Nông Dân Phải Đi Vay Nặng Lãi Để... Nuôi Tôm
Sau hơn 2 tháng xảy ra hiện tượng tôm thẻ chân trắng chết hàng, đến nay để tiếp tục thả vụ tôm mới, người dân ở đây lại phải đi vay nặng lãi để mua giống, thức ăn.
Trở lại vùng nuôi tôm của xã bãi ngang Kim Trung (Kim Sơn, Ninh Bình) thời điểm này, chúng tôi nhận thấy khung cảnh ở đây đã thay đổi đi nhiều, phần lớn các ao, đầm nuôi tôm trước đây cạn trơ đáy bây giờ đã được người dân tiến hành thả nuôi vụ mới.
Đang ra thăm ao nuôi tôm trong khu công nghiệp, anh Nguyễn Xuân Thiêm ở xã Kim Trung cho hay: “Sau trận tôm thẻ chết vừa qua, gia đình tôi chịu thiệt hại nặng quá, nhưng ở cái đất này không nuôi tôm, cua thì cũng chả biết làm gì để sống cả, nên tôi đành bán tạm đất ngoài đầm và vay thêm tiền người thân đầu tư nuôi lại thôi”.
Anh Thiêm cho biết, sau vụ đầu nuôi tôm bị đổ bể mất hơn 100 triệu đồng, vụ này anh đã quyết định bán đi khu đất đầm nuôi tôm ngoài bãi lấy hơn 100 triệu đồng đầu tư nuôi tiếp mong rằng sẽ lấy lại được vốn.
Cùng xã với anh Thiêm, nhưng hoàn cảnh của gia đình ông Trung Văn Phán ở xóm 2 có phần thê thảm hơn, có hơn 4 mẫu ao nuôi tôm thẻ bị chết trong đợt vừa qua, đã đẩy gia đình ông vào thảm cảnh nợ đầm đìa, riêng số nợ ngân hàng lên đến gần 150 triệu đồng, nhưng gia đình ông không còn khả năng hoàn trả.
Để tránh bỏ đất hoang, gần 1 tháng trở lại đây, 2 vợ chồng ông Phán phải tìm đi khắp nơi để xoay xở vay lãi đầu tư nuôi tôm trở lại. Vừa vét vệ sinh ao nuôi, ông Phán vừa bảo: “Gần như cả xã này, cứ hộ nào đầu tư nuôi tôm mà bị chết trong đợt tháng 5 vừa rồi cũng vỡ nợ cả, hộ nợ nhiều thì vài trăm triệu đồng, còn hộ ít như tôi cũng lên đến cả trăm triệu đồng đấy”.
Ông Phán cho hay, từ khi tôm thẻ bị chết hàng loạt đến nay đã hơn 2 tháng, ngoài mấy cân thuốc khử trùng, vệ sinh ao nuôi ra không thấy các cơ quan chức năng địa phương quan tâm hỗ trợ con giống và tiền vốn cho chúng tôi, nên tôi đành phải đi vay lãi về nuôi tiếp thôi.
Cũng trong tình cảnh như các hộ dân ở xã Kim Trung, các hộ dân ở 2 xã Kim Hải và Kim Đông có tôm bị chết trong đợt vừa qua cũng phải “tự bơi” tìm vay vốn để đầu tư nuôi tôm trở lại. Ông Phạm Văn Hoan ở xóm 2, xã Kim Hải đi vay lãi ngoài được gần 50 triệu đồng đầu tư mua hơn 25 vạn tôm thẻ giống về nuôi, ông Hoan cho biết:
“Lứa tôm mới thả nuôi đã được gần 1 tháng, qua kiểm tra thấy tôm cũng phát triển khá tốt, nhưng từ giờ đến khi thu hoạch thời gian còn dài lắm, không biết thế nào đâu, không may tôm lại chết nữa thì nông dân chúng tôi chỉ còn cách bán nhà đi để trả nợ thôi”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Chí Nguyện – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Kim Trung cho hay: “Ngay sau khi trên địa bàn xã có xuất hiện tình trạng tôm chết hàng loạt, chúng tôi đã thống kê thiệt hại gửi lên UBND tỉnh đề nghị giúp đỡ hỗ trợ người dân tôm giống và thuốc khử trùng. Tuy nhiên, hiện xã mới chỉ nhận được gần 10 tấn thuốc khử trùng, vệ sinh ao nuôi, còn về tôm giống người dân cần hơn thì vẫn đang chờ”.
Có thể bạn quan tâm
Với diện tích hơn 12.000 ha, mì là một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện Krông Pa (Gia Lai) trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến thất thường, một vài năm gần đây, trên cây mì liên tiếp xuất hiện nhiều loại sâu bệnh gây hại làm ảnh hưởng năng suất.
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học- Công nghệ) vừa chuyển giao kỹ thuật trồng nấm bào ngư và nấm linh chi cho nông dân với nguyên liệu chính sản xuất phôi nấm từ mạt cưa. Mô hình đã tạo sự quan tâm của rất nhiều nông dân, bởi ít tốn công và chi phí đầu tư.
Thời gian gần đây giá khoai lang xuất khẩu ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, TP Cần Thơ… liên tục giảm khiến hàng loạt hộ bị lỗ.
Những năm qua, nhờ phát triển diện tích cây màu mà đời sống của người dân xã Hồng Minh (Hưng Hà - Thái Bình) được nâng lên rõ rệt. Trong đó, phải kể đến những giá trị và hiệu quả mà cây đậu tương mang lại cho vùng đất này.
Vừa bước vào niên vụ mía 2015 - 2016, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã có 150ha mía bị bệnh trắng lá. Người trồng mía đang lo ngại nếu trời mưa xuống khả năng bệnh trắng lá mía sẽ bùng phát trở lại.