Tập Trung Phát Triển Chuỗi Giá Trị Chăn Nuôi
Thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) được chọn triển khai tại 9/9 xã trên toàn địa bàn huyện cho 5.423 hộ dân, trong đó có 3.618 hộ nghèo và 570 hộ cận nghèo. Gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững, Bác Ái xác định tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị trong chăn nuôi và nông sản hàng hóa từ lợi thế sẵn có của địa phương.
Những năm qua, ngoài việc thực hiện tốt các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, huyện Bác Ái đã triển khai nhân rộng nhiều mô hình sản xuất trong nông nghiệp mang lại hiệu quả cao, trong đó tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng tăng tỷ trọng đàn và giá trị sản phẩm, góp phần tích cực ổn định cuộc sống cho nhân dân.
Với những lợi thế đó, việc triển khai thực hiện các Hợp phần của Dự án Hỗ trợ Tam nông đã và đang được Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp (DASU) huyện Bác Ái đẩy nhanh tiến độ. Theo đại diện DASU huyện, đến thời điểm hiện nay các hợp phần của dự án đã được địa phương triển khai cơ bản. Ngoài việc tổ chức nhiều lớp tập huấn về phát triển và thành lập tổ, nhóm đồng sở thích cho cán bộ đoàn thể cấp huyện, Ban phát triển xã và đoàn thể xã, cán bộ cấp thôn; huyện cũng đã tổ chức 3 đêm truyền thông lồng ghép tuyên truyền phổ biến về Dự án Hỗ trợ Tam nông và Chương trình Xây dựng nông thôn mới đến người dân. Ban phát triển cấp xã, thôn đều đã được thành lập. Hiện tại DASU huyện có 6 cán bộ chuyên trách thường xuyên về cơ sở hướng dẫn thực hiện dự án.
Về việc xác lập chuỗi giá trị sản phẩm (thuộc Hợp phần 2, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư), qua đánh giá và phân tích chuỗi giá trị của Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, huyện Bác Ái đã xác định tập trung phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi, trong đó hỗ trợ và phát triển chăn nuôi bò chính là thế mạnh của huyện hiện nay. Trên cơ sở đó, đến nay DASU huyện đã thành lập được 19 tổ, nhóm đồng sở thích (có chung lợi ích) trên vùng dự án, trong đó có 18 nhóm phát triển chăn nuôi bò (mỗi nhóm gồm 30 thành viên) và 1 nhóm nuôi heo đen địa phương tại xã Phước Tiến.
Phát triển chăn nuôi luôn là ưu tiên hàng đầu của địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương, trong đó chăn nuôi bò chính là thế mạnh với tổng đàn hiện có trên 15.500 con. Việc phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi bò không chỉ phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, mà sẽ góp phần thay đổi nhận thực, tập quán chăn nuôi theo kiểu du mục của đồng bào Raglai lâu nay, hướng đến việc chăn nuôi tập trung, tăng chất lượng đàn và giá trị sản phẩm.
Hiện nay, các tổ chăn nuôi bò ở Bác Ái đều đã được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, xây dựng chuồng trại cũng như họp bàn thống nhất về chuyển đổi giống bò nuôi. Về cơ bản tất cả đã sẵn sàng khi có nguồn vốn, huyện sẽ tập trung triển khai ngay đến cơ sở để người dân thực hiện.
Bên cạnh tập trung phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi bò, DASU huyện đã thành lập thêm một nhóm phát triển chăn nuôi heo đen tại xã Phước Tiến. Đây cũng được xem là một hướng đi thích hợp với tình hình thực tế tại địa phương, khi tổng đàn heo đen toàn huyện hiện có trên 12.500 con.
Hiện nay, Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp Bác Ái đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hợp phần của Dự án Hỗ trợ Tam nông trên địa bàn để người dân vùng dự án được hưởng thụ các chương trình hỗ trợ thúc đẩy phát triển chăn nuôi, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Sở Công Thương vừa có thông báo đến các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh về Chương trình Thương hiệu quốc gia năm 2016. Đây là chương trình do Chính phủ tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm.
Ban chỉ đạo thực hiện chương trình “Ngân hàng bê giống” tỉnh Bình Định phối hợp với Quỹ Thiện tâm - Tập đoàn Vingroup tổ chức lễ bàn giao bê giống từ dự án cho vay bê cái giống sinh sản của Quỹ Thiện tâm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Hoài Nhơn.
Nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) rất lớn trong khi sức dân có hạn, còn công tác xã hội hóa gặp nhiều khó khăn nên các xã đăng ký đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 -2020 đang phải loay hoay tìm nguồn vốn.
Trong những năm qua, ngành lâm nghiệp và các địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện miền núi đã tập trung thực hiện Đề án giao rừng, cho thuê rừng của tỉnh giai đoạn 2009-2013.
Thời gian gần đây, trước kiểu đánh bắt 'tận diệt" bằng hình thức châm điện, dẫn đến lượng cá niên ở các con sông suối miền núi trong tỉnh ngày càng cạn kiệt dần.