Thái Thượng (Thái Thụy, Thái Bình) Được Mùa Tôm Nỗi Lo Còn Đó
Trong những năm qua, nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở xã Thái Thượng (Thái Thụy - Thái Bình) luôn gặp nhiều khó khăn bởi thời tiết diễn biến bất thường như bão gió, nước biển dâng ngập các đầm nuôi thủy sản.
Mặc dù, năm nay, trên các diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đã thu hoạch được 70% tổng sản lượng, tôm sú đang thu hoạch, năng suất đạt khá cao song người dân nơi đây vẫn thấp thỏm lo âu và chưa mạnh dạn đầu tư ở vụ tới do đang là cao điểm của mùa mưa, bão.
Niềm vui được mùa
Người dân xã Thái Thượng sống chủ yếu bằng nghề NTTS trên tổng diện tích 269,8 ha, trong đó 21 ha trong vùng đê PAN, 248,8 ha nuôi quảng canh nằm ngoài đê. Ðối tượng nuôi chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngoài ra còn nuôi xen tôm rảo, rau câu, cua xanh...
Những ngày gần đây, trong khắp các thôn xóm của xã đâu đâu cũng rộn tiếng cười vui vẻ và những câu chuyện hỏi thăm nhau về sản lượng thu hoạch tôm của bà con nông dân. Những năm trước do ảnh hưởng của bão gió, nuôi tôm ở đây bị ảnh hưởng nặng nề và có người trắng tay.
Năm nay, không bị ảnh hưởng bởi bão gió, tính đến thời điểm hiện tại không có dịch bệnh xảy ra, bệnh đốm trắng trên tôm thẻ chân trắng vừa qua ở một số địa phương đã không ảnh hưởng nhiều tới sự sinh trưởng và phát triển của tôm nên năng suất đạt khá.
Ông Vũ Văn Quyết (thôn Bích Du) nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 6.000m2 chia sẻ: Năm nay, tôi đã thu hoạch được 9 tấn tôm thẻ chân trắng; đợt 1 thu được 7,5 tấn, bán ra với giá 114.000 đồng/kg; đợt 2 thu được 1,5 tấn, bán ra với giá 140.000 đồng/kg.
Vụ tôm này được mùa, được giá đã góp phần không nhỏ nâng cao cuộc sống của gia đình và tiếp thêm lòng tin cho tôi tiếp tục đầu tư trong vụ tới. Hiện tại tôi đang xử lý vệ sinh đáy ao để chuẩn bị thả tiếp vụ mới, hy vọng thời tiết sẽ thuận lợi để tôi và bà con nơi đây có thêm vụ tôm thắng lợi.
Ông Phạm Văn Ðồi, cán bộ lâm sinh thủy sản xã Thái Thượng cho biết: Toàn xã có 3,9 ha nuôi tôm thẻ chân trắng; 244,9 ha nuôi tôm sú, hiện tại bà con nuôi tôm thẻ đã thu hoạch được trên 13 tấn bằng 70% tổng sản lượng, tăng 270% so với cùng kỳ năm trước; tôm sú thu hoạch được 2,5 tấn, dự kiến sẽ thu hoạch hết trong tháng 8.
Năng suất và sản lượng năm nay đạt khá cao, có thể nói là được mùa, bà con nơi đây rất vui mừng. Thắng lợi của vụ tôm năm nay đã củng cố niềm tin và sự phấn khởi cho người nuôi tôm, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất từ NTTS của Thái Thượng.
Nỗi lo tiềm ẩn
Là xã ven biển nên người dân chủ yếu sống bằng nghề NTTS do đó các thế hệ đã tập trung đắp đê phòng bão lụt và trồng rừng phòng hộ từ rất sớm, hiên tại Thái Thượng có hơn 500 ha rừng ngập mặn với độ dầy và chiều cao trung bình của những cây bần là 5 - 7m có thể chắn được sóng, gió rất tốt.
Tuy nhiên, những năm gần đây do biến đổi khí hậu nên rừng phòng hộ không thể ngăn được nước dâng mỗi khi có bão, thêm vào đó là hệ thống đê bao không được tu sửa và nâng cấp thường xuyên, nên mỗi khi có bão, nước dâng cao đã tràn vào các ao, đầm nuôi thủy sản gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân.
Ông Ðỗ Khắc Bằng, Chủ tịch UBND xã Thái Thượng cho biết: Diện tích ngoài đê của xã có 248,8 ha NTTS được phòng hộ bởi 4km đê bao, nhưng hiện nay đê đã xuống cấp và quá thấp so với đê PAN nên không thể ngăn được nước dâng mỗi khi có bão đổ bộ vào.
Ðã 3 năm nay, năm nào cũng có mưa, bão đổ bộ gây ngập lụt, các ao, đầm nuôi tôm quảng canh ngoài đê PAN làm bà con nông dân trắng tay hoặc thu hoạch được không đáng kể, do đó năng suất và sản lượng NTTS của xã thấp và không ổn định. Cũng chính vì vậy mà những năm gần đây, bà con nông dân rất ngần ngại và không mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô diện tích và giống nuôi mới.
Nông dân Thái Thượng mong muốn được sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền đầu tư cải tạo, nâng cấp 4km đê bao vùng NTTS của xã, để người dân nơi đây yên tâm và mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích, đa dạng đối tượng nuôi; từ đó nâng cao năng suất, sản lượng, đẩy mạnh phát triển phong trào NTTS của địa phương phát triển ổn định, bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Thay vì sản xuất kiểu “mùa nào thứ ấy”, hiện nay nông dân nhiều nơi đã áp dụng thành công kỹ thuật tạo ra sản phẩm rau quả trái vụ, góp phần nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác.
Một người trồng hiệu quả rồi đến hai người, ba người… và giờ đây là nhà nhà cùng trồng rau màu, cây ăn trái. Vùng đất mặn ven biển thuộc ấp Đất Mới, xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau giờ đã thật sự cho quả ngọt.
Từ tháng 7-2014, Sở KH-CN đưa dự án “Xây dựng mô hình khảo nghiệm trồng hành lá và rau kết hợp phân bón khoáng chất Nano của Đức, hệ thống lưới ngăn côn trùng nguy hại và công nghệ tưới nhỏ giọt Israel theo hướng VietGap” vào ứng dụng thực tiễn.
Trứng vịt muối của Việt Nam đang được đánh giá có hương vị rất riêng và đang dần thu hút người tiêu dùng quốc tế.
Nông dân Lâm Đồng đã và đang thực hành chăn nuôi tốt (GAHP) với các hợp phần hỗ trợ vốn, kỹ thuật, chuỗi liên kết tiêu thụ của Dự án Cạnh tranh Ngành chăn nuôi và An toàn thực phẩm (LIFSAP), mang lại những hiệu quả tích cực về phát triển kinh tế hộ gia đình và bảo vệ môi trường.