Tẩy Rửa Lừ, Sáo, Tẩy Luôn Cá Tôm

Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên Huế) nổi tiếng bởi hệ sinh vật phong phú và hàng trăm loài thủy hải sản có giá trị. Vài năm trở lại đây, một số loài có nguy cơ tuyệt chủng do môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi hóa chất của ngư dân sử dụng tẩy rửa lừ, sáo sau mỗi chuyến khai thác thủy sản về.
Mạnh ai nấy làm
Chúng tôi có mặt ở vùng đầm phá vào những ngày trung tuần tháng 9, tận mắt chứng kiến hàng trăm cheo lừ được ngư dân vừa khai thác thủy sản ở đầm phá về. Để giặt sạch những cheo lừ này, ngư dân ngâm lừ với hóa chất. Trước đây, công đoạn làm sạch lừ được ngư dân giặt bằng tay mất nhiều thời gian, nay được thực hiện nhanh chóng hơn bằng việc ngâm hóa chất. Theo ngư dân, các loại hóa chất này bán với giá rất rẻ, 1 kg chỉ từ 25-30 ngàn đồng và có thể mua ở bất cứ nơi nào. Ông Mai Tuân, ở thôn Mai Gia Phương, xã Lộc Bình (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) cho biết: “Gia đình tui làm nghề khai thác thủy hải sản trên đầm phá hơn 5 năm nay. Trước đây, sau chuyến khai thác thủy sản về phải xịt nước để giặt lừ, mất khá nhiều thời gian. Giờ đây, ngâm lừ với hóa chất giặt sạch và rất nhanh”.
Tương tự, anh Huỳnh Cu, ngư dân ở Lộc Bình cho biết: “Không bằng cách nào khác, gia đình nào cũng dùng hóa chất để tẩy rửa mà gia đình tui không dùng thì thiệt thòi. Nếu nghiêm cấm không cho sử dụng nữa là phải nghiêm cấm hết, chứ họ cứ nhìn nhau, hộ này sử dụng được thì hộ kia cũng sử dụng được”. Không riêng gì xã Lộc Bình, hiện nay ngư dân ở vùng ven biển và đầm phá sử dụng hóa chất để tẩy rửa lừ, sáo khá phổ biến. Nhẩm tính, cứ 100 cheo lừ sử dụng tương đương 1 kg hóa chất, như vậy toàn tỉnh có khoảng 13.000 cheo lừ thì có 1,3 tạ hóa chất hàng ngày trôi ra đầm phá.
Cần có chế tài xử phạt
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai không chỉ làm giảm sản lượng khai thác thủy hải sản hàng năm mà các loại hóa chất còn là tác nhân làm một số loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng thủy sản khai thác ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trước đây là 4.500 tấn/năm. Đến nay, sản lượng giảm hơn một nửa, còn khoảng 2 nghìn tấn/năm.
Hiện một số loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, như: Cá que hương, cá vuợc, cá me, cá liệt, tôm bạc... ngày một ít đi, một số loài hầu như không còn xuất hiện. Mọi năm khi vào vụ nuôi, ngư dân thường bắt cá dìa giống tự nhiên để thả nuôi nhưng năm nay phải chuyển sang nuôi các đối tượng khác vì cá dìa giống hiện còn không đáng kể.
Ông Phạm Văn Lợi, Chi hội trưởng, Chi hội Nghề cá Lộc Bình 1 (Phú Lộc) cho biết: “Chi hội Nghề cá Lộc Bình 1 thường xuyên khuyến cáo bà con ngư dân không nên sử dụng hóa chất để giặt lừ, bởi nó là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Xem ra không mang lại hiệu quả, bà con ngư dân cứ mạnh ai nấy làm. Thời gian tới, chi hội sẽ đưa việc cấm sử dụng hóa chất vào quy chế của chi hội, nếu hội viên nào vi phạm sẽ bị xử phạt. Để việc sử dụng hóa chất để tẩy rửa lừ sớm được chấm dứt, chúng tôi rất mong sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành liên quan và chính quyền địa phương các cấp”.
Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là vùng đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát triển nuôi trồng thủy sản, giao thông và du lịch.
Để đầm phá Tam Giang-Cầu Hai mãi là nguồn sống lâu bền, tăng thu nhập cho hàng ngàn hộ dân sống ở vùng ven biển và đầm phá, các cơ quan chức năng cần sớm triển khai công tác tuyên truyền đến bà con ngư dân việc bảo vệ môi trường vùng đầm phá, đặc biệt, là tình trạng sử dụng hóa chất trong việc tẩy rửa lừ, sáo như hiện nay. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng cần có chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm này.
Có thể bạn quan tâm

Chuyển biến rõ nét nhất khi có doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là sản xuất được nâng tầm về quy mô và chuyển biến về chất. Hiện 2,1 trong tổng đàn 2,4 triệu con gà trong toàn huyện hiện được nuôi trong trang trại bảo đảm an toàn dịch bệnh, ổn định về đầu ra và lợi nhuận.

Trong hoàn cảnh nhiều sản phẩm cây trồng tại địa phương, từ mủ cao su, hạt điều đến cả trái thanh long đều không được giá trong năm thì câu chuyện về cây trồng được xếp vào loại cây “tỷ đô” là mắc ca trong thời gian qua đã thu hút sự chú ý của nông dân. Chưa hết, vốn đã quen với biến động giá cả, cũng đã từng chạy theo cây có giá cao mà chặt cây đang trồng có giá thấp nên những người có đất cũng bắt đầu tìm hiểu về cây mắc ca như một cơ hội để làm giàu nhanh, dù có nghe khuyến cáo loại cây trồng này thích hợp nhất ở vùng Tây Nguyên và Tây Bắc.

Mặc dù đầu năm thị trường bị thiếu một số mặt hàng nông sản đặc trưng như dưa leo, cải và rau củ, nhưng do phối hợp tốt với các nhà vườn tại Đà Lạt và TPHCM chủ động chuẩn bị lượng tốt từ trước Tết, nên siêu thị vẫn có đủ hàng để giảm giá đầu năm. Đặc biệt, một số loại nông sản như khoai tây, cà rốt, salad mỡ, dưa leo... có giá rẻ hơn thị trường từ 4.000 đến 13.000 đồng/kg.

Sáng 1-3, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN- PTNT) phối hợp cùng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã tổ chức triển khai Quyết định số 241 của Thủ tướng Chính phủ về việc mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa gạo vụ đông xuân 2014 - 2015.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, ước giá trị NK mặt hàng thủy sản tháng 2 đạt 72 triệu USD, đưa giá trị NK 2 tháng đầu năm đạt 172 triệu USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2014. Hai thị trường NK chính là Ấn Độ (chiếm 32,6%) và Nauy (chiếm 10,4%).