Tây Ninh Lúng Túng Trong Phòng Trị Sâu Đục Thân Hại Mía
Còn gần 2 tháng nữa vụ thu hoạch mía 2014 – 2015 bắt đầu, trong khi ngành mía đường cả nước nói chung và Tây Ninh nói riêng đang gặp khó khăn do giá đường xuống thấp, sản phẩm đường sản xuất ra khó tiêu thụ, tồn kho tăng cao… Thì hiện nay, người trồng mía Tây Ninh phải lao đao vì sâu bệnh tấn công.
Theo số liệu của Cục Thống kê Tây Ninh, tổng diện tích mía năm 2014 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là 18.419 ha. Thực tế ngoài số diện tích trên còn có 1.257 ha mía hè thu 2014 mới trồng.
Đến nay, tổng diện tích mía bị nhiễm sâu đục thân toàn tỉnh trên 5.000 ha, chiếm 24,1% diện tích sản xuất. Phân theo mức độ hại: nhiễm nhẹ 4.115 ha, nhiễm trung bình 493 ha, nhiễm nặng 424 ha và rất nặng (>50%) là 32 ha. Tất cả 9 huyện/thành phố đều có diện tích nhiễm, trong đó huyện có diện tích nhiễm nhiều nhất là Châu Thành với 3.668 ha/5.552ha mía toàn huyện, kế đến là Bến Cầu gần 730ha/1.111ha.
Ngoài ra, theo số liệu của Công ty Cổ phần mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, Nhà máy đường Biên Hòa Tây Ninh thì vùng nguyên liệu mía trồng ở Campuchia gần biên giới Việt Nam cũng có hơn 4.176 ha/5.577ha mía bị nhiễm sâu đục thân. Phân theo mức độ hại: nhiễm nhẹ 3.677 ha,. nhiễm trung bình gần 456 ha và nhiễm nặng 43,3 ha.
Qua khảo sát thực địa tại các vùng trồng mía: Tân Phong (Tân Biên), Thành Long (Châu Thành), Trại giống mía Bến Cầu (Thành Thành Công), vùng mía trên đất Campuchia tiếp giáp xã Long Phước (Bến Cầu) cho thấy có 3 loại: Sâu đục thân 4 vạch, sâu đục thân mình hồng, sâu đục thân mình tím. Gây hại chủ yếu là sâu đục thân 4 vạch, loài sâu này có một số đặc điểm như: phá hại tập trung trên cây, trên từng cụm mía, bị nặng cây mía sẽ bị chết khô.
Sâu phát sinh gây hại chủ yếu trên các giống LK92-11, K95-156, K2000-89, K84-2000, K88-92, K94-2, K99-72, Khonkaen 3,… Đáng nói là hầu hết diện tích nhiễm ở giai đoạn vươn lóng, đa phần là mía lớn từ 6 – 9 tháng tuổi, sâu đã đục vào thân nên rất khó phòng trừ bằng thuốc hóa học.
Ông Trương Thành Danh, người trồng mía ở xã Thành Long, huyện Châu Thành buồn bã cho biết, hơn 1 tháng nay, sâu đục thân tấn công khoảng 50% diện tích mía mà ông trồng bên Campuchia. Tương tự, hơn 100 ha mía của ông Nguyễn Văn Triển (xã Thái Bình) trồng bên Campuchia cũng bị thiệt hại khoảng 20% diện tích. Ông Triển cũng cho biết người nông dân hiện nay rất nóng ruột vì sâu bệnh, trong khi chưa có loại thuốc nào đặt trị, ai chỉ thuốc nào xịt cái đấy.
Hơn 200 ha mía trồng ở huyện Bến Cầu, Châu Thành và Campuchia của ông Ngô Minh Chiến (xã Long Phước) bị sâu hại tấn công từ 10 – 30%, trong đó khoảng 10 ha bị thiệt hại trên 60%. Ông Chiến sốt ruột nói: “tình hình này không ngăn chặn kịp thời thì vụ mùa năm nay bà con sẽ trắng tay, trong khi xảy ra sâu bệnh ngành chức năng còn lúng túng trong khâu xử lý”.
Cũng trồng mía ở Campuchia, nhờ phát hiện tình trạng sâu đục thân sớm từ vụ mía năm 2013 và kịp thời phòng ngừa nên 22ha mía của ông Trần Thanh Bình (xã Thành Long) chỉ bị nhiễm 10%.
Tiến sỹ Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam cho rằng, có thể loại sâu đục thân 4 vạch này lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, cho nên hầu như chưa có kết quả nghiên cứu nào trong nước đề cập đến loại sâu này. Do đó, sắp tới, Cục BVTV Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phối hợp với các nước nghiên cứu, giám định, chuyển giao cách phòng trị loại sâu này.
TS Chiến cũng khuyến cáo người dân không nên mua mía nguyên liệu ở vùng có bệnh về để trồng sẽ dễ lây lan.
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vương Quốc Thới cho biết: với mức độ thiệt hại do sâu hại tấn công trên cây mía như hiện nay là khá nghiêm trọng. Tuy nhiên, diện tích mía sản xuất bị nhiễm hiện tại là 24,1% và chỉ có 2,48% diện tích sản xuất bị sâu đục thân gây hại nặng và rất nặng thì chưa đủ điều kiện để công bố dịch sâu đục thân gây hại cây mía trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Bởi theo Nghị định 58/2002/NĐ-CP ngày 3/6/2002 của Chính phủ, điều kiện để công bố dịch trên địa bàn tỉnh gồm: Sinh vật gây hại tài nguyên thực vật phát triển nhanh trên diện rộng và có nguy cơ gây hại nghiêm trọng trên 60% diện tích gieo trồng bị nhiễm và trên 30% diện tích gieo trồng bị nhiễm nặng theo quy định của Bộ NN&PTNT.
Tỉnh đang kiến nghị Cục Bảo vệ thực vật đặc cách cho phép một số đơn vị có sản phẩm phù hợp tiến hành thử nghiệm, sử dụng loại thuốc có hiệu quả trên cây mía phục vụ việc phòng trừ dịch hại trong điều kiện hiện nay. Xây dựng và ban hành quy trình phòng trừ tạm thời đối với sâu đục thân gây hại cây mía.
Theo ông Thới, từ đây đến vụ thu hoạch còn khoảng 2 tháng nữa, về giải pháp phòng trị trước mắt ngành nông nghiệp khuyến cáo. Đối với diện tích mía đang nhiễm sâu hại nặng và rất nặng khi thu hoạch bà con cần chặt sát gốc, phun thuốc trừ sâu trên mặt đất, tàn dư cây mía nhằm hạn chế nguồn nhiễm còn lại trên đồng và không sử dụng để làm giống.
Còn đối với diện tích nhiễm nhẹ và trung bình cần kiểm tra, chặt bỏ cây, phần thân cây có sâu gây hại mang ra ngoài tiêu hủy; bóc lá mía nhằm hạn chế nơi trú ẩn của sâu. Dùng máy phun áp lực cao phun thuốc hóa học vào bộ phận cây bị sâu và nơi có cây nhiễm sâu.
Hạn chế tối đa việc để công nhân đeo bình phun thuốc lội vào ruộng để phun vì không an toàn lao động do mía đã lớn, tầm phun thuốc cao, tán lá mía khép kín. Bên cạnh đó, bà con cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm sâu tái nhiễm, phòng trị kịp thời khi sâu còn ở giai đoạn trứng (ngắt bỏ ổ trứng) hoặc tuổi nhỏ trước khi đục vào thân cây; khi thu hoạch cần chặt sát gốc, hạn chế nguồn nhiễm còn lại trên đồng và thoát nước tốt cho ruộng mía.
Ông Vương Quốc Thới, Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh đề nghị “Các doanh nghiệp chế biến mía đường Thành Thành Công và Biên Hòa Tây Ninh cần có kế hoạch khởi động nhà máy sớm; có chính sách hỗ trợ cho nông dân có mía bị hại do sâu đục thân; cập nhật các giải pháp phòng trị sâu đục thân của ngành chuyên môn khuyến cáo, đặc biệt là của Trung tâm BVTV phía Nam và Viện Nghiên cứu mía đường Bến Cát, Chi cục BVTV Tây Ninh”.
Ông Nguyễn Bá Chủ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Thành Thành Công Tây Ninh cho hay: “Nhà máy sẽ tính toán để giúp bà con nông dân trong vụ thu hoạch này bằng cách hoạt động sớm, sẽ góp phần hạn chế thiệt hại cho bà con do sâu bệnh”.
Trong thời gian tới ngành Nông nghiệp cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với Cục BVTV, viện, trường, các nhà máy đường … để có nghiên cứu toàn diện và xây dựng quy trình quản lý dịch hại một cách kịp thời, không để bị động và lúng túng. Về mặt lâu dài ngành nông nghiệp cùng các nhà khoa học, doanh nghiệp, cùng nông dân để tìm ra giải pháp tối ưu nhất để phòng và trị sâu đục thân trên cây mía.
Chọn giống chống chịu được sâu. Chọn hom giống sạch không có sâu hại. Bố trí thời vụ trồng hợp lý, tránh thời gian thu hoạch quá dài vì sâu đục thân có điều kiện lây lan từ mía muộn sang mía gốc thu hoạch sớm.
Nguồn bài viết: http://ttv11.vn/ViewNews-Tay_Ninh_lung_tung_trong_phong_tri_sau_duc_than_hai_mia-7261.aspx
Có thể bạn quan tâm
Theo Phòng NN-PTNT huyện Lục Nam, toàn huyện hiện có gần 1,5 nghìn ha dẻ gần trăm năm tuổi. Năm nay sản lượng hạt dẻ ước đạt hơn 1 nghìn tấn, mang về cho người dân khoảng 20 tỷ đồng.
Đang mùa mưa lũ, chất lượng nước không đảm bảo, môi trường nuôi bị ô nhiễm, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển nhiều. Lên kế hoạch phòng trị bệnh trên cá tra nuôi thời điểm này là rất cần thiết.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên, 5 năm qua, toàn tỉnh đã bê tông hóa hơn 1.800km đường nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ đường nông thôn được bê tông và nhựa hóa lên 70%.
Sáng 30.9, tại TP.HCM, Ủy ban Đoàn kết Công giáo (UBĐKCG) Việt Nam tổ chức hội nghị toàn quốc biểu dương 180 đại biểu đại diện cho hơn 5.000 gương “người tốt, việc tốt” trong đồng bào Công giáo trên cả nước.
Ngày 29.9, ông Trần Anh Thư - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang cho biết: Sở vừa có văn bản chính thức kiến nghị UBND tỉnh trình Bộ NNPTNT bổ sung cây thốt nốt vào danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.