Thăm vùng trồng rau VietGap
Từ vùng trồng rau tiêu chuẩn VietGAP…
Chúng tôi tới vùng trồng rau VietGAP thuộc xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương vào đúng ngày tổ hợp nông dân của huyện nhận chứng nhận VietGAP và thu hoạch sản phẩm. Cảm nhận được một không khí phấn khởi bao trùm.
Trên đường đi, Nguyễn Ri Mi Phong - cán bộ kỹ thuật của Kho trung chuyển rau củ quả Đà Lạt của METRO Cash & Carry Việt Nam - chia sẻ: Đối với nhiều nông dân sản xuất tự phát, việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gặp nhiều khó khăn bởi họ phải biết cách quản lý đất sản xuất, giống cây trồng, phân bón, nước tưới, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch... Đây là những tiêu chuẩn cơ bản, nhưng không phải nông dân nào cũng có thể đạt yêu cầu. Tuy nhiên, qua tập huấn, các nông dân đều nghiêm túc tiếp cận và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, họ đã làm chủ được quy trình. Cứ định kỳ 1 năm sẽ có sự đánh giá và cấp lại chứng nhận VietGAP.
Đưa chúng tôi đi thăm những ruộng cà chua, cà tím, sú bắp, cải thảo trải ngút tầm mắt, anh Đinh Xuân Toản - Tổ trưởng Tổ sản xuất rau VietGAP của METRO Cash & Carry Việt Nam - hồ hởi: “Tổ hợp tác của chúng tôi hiện có 20 thành viên với diện tích sản xuất 25ha, trồng nhiều loại rau, củ. Tất cả sản phẩm đều cung cấp cho METRO. Trước đây chúng tôi làm theo tiêu chuẩn METRO Requirements, nay nâng lên thành tiêu chuẩn VietGAP”. Còn nông dân Nguyễn Văn Phúc cho tôi xem cuốn nhật ký sản xuất, trong đó ghi chép rõ ràng, từ việc sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cho đến ngày giờ thu hoạch… Mỗi vùng nguyên liệu, METRO đều cử 1 kỹ sư nông nghiệp theo sát. Thông qua ghi chép thường xuyên, dưới sự hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, đánh giá, kiểm tra chất lượng từ METRO, người nông dân luôn có những điều chỉnh kịp thời, để cung cấp cho thị trường sản phẩm an toàn nhất.
Theo lịch vụ, tùy theo nhu cầu của thị trường, các diện tích trồng trọt sẽ luân canh. Mùa nào thức nấy. Ông Phúc chia sẻ, kể cả những lúc nông sản rớt giá thì nông dân là thành viên trong tổ hợp tác cũng được đảm bảo không bị lỗ vốn, bởi METRO dự báo thị trường khá chính xác. Thêm vào đó, METRO cũng trực tiếp thu mua tại vườn, không qua trung gian, do đó vừa đỡ kinh phí, vừa tạo cho người nông dân có đầu ra ổn định.
Được biết, ở Đà Lạt hiện nay có 55 nông dân đã đạt chứng nhận VietGAP, 55 nông dân đang trong giai đoạn đào tạo. Có tổng cộng 100ha tại 3 vùng nguyên liệu chính: Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương với 72 sản phẩm VietGAP, cho ra thị trường 600 tấn/tháng (chiếm 78% tổng sản lượng).
… Đến chuỗi cung ứng rau củ quả an toàn
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Philippe Bacac - Tổng giám đốc Công ty METRO Cash & Carry Việt Nam - cho hay: Chuỗi cung ứng rau củ quả an toàn của METRO có nguồn hàng theo tiêu chuẩn VietGAP và vận hành theo tiêu chuẩn HACCP. Mô hình của chuỗi là từ nông dân tới Kho trung chuyển Đà Lạt, các trung tâm METRO, khách hàng bán sỉ và người tiêu dùng.
Chuẩn bị đóng gói cà chua đưa tới trạm trung chuyển
Có “mục sở thị” quy trình cung ứng của METRO mới thấy các tiêu chuẩn ngặt nghèo như thế nào. Sau khi thu hái rau quả, người nông dân xếp sản phẩm trong bao bì thích hợp, đảm bảo vệ sinh, đạt mọi yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật. Hệ thống METRO có 3 trạm trung chuyển đặt tại huyện Đức Trọng, Đơn Dương và Lạc Dương. Trạm trung chuyển này thu gom rau từ các nhà cung cấp. Hàng từ trạm trung chuyển đưa xuống cơ sở tiếp theo hệ thống METRO sẽ kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cùng với sự hỗ trợ của hơn 20 nhà cung cấp dịch vụ kho vận, mạng lưới phân phối của METRO đảm bảo sự kết nối chặt chẽ giữa hơn 1.000 nhà cung cấp hàng hóa với các trung tâm thương mại của METRO tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc thông qua 4 trung tâm phân phối chính với hàng chục chuyến giao hàng mỗi ngày. Bên cạnh đó, thông qua việc hợp tác với các nhà dịch vụ vận tải địa phương, METRO còn thực hiện hàng trăm chuyến giao hàng miễn phí tận nơi từ các trung tâm thương mại tới các khách hàng chuyên nghiệp trong và ngoài các thành phố chính mỗi ngày.
Từ các trạm trung chuyển, sản phẩm sẽ được phân phối đến các chi nhánh của METRO trên cả nước. Đến siêu thị, ngay lập tức rau sẽ được chuyển vào kho bảo quản và bổ sung vào các quầy. Trong chuỗi cung ứng, METRO có quan hệ gắn bó với nhà cung ứng, nắm rõ quy trình sản xuất, lịch sản xuất và chủng loại sản phẩm của người trồng rau quả.
Từ bỏ những thói quen canh tác cũ, không còn lo âu khi giá cả lên xuống…, người nông dân Đà Lạt đang hướng đến sự an toàn cho các cánh đồng rau vào việc liên kết sản xuất, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP với những nhà cung ứng có tên tuổi trên thị trường như METRO. Âu cũng là xu hướng tất yếu của người làm nông thời mở cửa!
Đã đành là thời tiết thuận lợi, người nông dân cần cù chịu khó, nhưng phải nhìn nhận thực tế rằng, nếu không có những đầu ra vững chãi như METRO, chắc chắn sản phẩm của người nông dân Đà Lạt sẽ không “xuôi chèo mát mái” như hiện tại.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian gần đây không ít gia đình ở xã Bình Tân (Bắc Bình - Bình Thuận) đang khôi phục nuôi dê bách thảo, coi đây là hướng phát triển kinh tế chính cho mình. Trường hợp gia đình ông Phạm Được, ở thôn Bình Nghĩa, xã Bình Tân, là một điển hình. Hiện ông đang phát triển nuôi dê bách thảo hơn 100 con, cho hiệu quả kinh tế khá cao, từng bước thoát nghèo.
Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), nguy cơ những chủng virus cúm hiện đang xuất hiện tại Trung Quốc, xâm nhập vào Việt Nam qua các hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới trong thời gian tới là rất cao.
Hiện Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu tiêu hàng đầu thế giới với sản lượng chiếm 50% thị trường. Giá hồ tiêu xuất khẩu năm 2013 bình quân là 7 ngàn USD/tấn. Năm 2014, giá hồ tiêu có thể sẽ tăng nhẹ so với năm 2013.
Vụ nấm rơm đông xuân năm nay, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) xuống giống hơn 35ha, tập trung ở các xã ven sông Hậu như: Tân Thành, Vĩnh Thới, Tân Hòa, Định Hòa... Trong đó, xã Tân Hòa là nơi có diện tích trồng nhiều nhất, nông dân ở đây trồng nấm rơm quanh năm.
Xác định Đề án phát triển cây ăn quả giá trị cao của TP là hướng đi quan trọng góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các mô hình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng, tương xứng với tiềm năng của ngành nông nghiệp Thủ đô Hà Nội.