Tập Trung Khắc Phục Tình Trạng Nông Dân Bỏ Ruộng, Bỏ Vụ Không Canh Tác
Thời gian gần đây, ở một số địa phương của huyện Phù Ninh xuất hiện tình trạng nông dân bỏ ruộng, bỏ vụ, không canh tác sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là vụ mùa, vụ đông; trên diện tích đất 2 vụ, đất dộc và sau khi nông dân làm xong vụ chiêm, vụ lúa tái sinh (lúa chét).
Năm 2013, toàn huyện nông dân không canh tác vụ mùa, vụ đông là 119ha (chiếm 5,7% diện tích gieo cấy vụ mùa), trong đó có 92ha chỉ làm vụ chiêm và vụ lúa tái sinh, 27ha chỉ làm vụ chiêm.
Năm 2014, diện tích không canh tác là 126ha (chiếm 6,1% diện tích gieo cấy vụ mùa), trong đó có hơn 91ha chỉ làm vụ chiêm và vụ lúa tái sinh, hơn 34ha chỉ làm vụ chiêm). Địa phương có nhiều diện tích nông dân bỏ vụ không canh tác sản xuất vụ mùa, vụ đông là thị trấn Phong Châu, các xã Phù Ninh, Phú Nham và Gia Thanh.
Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ngày 15-10-2014, huyện đã triệu tập hội nghị bất thường để nghe các phòng, ban, ngành có liên quan và một số xã, thị trấn báo cáo cụ thể.
Theo đó có nhiều nguyên nhân nông dân bỏ vụ, không canh tác sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, trong đó có các nguyên nhân như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thật sự quyết liệt, chú ý nhiều đến các dự án đầu tư, xây dựng mà chưa chú trọng đến sản xuất nông nghiệp.
Công tác khuyến nông hạn chế. Hệ thống thuỷ lợi (tưới, tiêu) giao thông nội đồng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Sản xuất vụ mùa diễn ra trong điều kiện nhiều rủi ro, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, nhất là ở các xã có nhiều diện tích ruộng dộc, chua phèn, thường xuyên bị xô sạt, năng suất lúa thấp, khó chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chi phí sản xuất lớn, giá vật tư (giống, phân bón, bảo vệ thực vật) tăng cao, nông dân không mặn mà sản xuất vụ mùa và có xu hướng tập trung sản xuất vụ chiêm, nơi có điều kiện thì sản xuất thêm vụ lúa tái sinh hiệu quả cao hơn.
Một số địa phương tốc độ đô thị hoá khá nhanh (thị trấn Phong Châu, các xã Phù Ninh, Phú Nham, An Đạo) có nhiều dự án đầu tư, dẫn đến một bộ phận nông dân có tư tưởng trông chờ vào đền bù của nhà nước; một bộ phận lao động chuyển làm ở các cụm, khu công nghiệp (An Đạo, Tử Đà, Đồng Lạng) và một số nhà máy xung quanh Tổng Công ty giấy Việt Nam cho thu nhập cao hơn sản xuất nông nghiệp. Chính sách quản lý đất đai, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của Nhà nước có nhiều bất cập, kém hiệu quả (chưa có chế tài cụ thể khi nông dân bỏ vụ, không sản xuất; chính sách cấp bù thuỷ lợi phí, hỗ trợ bảo vệ đất nông nghiệp thì dàn trải, gây lãng phí).
Ảnh hưởng do hướng tuyến và thi công đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chậm được khắc phục. Nhiều diện tích bị xô sạt, ngập úng không canh tác được và do ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước ở xung quanh một số nhà máy và cụm khu công nghiệp.
Sau khi đã xác định rõ các nguyên nhân nông dân bỏ vụ, không canh tác sản xuất nông nghiệp và đang có chiều hướng gia tăng, trong thời gian qua và hiện nay Huyện ủy đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp; vận động nông dân không bỏ ruộng, bỏ vụ, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xác định rõ vụ chiêm xuân có tính chất quyết định đến an ninh lương thực, đẩy mạnh sản xuất vụ lúa chét ở những nơi có điều kiện. Huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, ưu tiên thuỷ lợi, điện, giao thông (đặc biệt hệ thống tiêu úng và giao thông nội đồng).
Nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, phòng chống và giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Các biện pháp nêu trên đã có tác dụng tích cực, được nông dân đồng tình ủng hộ và làm giảm diện tích bỏ vụ không canh tác sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, để sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững; ngăn chặn và từng bước khắc phục tình trạng nông dân bỏ ruộng, bỏ vụ không canh tác sản xuất nông nghiệp, huyện Phù Ninh đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh một số nội dung cụ thể: Vụ chiêm xuân có vai trò đặc biệt quan trọng đến sản xuất nông nghiệp ở địa phương huyện miền núi, trung du, đề nghị tỉnh tăng cường đầu tư hệ thống tiêu úng, tạo điều kiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển nuôi trồng thuỷ sản, chuyển sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ cá; cho cơ chế đầu tư nạo vét ngòi Chanh, ngòi Mên (đoạn Phú Nham - Gia Thanh và thị trấn Phong Châu) như cơ chế nạo vét ngòi Tiên Du - Hạ Giáp và ngòi Dầu.
Hệ thống tưới cho 9 xã ven sông Lô của huyện đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt còn 6 km kênh cấp 2 do Công ty TNHH nhà nước một thành viên khai thác các công trình thuỷ lợi tỉnh quản lý thuộc 2 xã Hạ Giáp và Trị Quận chưa được cứng hoá, vì vậy đề nghị tỉnh cho phép và cơ chế hỗ trợ đầu tư ngay trong năm 2014 - 2015 (huyện làm chủ đầu tư, tỉnh hỗ trợ từ 30 - 50%, còn lại ngân sách huyện, xã và nhân dân đóng góp sau khi đầu tư bàn giao công trình cho Công ty quản lý).
Chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cung cấp lúa giống có khả năng tái sinh cao cho nông dân để làm lúa chét sau vụ chiêm, nhằm giảm chi phí sản xuất, đạt hiệu quả và phù hợp đất đồng dộc, sâu trũng. Đề nghị với Chính phủ có quy định, chế tài cụ thể về việc nông dân bỏ vụ, bỏ ruộng, không canh tác. Xem xét, sửa đổi bổ sung chính sách, cấp bù do miễn thu thuỷ lợi phí và chính sách hỗ trợ cho nông dân để bảo vệ đất nông nghiệp (chính sách như hiện nay vừa dàn trải, lãng phí, không hiệu quả).
Yêu cầu Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và đơn vị thi công đường cao tốc thực hiện đầy đủ những cam kết về việc khắc phục những hậu quả khi thi công đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai thuộc địa bàn huyện Phù Ninh, để tạo điều kiện cho nông dân sản xuất nông nghiệp, góp phần khắc phục tình trạng nông dân bỏ ruộng, bỏ vụ không canh tác (chủ yếu ở xã Phù Ninh).
Nguồn bài viết: http://baophutho.vn/kinh-te/nong-lam-nghiep/201411/phu-ninh-tap-trung-khac-phuc-tinh-trang-nong-dan-bo-ruong-bo-vu-khong-canh-tac-2376166/
Có thể bạn quan tâm
Dù sản phẩm đã được công nhận VietGAP nhưng người tiêu dùng vẫn chưa thực sự yên tâm. Lý do là sự sạch - bẩn của rau chủ yếu phụ thuộc vào lương tâm của người sản xuất và bán hàng, chứ chưa được các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát…
Ông Nguyễn Văn Thông ở ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng, trồng 3 công đậu phộng giống L15 cho biết, loại cây này dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chỉ sau 3 tháng có thể thu hoạch đạt năng suất 600 - 650 kg/công, tăng 20 - 25 kg/công so với vụ rồi. Sau khi thu hoạch xong, thương lái vào tận ruộng thu mua với giá 15.000 - 16.000 đồng/kg, tăng khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg so với thời điểm năm rồi. Sau khi trừ hết chi phí, ông Thông lãi gần 20 triệu đồng.
Ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An, bà con nông dân trồng rau ăn lá trong mùa mưa thường gặp nhiều rủi ro do ẩm độ không khí cao, sâu bệnh phát triển mạnh, mưa gió nhiều rau dễ bị dập nát khó bán, bà con phải dùng lưới che nên tốn thêm chi phí. Tuy nhiên, do giá rau cao hơn so với những tháng trồng vào mùa nắng nên bà con vẫn duy trì diện tích trồng.
Phú Tân là một huyện cù lao, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, cũng là một trong những huyện đi đầu trong tỉnh An Giang về ứng dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng, những năm qua, huyện không ngừng đổi mới các phương pháp canh tác để tăng năng suất và tăng lợi nhuận cho nông dân, trong đó việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa đã giúp nông dân giảm thất thoát trên đồng ruộng, giảm chi phí, tăng lợi nhuận ...
Bưởi Diễn là loại cây ăn quả chủ lực của vùng đất đồi gò huyện Chương Mỹ (Hà Nội), mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân địa phương. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của thời tiết mưa kéo dài đã khiến nhiều chủ vườn đang phải đối mặt với nguy cơ mất mùa.