Tổ hợp tác chuyên canh rau thơm

Ông Nguyễn Văn Trường, Tổ trưởng Tổ hợp tác rau thơm Chính Nghĩa chia sẻ, bữa ăn nào của gia đình Việt cũng sử dụng rau thơm. Ngoài các loại rau khác dùng làm món ăn chính, cây rau thơm giúp tăng hương vị, chất lượng dinh dưỡng của món ăn. Bởi vậy, rau thơm tuy dùng với lượng không nhiều nhưng cũng không thể thiếu. Đất Lạc Lâm với phù sa dòng Đa Nhim lại rất thích hợp với cây rau này, có thể trồng quanh năm với năng suất cao, rau to đẹp, khác hẳn rau thơm các vùng khác phụ thuộc mùa nóng mùa lạnh. Ông Trường cho hay: “Gia đình tôi vốn làm nghề thu mua rau củ.
Bản thân nhà tôi cũng trồng mấy sào rau thơm các loại nhưng không đủ cho nhu cầu của khách hàng. Từ thực tế này, chúng tôi mới nảy sinh thành lập tổ hợp tác rau thơm”. Quả thật, nhu cầu tiêu dùng của thị trường dành cho cây rau thơm rất đa dạng, mỗi loại một chút. Từ dấp cá, thì là, húng thơm, húng quế, húng dũi, tía tô, kinh giới… chỉ một nhà, một hộ sản xuất rất khó đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Vậy là theo lời vận động của ông Trường, nhiều hộ trong thôn bắt đầu liên kết cùng sản xuất rau thơm.
Ban đầu, chỉ có 3 hộ xung quanh liên kết cùng ông Nguyễn Văn Trường cung cấp rau thơm theo phương thức, tổ trưởng cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm, bà con trồng theo đúng kế hoạch. Qua thời gian, thấy trồng rau thơm mang lại hiệu quả kinh tế tốt, đầu ra ổn định, có thêm nhiều hộ khác cùng tham gia. Vậy là tháng 2/2015, Tổ hợp tác rau thơm Chính Nghĩa ra đời với 13 thành viên và gần 5ha chuyên trồng rau thơm. Dựa theo nhu cầu được kí kết với đối tác, ông Trường và các thành viên trong tổ bàn bạc, lên kế hoạch hộ nào trồng loại rau gì, diện tích bao nhiêu, thời gian thu hoạch… để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Vậy nên, mỗi thành viên trong tổ thường trồng từ 2 - 3 loại rau theo phương pháp gối đầu, lứa này vừa thu có ngay lứa khác kịp trưởng thành. Trồng rau thơm rất khỏe, tiền đầu tư ít chỉ với 5 triệu/sào, công chăm sóc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng tiết kiệm. Cứ 1,5 tháng là được thu một lứa rau với giá bao tiêu, giá “chết” là 10 triệu đồng/sào. Xuống giống một lần, cây rau có thể thu được từ 2 - 3 năm tùy lượng chăm sóc nhiều hay ít. Đầu tư một lần, thu rải rác quanh năm, một sào trồng rau thơm tính ra lời xấp xỉ 60 - 70 triệu đồng/năm mà chi phí, công chăm sóc bỏ ra không nhiều. Ngoài ra, hầu hết các hộ trồng rau thơm đều là thành viên của tổ hợp tác, thương lái sẽ không tranh thủ ép giá được do giá cả đã thống nhất. Bởi vậy, thành viên của tổ hợp tác yên tâm gắn bó với cây rau thơm.
Hiện tại, mỗi ngày Tổ hợp tác rau thơm Chính Nghĩa cung cấp cho thị trường khoảng 3 tấn rau thơm các loại. Rau được cắt vào sáng sớm, tập trung tại tổ để thương lái tới tận nơi mang đi, rất khỏe và nhàn cho bà con. Với giá cả có sẵn, ít trồi sụt như các loại rau thương phẩm khác, rau thơm cho thu nhập không cao nhưng ổn định. Ông Trường khoe, rau thơm của Chính Nghĩa được bán khắp khu vực phía Nam, từ thành phố Hồ Chí Minh ra tận Quảng Ngãi. Vào mùa đông, khi tuyết phủ trắng các nước ôn đới, tổ còn có đơn hàng xuất khẩu. Chính vì vậy, ông đang vận động thêm bà con trồng rau thơm, tham gia vào sản xuất theo kế hoạch với tổ hợp tác. Ông Trương Quang Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm đánh giá, tổ hợp tác Chính Nghĩa tuy mới thành lập nhưng cho thấy kết quả ban đầu khá tốt, thành viên yên tâm sản xuất, gắn bó với kế hoạch chung.
Cùng sản xuất với tư cách một tổ hợp tác, cây rau thơm đang mang lại thu nhập ổn định cho bà con Tân Lập và đang hi vọng sẽ mở rộng diện tích rau thơm trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm

Với chi phí đầu tư trên 300 triệu đồng/ha, chỉ trong hơn 2 năm, người dân ở hai huyện Châu Thành (Long An), Chợ Gạo (Tiền Giang) đã bỏ ra trên 810 tỷ đồng để trồng mới hơn 2.700ha thanh long, dù họ không biết chắc là trồng thanh long có lời hơn trồng lúa hay các loại hoa màu khác hay không.

10 năm qua (2003 - 2012), các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh.

Tính đến cuối năm 2012, tổng đàn bò trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) có gần 18.500 con. Bà con nông hộ thường chọn nuôi các giống bò ngoại như: Bradman, RedShinhi, Sahiwal, Lymousine và bò lai tạo từ bò địa phương với các giống bò ngoại, phân bố tập trung tại các xã An Thạnh, Thành Thới A, Đa Phước Hội và Tân Trung.

Ông Lưu Xuân Mộc, ấp Bùng Binh 1, xã Hoà Tân, TP Cà Mau, là người thành công nhất trong xã về mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến “bậc cao” nhờ áp dụng những cải tiến kỹ thuật trong cách nuôi.

Qua 2 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Ninh Hòa (huyện Hồng Dân) đã xây dựng 11 mô hình sản xuất nhân giống lúa chất lượng cao, nuôi trồng thủy sản; thành lập 124 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp với 398 lao động tham gia.