Tạo Sinh Kế Lâu Dài Cho Người Trồng Rừng
Dự án phát triển lâm nghiệp do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, Ngân hàng CSXH quản lý đã tạo sinh kế lâu dài cho hàng ngàn hộ khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam.
Màu xanh của rừng nguyên liệu giấy phủ kín đồi, núi tại các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức và Quế Sơn. Nông dân (ND) ở đây đang được hưởng nhiều lợi ích, trong đó có lợi ích kinh tế từ chương trình vay vốn ưu đãi trồng rừng.
Cải thiện thu nhập bền vững
Gia đình chị Lê Thị Học ở thôn 3, xã Trà Giang (Bắc Trà My) nhờ được vay vốn hộ nghèo và vốn ưu đãi cách đây mấy năm đã trồng được 10ha keo nguyên liệu giấy. Tới nay, gia đình chị đã có đời sống khấm khá nhờ 40% diện tích keo đã cho thu hoạch. Cùng xã Trà Giang, hộ ông Triệu Khánh Hòa ở thôn 5 cũng vừa thu hoạch 3ha keo, đạt 60 triệu đồng/ha, 4ha khác sẽ cho thu hoạch vào những năm tới.
Chị Lê Thị Học, thôn 3, xã Trà Giang (Bắc Trà My) chăm sóc rừng cây keo được trồng nhờ vay vốn ưu đãi.
Chị Y Nong (dân tộc KDong) ở thôn 2 cũng mạnh dạn vay 76 triệu đồng vốn ưu đãi, trong đó riêng vốn trồng rừng là 48 triệu đồng. “Trước đây, cứ 1ha rừng trồng nhà tôi được vay 10 triệu đồng vốn ưu đãi, năm 2012 nâng lên 15 triệu đồng/ha…” - chị Y Nong cho hay.
Toàn xã Trà Giang hiện có hơn 2.000ha đất lâm nghiệp, trong đó riêng đất rừng sản xuất đã phủ xanh cây là 850ha. Năm 2013, nhờ được vay vốn ưu đãi nên đã có 157 hộ trồng hơn 250ha rừng kinh tế. Ông Nguyễn Ngọc Bích - Phó Chủ tịch UBND xã nói: “Có vốn ưu đãi nên bà con đã mạnh dạn trồng rừng. Dù trồng trước hay trồng sau thì chắc chắn đời sống, thu nhập của bà con trong xã sẽ được cải thiện theo hướng bền vững, lâu dài…”.
Hướng đến nhiều lợi ích
Dự án không những mang lại lợi ích kinh tế, kiến thức lâm nghiệp cho ND mà còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái, thúc đẩy nâng cao chất lượng quản lý đất rừng một cách minh bạch và khoa học. Bà Nguyễn Thị Kim Vinh ở xã Bắc Trà My cho hay: “Không có chuyện nói vay vốn là vay được ngay. Hộ vay vốn phải được xác định rõ về vị trí, diện tích đất rừng và phải được cấp sổ đỏ thì ngân hàng mới giải ngân... Việc này rất hay là giúp bà con chúng tôi rất yên tâm vì đất rừng là đúng của mình”.
Tổng dư nợ vốn vay ưu đãi cho nông dân trồng rừng theo dự án phát triển lâm nghiệp do WB tài trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện đạt hơn 150 tỷ đồng. Dự án được thực hiện trên địa bàn 2 huyện Tiên Phước, Bắc Trà My, Hiệp Đức và Quế Sơn với 4.765 hộ ND được hưởng lợi.
Ông Nguyễn Ngọc Bích - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Giang thừa nhận, cách triển khai dự án đã thúc đẩy các cơ quan chức năng vào cuộc đo đạc, xác định mốc giới và cấp sổ đỏ cho các hộ trồng rừng. Ông Nguyễn Văn Hiền - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tiên Phước cho biết, tổng dư nợ cho vay ưu đãi trồng rừng trên địa bàn huyện hiện là hơn 50 tỷ đồng. Vốn ưu đãi trồng rừng đã về với ND 10/15 xã trên địa bàn huyện, góp phần giúp bà con phát triển kinh tế…
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ sinh học đang được mở rộng trên toàn quốc vì đây là mô hình thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng, an toàn cho người tiêu dùng và không hại đến môi trường. Tại huyện Bình Đại, diện tích trồng rau an toàn đang dần được mở rộng, đặc biệt hai xã Châu Hưng và Phú Long là 2 xã tiên phong trong phong trào chuyển đổi canh tác trồng rau theo hướng hữu cơ sinh học, đem lại an toàn và lợi nhuận cho người dân.
Thời gian gần đây, giá nhiều loài hoa tại Đà Lạt, Lâm Đồng đã xuống chạm đáy khiến tiền bán hoa không đủ để chi trả giá thuê nhân công thu hoạch.
Trong khi các vùng triều trong tỉnh Quảng Ngãi, người nuôi tôm điêu đứng vì tôm dịch bệnh, nhiều hộ phải bỏ hồ hoang thì ở cánh đồng triều thuộc xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh) nông dân đã chuyển sang nuôi cá chẽm. Hơn 3 năm cá chẽm đã sống thích nghi với nguồn nước đồng triều nơi này và giải quyết được cuộc sống khốn khó cho bà con. Riêng vụ mùa năm nay, bà con nuôi cá vừa được mùa, được giá nên niềm vui như nhân đôi.
Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi hươu, nai Hiếu Liêm (xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu - Đồng Nai) vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể.
Sau khoảng 4 năm triển khai thực hiện chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, đến nay toàn tỉnh Bình Thuận đã có trên 5.300 ha/6.600 hộ được cấp giấy chứng nhận. Đây là kết quả từ sự nỗ lực không ngừng của ngành nông nghiệp và đông đảo nông dân. Tuy nhiên, việc làm ý nghĩa này đang chứa đựng nhiều thách thức, đến từ phía người trồng thanh long…