Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tẩy chay khoai Trung Quốc nhái hàng Việt

Tẩy chay khoai Trung Quốc nhái hàng Việt
Ngày đăng: 26/10/2015

Lập lại trật tự

Theo ông Hoàng Lợi - Chánh văn phòng UBND TP.Đà Lạt, sở dĩ Chủ tịch TP.Đà Lạt chỉ đạo các cơ quan chức năng cấm không cho tiểu thương đưa nông sản Trung Quốc (trong đó có khoai tây) vào chợ đầu mối nông sản Đà Lạt (phường 11, TP.Đà Lạt) kể từ ngày 20.10 là do tôn chỉ, mục đích của chợ này ngay từ đầu được xác định chỉ để kinh doanh, buôn bán, xúc tiến các mặt hàng là nông sản Đà Lạt và vùng lân cận.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, đã có nhiều tiểu thương nhập khoai tây Trung Quốc về kinh doanh, buôn bán tại chợ, khiến cho chợ này có thời gian hoạt động sai mục đích.

Nhiều năm qua, khoai tây Đà Lạt luôn bị gian lận thương mại gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Tín- Phó phòng Kinh tế Đà Lạt cũng cho rằng, việc cấm các tiểu thương đưa khoai tây Trung Quốc vào chợ đầu mối nông sản của UBND TP.Đà Lạt là đúng.

Bởi theo ông Tín, chợ đầu mối nông sản Đà Lạt mà tràn ngập nông sản Trung Quốc là không chấp nhận được.

Đồng thuận quan điểm trên, ông Lại Thế Hưng-  Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng, Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt không cho khoai tây Trung Quốc vào chợ đầu mối nông sản Đà Lạt là hợp lý vì đây không phải là nông sản địa phương, trong khi tính chất của chợ là chỉ cung cấp nông sản Đà Lạt.

Trước đó, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt Võ Ngọc Hiệp tại Văn bản số 5827/UBND ngày 8.10.2015, Ban quản lý chợ đầu mối nông sản Đà Lạt cấm không cho các tiểu thương đưa khoai tây Trung Quốc vào chợ này.

Văn bản của UBND TP.Đà Lạt có đoạn: “Tăng cường kiểm tra, phòng chống gian lận thương mại, quản lý, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường… đặc biệt là xử lý triệt để tình trạng dùng khoai tây Trung Quốc giả khoai tây Đà Lạt, kiên quyết không cho nhập khoai tây Trung Quốc vào chợ đầu mối nông sản của thành phố để giả mạo khoai tây Đà Lạt phân phối đi nơi khác”.

Ông Hoàng Lợi nhấn mạnh, lệnh cấm khoai tây Trung Quốc chỉ có hiệu lực trong phạm vi của chợ đầu mối nông sản Đà Lạt.

Mọi hoạt động kinh doanh, buôn bán, giao thương khoai tây Trung Quốc ngoài phạm vi của chợ này vẫn được thực hiện bình thường.

Tiểu thương lúng túng

Hiện nay, chợ đầu mối nông sản Đà Lạt có khoảng 75 hộ đang kinh doanh, trong đó có 25 hộ đăng ký kinh doanh mặt hàng khoai tây.

Tuy nhiên, khoai tây Đà Lạt hàng năm chỉ cung cấp cho thị trường khoảng 6 tháng, từ tháng 11 đến tháng 6 năm sau, thời gian còn lại, để có hàng cung cấp ổn định cho các đầu mối, nhiều tiểu thương tại chợ nông sản Đà Lạt phải nhập khoai tây của Trung Quốc với giá ghi trên hóa đơn từ 1.850 – 3.500 đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Vân, người cung cấp khoai tây Trung Quốc chiếm trên 80% cho các tiểu thương tại chợ đầu mối nông sản Đà Lạt cho biết: lệnh cấm đưa khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt quá bất ngờ khiến bà không kịp trở tay.

Bà Vân  kể: “Sáng  20.10, 2 container với 60 khoai tây Trung Quốc tới chợ nông sản Đà Lạt chuẩn bị vào chợ thì nhận được tin Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo không cho khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt từ ông Nguyễn Thế Hiền là tổ phó ban quản lý chợ.

Trước đó, chúng tôi hoàn toàn không nhận được thông tin này.

Cách làm việc của cơ quan quản lý khiến chúng tôi không kịp trở tay”.

Theo bà Vân, 60 tấn khoai tây Trung Quốc của bà trị giá 290 triệu đồng.

48 tiếng sau khi thuê xe chở về Đà Lạt nếu bà Vân không bốc dỡ hàng thì mỗi ngày phải chịu thêm 1 triệu đồng/xe, từ 3 ngày tiếp theo chịu 2 triệu đồng/xe.

Đó là chưa kể thiệt hại do khoai tây để lâu trên xe dẫn đến hư hỏng, các bạn hàng không có sản phẩm xuất bán.

Liên quan đến 60 tấn khoai tây Trung Quốc của bà Nguyễn Thị Vân hiện chưa được vào chợ để bốc dỡ hàng, ông Hoàng Lợi- Chánh văn phòng UBND TP.Đà Lạt cho biết sẽ làm việc với Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt Võ Ngọc Hiệp để có hướng xử lý.

Còn ông Nguyễn Quốc Hùng- Trưởng ban quản lý chợ Đà Lạt  đưa ra quan điểm là nên tạo điều kiện để cho bà Nguyễn Thị Vân đưa đợt hàng này vào chợ để bốc dỡ, hạn chế tối đa thiệt hại cho tiểu thương vì họ nhận được thông báo cấm đưa khoai tây Trung Quốc vào chợ đúng ngày đưa khoai tây Trung Quốc về tới chợ này.

Theo tìm hiểu, những năm qua, rất nhiều chủ đầu mối các vựa nông sản đã nhập khoai tây Trung Quốc về chợ nông sản Đà Lạt, bán lại cho hàng chục tiểu thương khác đang kinh doanh ở đây.   Nhiều tiểu thương để “biến” khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt bằng cách bôi đất đỏ, tẩy rửa, làm cho khoai tây có màu đỏ nhạt, rồi đưa đi khắp nơi tiêu thụ với tên gọi khoai tây Đà Lạt.

Thực trạng này đang khiến khoai Đà Lạt “mất giá” trầm trọng trong mắt người tiêu dùng, về lâu dài mất thương hiệu là điều khó tránh khỏi.

Ông Ma Quang Trung - Cục trưởng cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT): Cần tăng cường kiểm tra thị trường

Câu chuyện khoai tây Đà Lạt nói riêng và khoai tây nhiều địa phương bị khoai tây Trung Quốc trà trộn là hành vi gian lận thương mại đã xảy ra từ khá lâu.

Do đó, việc các cơ quan chức năng của Đà Lạt đưa ra các biện pháp để quản lý chặt vấn đề này, bảo vệ sản phẩm khoai tây và người trồng khoai tây trong nước là rất đúng đắn.

Tuy nhiên, nếu sử dụng biện pháp hành chính để cấm, không cho lưu thông trong chợ  thì theo quan điểm của cá nhân tôi là phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật thương mại.

Tôi cho rằng, tốt nhất là phía UBND tỉnh Lâm Đồng cần tăng cường thanh kiểm tra, ở đây là lực lượng quản lý thị trường và thanh tra ngành nông nghiệp khi phát hiện xử lý thật nghiêm thì chắc chắn sẽ quản lý được tình trạng khoai tây Trung Quốc “biến” thành khoai tây Đà Lạt.

Luật sư Hoàng Ngọc – Trưởng văn phòng Luật sư Nhiệt Tâm và cộng sự (Hà Nội): Nên xử lý như là gian lận thương mại

Ở đây, nếu xét ở góc độ chợ đầu mối Đà Lạt có quy chế riêng, quy định chỉ được bán sản phẩm của Đà Lạt thì khi UBND tỉnh ra quyết định cấm hàng Trung Quốc hay bất cứ nước nào có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, nếu chợ đầu mối Đà Lạt chỉ là chợ đầu mối nông sản như các chợ đầu mối khác, được phép mua bán trao đổi tất cả các sản phẩm thì lệnh cấm của UBND Đà Lạt vẫn chưa hợp lý.

Nếu chỉ với lý do khoai tây Trung Quốc trà trộn với khoai tây Đà Lạt để bán giá cao hơn thì thực chất đây chỉ là hành vi gian lận thương mại của một số người bán.

Hiện nay, đối với một sản phẩm của các nước, khi đã được Nhà nước cho phép nhập khẩu, đảm bảo đủ các thủ tục về kiểm dịch, về an toàn thực phẩm thì sản phẩm đó có quyền đưa vào tiêu thụ ở tất cả 63 tỉnh thành trên toàn quốc.


Có thể bạn quan tâm

Trồng Rau VietGAP Phải Để Ý... Gà Trồng Rau VietGAP Phải Để Ý... Gà

Dày công cực khổ cả năm trời trồng rau theo quy trình VietGAP, ấy thế mà khi chứng nhận lại không đạt tiêu chuẩn, “Tất cả chỉ tại con gà”.

30/05/2012
Anh Tống Văn Phong Làm Giàu Từ Cây Quýt Đường Anh Tống Văn Phong Làm Giàu Từ Cây Quýt Đường

Sự học hỏi và lòng say mê lao động đã giúp anh Tống Văn Phong (ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) thành công với mô hình trồng cây quýt đường. Mô hình cho thu nhập cao này đã đưa gia đình anh Phong vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu. Nhiều năm liền anh được công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

24/09/2012
Dứa Giảm Giá Tệ Hại Dứa Giảm Giá Tệ Hại

Huyện Mường Khương là vùng dứa tập trung lớn nhất tỉnh Lào Cai, mỗi năm thu hoạch chừng 12-13 nghìn tấn dứa, trị giá trên 70 tỷ đồng. Năm nay giá dứa giảm mạnh đã khiến nông dân thất thu hàng chục tỷ đồng…

12/03/2012
Tỷ Phú Tôm Trắng Tay Sau 5 Năm Tích Lũy Tỷ Phú Tôm Trắng Tay Sau 5 Năm Tích Lũy

Đến nay, các giải pháp ngăn chặn trước thực trạng tôm chết hàng loạt trên địa bàn tỉnh Trà Vinh vẫn chưa có hiệu quả. Khi các cơ quan chức năng đang loay hoay truy tìm nguyên nhân dẫn đến tôm chết hàng loạt, gây thiệt hại cho người nuôi tôm hàng trăm tỷ đồng.

30/05/2012
Thâm Canh Cá - Lúa Ở Gò Mèn Nông Dân Được Lợi Thâm Canh Cá - Lúa Ở Gò Mèn Nông Dân Được Lợi "Kép"

Sau 2 năm triển khai thực hiện, Dự án nuôi cá nước ngọt Gò Mèn, xã Đức Lân (Mộ Đức - Quảng Ngãi) đã thu hút 24 hộ dân tham gia với 7/18 ha được chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi cá, cá - lúa cho hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ tăng thu nhập cho nông dân (lãi ròng từ 8 - 12 triệu đồng/vụ), mà cách thâm canh này cũng giúp môi trường nước được cải thiện.

26/09/2012