Tập trung xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Đảng bộ tỉnh xác định “Phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên 6 huyện miền núi” là hoàn toàn hợp lý.
Đẩy mạnh xây dựng NTM
Những năm qua, đóng góp của ngành nông nghiệp vào tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) chỉ chiếm 14%.
Tuy nhiên, với quy mô dân số cũng như tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm gần 50%, cộng với đó, tỷ lệ hộ nghèo ở 6 huyện miền núi còn cao, sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế và năng suất, sản lượng còn manh mún, tỷ suất nông sản hàng hóa thấp, thiếu tính gắn kết thị trường… vì vậy ngành nông nghiệp đang được tổ chức lại hoạt động, sản xuất theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Diện mạo nông thôn ở xã Bình Dương đã thay đổi rõ rệt sau khi về đích NTM.
Theo ông Nguyễn Mậu Văn- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIX xác định:
“Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM đạt được nhiều kết quả; nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được nâng lên” là hợp lý.
"Dự thảo cần phải đánh giá toàn diện hơn về bộ mặt nông thôn và đời sống nhân dân.
Trong đó, 5 năm qua hạ tầng giao thông là điểm nổi bật với hàng trăm kilômét đường được nhựa hóa, bê tông hóa và cứng hóa.
Tuy nhiên, đối với các lĩnh vực như văn hóa-xã hội, thể dục thể thao, môi trường chậm chuyển biến, nguy cơ ô nhiễm môi trường ở một số vùng nông thôn là đáng lo ngại. Về đời sống người dân được nâng lên về mặt vật chất, nhưng về tinh thần chuyển biến thấp”-ông Văn nói.
Cũng theo ông Văn, Dự thảo đề ra chỉ tiêu “Phấn đấu đến năm 2020 có 55 xã và hai huyện đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM” và đạt 33,5% tổng số xã là thấp so với mục tiêu chung của cả nước.
Nguyên nhân chủ yếu là do nền kinh tế và kết cấu hạ tầng KT-XH trong tỉnh còn nhiều yếu kém, với 6 huyện thuộc Chương trình 30a và có đến 86/164 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển... Tuy
nhiên, ông Văn cho rằng, tính đến thời điểm này toàn tỉnh có 2 xã là Bình Dương (Bình Sơn) và Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) về đích NTM, và có 53 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên.
Dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ có thêm 12 xã đạt chuẩn NTM.
Do vậy, kế hoạch sẽ có 2 huyện và 55 xã về đích NTM trong vòng 5 năm đến là hoàn toàn khả thi so với điều kiện của tỉnh. Bên cạnh đó, Văn phòng điều phối NTM tỉnh, dự kiến trong giai đoạn 2016-2020.
Trung ương sẽ hỗ trợ cho tỉnh trung bình khoảng 200 tỷ đồng/năm, tức gấp đôi hiện nay, cộng với ngân sách tỉnh từ 200-300 tỷ đồng/năm và huy động nguồn lực trong nhân dân… thì mỗi năm sẽ có từ 8-10 xã về đích NTM.
Thế nên ông Văn cho rằng, việc đưa hai huyện Nghĩa Hành và Tư Nghĩa, cùng 55 xã về đích NTM là không có gì khó.
Cần tập trung ưu tiên 6 huyện miền núi
Mục tiêu quan trọng của giai đoạn tới là vừa đưa tỉnh ta cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và đẩy mạnh xây dựng NTM ở các địa phương.
Thế nhưng, với 6 huyện nghèo miền núi với hơn 50 xã, thị trấn việc tập trung nguồn lực nâng cao đời sống vật chất, tăng thu nhập cũng như sớm đưa các xã về đích NTM là rất khó khăn.
Do đó, việc tập trung nguồn lực đầu tư để các huyện vùng cao phát triển, giảm khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn này.
Bởi theo ông Văn, định hướng của Chính phủ trong giai đoạn 2016-2020 là sẽ sắp xếp 16 chương trình mục tiêu quốc gia hiện có xuống còn 2 chương trình mục tiêu quốc gia là:
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nên nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, ưu tiên 6 huyện miền núi là rất quan trọng.
Bởi một khi điều kiện KT-XH miền núi phát triển, đời sống người dân được nâng lên, khi đó việc huy động nguồn lực từ trong dân cũng sẽ dễ dàng hơn.
Ông Văn cho rằng, bên cạnh những việc cần làm trong giai đoạn 2016-2020 mà Dự thảo đã đề ra thì, việc cần ưu tiên thực hiện trong điều kiện mới là tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Xây dựng NTM với phạm vi rộng hơn trên cơ sở sắp xếp lại nhiều nhiệm vụ phát triển nông thôn khác vào chương trình xây dựng NTM thông qua việc tổ chức lại các chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời đẩy mạnh việc giảm nghèo bền vững nói chung và ưu tiên 6 huyện miền núi nói riêng là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Có thể bạn quan tâm
Người nuôi cá lóc ở các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long đang lỗ nặng khi giá cá lóc thương phẩm thấp hơn giá thành sản xuất khoảng 4.000 đ/kg.
Người dân xã Địch Quả (huyện Thanh Sơn) đã có nhiều cách làm giàu, nhưng hiệu quả hơn cả vẫn là cây chè. Những người cao niên nhất trong xã cũng không biết cây chè cắm chân trên đất này từ bao giờ, còn chè trồng quy mô, thành hàng hóa lớn bắt đầu từ những năm 1980.
Hơn 1.100 ha bãi triều nuôi ngao của huyện Kim Sơn (Ninh Bình) với sản lượng hàng năm khoảng 12 nghìn tấn đã đem lại thu nhập cao cho nhiều ngư dân. Thế nhưng, từ đầu năm 2013 trở lại đây, thị trường tiêu thụ ngao Trung Quốc đột ngột sụt giảm, giá ngao xuống thấp khiến cho người nuôi ngao gặp nhiều khó khăn.
Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Phước Sơn, nhiều hộ dân đã cải tạo đất vườn đồi để trồng các giống cây ăn quả mới dẫn nhập cho hiệu quả kinh tế cao.
4 năm qua, mô hình trồng ngò gai ở xã Phụng Hiệp (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) mang lại lợi nhuận kinh tế rất cao góp phần xóa đói giảm nghèo và đang được nhân rộng. Toàn xã có trên 400 hộ dân SX 27 ha ngò gai. Bình quân 1.000 m2 ngò gai thu lãi từ 40 - 50 triệu đ/năm.