm kéo giảm tình trạng thiệt hại cho người nuôi tôm xuống mức độ thấp nhất. Phấn đấu trong năm 2014, tổng diện tích nuôi thủy sản giữ mức 16.000ha, tổng sản lượng thủy sản nuôi đạt 50.000 tấn.
Có thể bạn quan tâm
Tiền Giang có hàng ngàn ha chôm chôm, nhiều nhất tại xã cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy). Tại đây, xã cũng đã thành lập được Tổ hợp tác trồng chôm chôm và đã được công nhận đạt tiêu chí VietGAP từ năm 2011.
Ngoài thế mạnh về cây lúa và phát triển ngành thủy sản nước ngọt, Đồng Tháp còn có vùng chuyên canh cây ăn trái lớn với diện tích hơn 25 ngàn ha với các loại cây trồng chủ lực như: xoài, nhãn và cây có múi.
Thanh long bán tại vườn ở tỉnh Bình Thuận liên tục rớt giá do một lượng lớn xuất khẩu sang Trung Quốc bị ùn ứ. Những ngày qua, thanh long bán tại vườn ở tỉnh Bình Thuận liên tục rớt giá. Nguyên nhân được xác định là do một lượng lớn hàng thanh long xuất khẩu bị ùn ứ không thể bán sang Trung Quốc.
Nước Mỹ đã “mở cửa” để vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) vào thị trường là tín hiệu vui với những người trồng vải. Hiện nay, ngành chức năng và người dân vùng vải đang tập trung chăm sóc vải thiều, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường Mỹ vốn khắt khe và khó tính.
Hiện tại, tổng diện tích cây thanh long của huyện Bảo Thắng (Lào Cai) hơn 19 ha, chủ yếu là thanh long ruột đỏ.