Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chờ Bước Đột Phá Cho Ngành Chăn Nuôi

Chờ Bước Đột Phá Cho Ngành Chăn Nuôi
Ngày đăng: 03/12/2014

Trong những năm gần đây, chăn nuôi dần trở thành ngành chủ lực của tỉnh, góp phần mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Tuy nhiên, với những vướng mắc đang tồn tại đã khiến ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn và cần có giải pháp hữu hiệu để vực dậy lĩnh vực này.

Thực trạng ngành chăn nuôi

Trong chăn nuôi, con giống là tiền đề, thức ăn là cơ bản, thế nhưng ngành chăn nuôi ở Hậu Giang gặp phải vướng mắc cả hai vấn đề trên. Theo Chi cục Thú y tỉnh, với giống heo, các địa phương trong tỉnh hiện đang thiếu nghiêm trọng những giống có khả năng sinh sản tốt.

Đa phần người dân chọn từ những đàn heo thương phẩm có sẵn tại địa phương, từ đó, dẫn đến con giống không đạt phẩm cấp giống, điều này cũng xảy ra tương tự đối với giống gia cầm. Do thiếu nguồn cung con giống tốt, người chăn nuôi chỉ còn cách tìm kiếm từ địa phương khác hay từ các tỉnh bạn, thông qua nguồn các thương lái đưa về để nuôi là phổ biến.

Bên cạnh vấn đề con giống, giá thức ăn trong chăn nuôi trên thị trường thường xuyên biến động, nằm ở mức cao và đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho giá thành sản xuất cao, người chăn nuôi khó có lợi nhuận, thậm chí còn bị thua lỗ. Về vấn đề tiêu thụ, hiện chỉ có một số ít cơ sở chăn nuôi gia công có ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, đa phần còn lại người chăn nuôi bán sản phẩm thông qua thương lái, tình trạng bị ép giá khi thị trường có biến động giảm là điều thường xuyên xảy ra.

Ông Võ Ngọc Lâm, chủ cơ sở chăn nuôi heo ở ấp 1, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, nhìn nhận: “Giá thức ăn cho heo luôn là vấn đề thách thức lớn đối với người chăn nuôi. Thông thường, giá thức ăn luôn biến động theo chiều hướng tăng cao, trong khi giá bán heo hơi lại bấp bênh và thường bị giảm là nhiều. Nếu hộ nào xuất chuồng ngay đợt giá heo giảm thì coi như cầm chắc lỗ, do đó, thời gian gần đây tình hình nuôi heo cũng giảm dần do nông dân sợ đầu tư nhưng không có lời”.

Một vấn đề lo ngại khác trong ngành chăn nuôi của tỉnh hiện nay là tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm còn diễn biến phức tạp và khó kiểm soát. Nguyên nhân, do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ làm phát sinh nhiều hạn chế trong giám sát, ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh.

Nhiều hộ dân khi phát hiện dịch bệnh không báo cho ngành chức năng mà đem xác chết gia súc, gia cầm bị bệnh bỏ xuống kênh, sông,… từ đó làm cho dịch bệnh lây lan và bùng phát. Một nguyên nhân khác làm cho dịch bệnh dễ lây lan là tình trạng nuôi vịt chạy đồng. Hậu Giang là tỉnh nông nghiệp và có trên 80% nông dân sống bằng nghề nông, trong đó lúa là cây trồng chủ lực của tỉnh và bà con thường sản xuất 3 vụ lúa/năm.

Chính vì vậy, nhiều nông dân tận dụng các phụ phẩm có trên đồng ruộng để phát triển nghề chăn nuôi vịt chạy đồng để lấy thịt, trứng. Tuy nhiên, vịt chạy đồng lại là nguyên nhân chủ yếu làm mầm bệnh được mang từ nơi này sang nơi khác, hậu quả là dịch cúm gia cầm tái phát nhiều lần, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và an toàn sức khỏe cho cộng đồng.

Theo ngành chức năng tỉnh, ngoài con giống và dịch bệnh, tình trạng chăn nuôi không đúng với vùng quy hoạch, gây khó khăn trong việc quản lý và ảnh hưởng đến môi trường cũng là vấn đề “đau đầu” hiện nay của ngành chức năng. Qua thống kê, hiện toàn tỉnh có 56 cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch và gần khu dân cư, thậm chí nằm trong vùng cấm chăn nuôi gia cầm. Còn đối với những vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi thì hiện chưa có cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô lớn đầu tư vào các vùng này. 

Từ những vấn đề trên cho thấy, ngành chăn nuôi của tỉnh có đaặc điểm là chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán là phổ biến, năng suất thấp dẫn đến giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh trên thị trường. Hiện tại, tuy người chăn nuôi có quan tâm nhưng chưa đúng mức ở khâu chọn con giống cũng như ý thức trong phòng chống dịch bệnh, ít chăn nuôi theo vùng được khuyến cáo,... Đây là những vấn đề đặt ra đòi hỏi ngành chăn nuôi tỉnh có giải pháp khắc phục những vướng mắc trên.

Cần giải pháp hữu hiệu

Một trong những giải pháp được cho là hướng mở khi mới đây, Chi cục Thú y tỉnh đã thành lập và ra mắt Hội chăn nuôi - thú y tỉnh.

Ông Trương Ngọc Trưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y, kiêm Chủ tịch Hội chăn nuôi - thú y tỉnh, cho biết: Mục tiêu của Hội là nhằm từng bước tổ chức lại ngành chăn nuôi thành ngành sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với thị trường, thực hiện theo chuỗi liên kết “từ nhà máy sản xuất thức ăn - hộ chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm”; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường…

Hiện tại, Hội chăn nuôi - thú y tỉnh đã kết nạp được 69 hội viên là những nông dân chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, mỗi năm Hội sẽ vận động từ 10-20 thành viên tham gia để bà con được hưởng những quyền lợi của người chăn nuôi.

Ông Phan Thanh Tuấn, chủ cơ sở chăn nuôi heo, ở ấp 5, thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ (thành viên của Hội chăn nuôi - thú y tỉnh), cho rằng: “Trước tình hình khó khăn của ngành chăn nuôi như hiện nay là thiếu về con giống chất lượng, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ bấp bênh thì việc ra đời của Hội chăn nuôi - thú y là cần thiết và kịp thời.

Đây là cầu nối giúp cho các hội viên có dịp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi, được bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Hiện, nhiều người dân đang chờ những bước đột phá mới cho ngành chăn nuôi”.

Theo lãnh đạo Hội chăn nuôi - thú y tỉnh, để giải quyết vấn đề về con giống, thời gian tới, Hội sẽ hình thành những cơ sở chất lượng để sản xuất và cung ứng giống gia súc, gia cầm đạt tiêu chuẩn; thành lập mới hoặc nâng cấp 5 cơ sở sản xuất tinh heo giống đạt tiêu chuẩn của Bộ NN&PTNT.

Đặc biệt, sẽ thành lập 1 cơ sở giết mổ tập trung do hội viên góp vốn thực hiện, qua đây nhằm giảm bớt khâu trung gian, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi, cũng như đảm bảo vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Ông Trương Ngọc Trưng, Chủ tịch Hội chăn nuôi - thú y tỉnh, cho biết thêm: Hướng tới, Hội sẽ quản lý chặt chẽ hơn về chất lượng con giống, quan điểm là hạn chế sử dụng gà, vịt thương phẩm làm gà giống bố mẹ, khuyến khích nông dân nhân giống đàn gà tàu vàng có năng suất, chất lượng. Về lâu về dài, hình thành các trang trại chuyên sản xuất giống trên địa bàn tỉnh để chủ động cung cấp các giống tốt cho cơ sở chăn nuôi…

Nguồn bài viết: http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE1832CF/Cho_buoc_dot_pha_cho_nganh_chan_nuoi.aspx


Có thể bạn quan tâm

LVN99 trên Cò Nòi LVN99 trên Cò Nòi

Cò Nòi là một trong những thủ phủ ngô của Sơn La nói riêng và của cả miền Tây Bắc nói chung với những nương ngô bám cheo leo, tít tắp ngang lưng chừng trời.

11/09/2015
Ngô biến đổi gen trên cao nguyên Ngô biến đổi gen trên cao nguyên

Cảm nhận ban đầu của các nông dân trồng ngô tại Mộc Châu với ngô biến đổi gen là nhàn và giảm được chi phí.

11/09/2015
Nuôi cá thát lát bằng thức ăn viên Nuôi cá thát lát bằng thức ăn viên

Nuôi cá thát lát trong vèo lưới cước bằng thức ăn viên chi phí đầu tư khoảng 45 triệu đồng/100 m2 vèo, năng suất trung bình 1,1 tấn/100 m2 vèo giá bán 56.000 đ/kg thu được 61,6 triệu đồng, lợi nhuận gần 17 triệu đồng/vèo/vụ.

11/09/2015
Lúa thu đông thắng lớn Lúa thu đông thắng lớn

Đầu tháng 9 ở ĐBSCL đã có lúa TĐ chín sớm vào mùa gặt. Lúa chắc hạt, vàng óng. Nhiều nông dân vui vì lúa trúng mùa, năng suất cao hơn hẳn vụ HT vừa qua.

11/09/2015
Phát triển lúa chất lượng miền núi phía Bắc Phát triển lúa chất lượng miền núi phía Bắc

Trong khi nông dân ĐBSCL đang loay hoay bởi làm lúa có giá trị thấp, thì khu vực trung du miền núi phía Bắc (MNPB) lại xuất hiện ngày càng nhiều những tổ nhóm làm giàu nhờ SX lúa chất lượng.

11/09/2015