Tạo Điểm Nhấn Nông Thôn Mới
“Phong trào xây dựng NTM như luồng gió mới, góp phần đổi thay diện mạo các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, cải thiện cuộc sống và thúc đẩy KT - XH địa phương phát triển” - Đó là khẳng định của ông Lò Quang Chiêu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) sau 3 năm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, với đặc thù của Điện Biên, chương trình cần “điểm nhấn” và giải pháp đột phá để thành công.
Bước chuyển cơ cấu cây trồng, vật nuôiBước chuyển cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Tập trung xây dựng NTM, từ nguồn kinh phí của các chương trình, dự án trong và ngoài nước cùng chính sách hỗ trợ sản xuất của Chính phủ, của tỉnh, nhiều mô hình sản xuất, chuyển giao tiến bộ KHKT được thực hiện, giúp người dân nắm bắt kỹ thuật ứng dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ đó, bình quân lương thực toàn tỉnh đạt 444 kg/người/năm; năng suất cây trồng, vật nuôi tăng từ 20 - 30%, đặc biệt, cơ giới hóa nông nghiệp được áp dụng nhiều khâu trong quá trình sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.800 máy kéo các loại, 12 máy gieo sạ, 26 máy gặt đập liên hợp, 560 máy tuốt lúa có động cơ, hơn 4.000 máy chế biến lương thực, thức ăn gia súc…
Qua đó, giúp nông dân giải phóng sức lao động, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập. Các khâu dịch vụ đầu vào, đầu ra của sản phẩm trong nông nghiệp từng bước được xã hội hóa theo cơ chế thị trường với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, cơ bản đáp ứng yêu cầu về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bởi vậy, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 50,01% (năm 2010) xuống còn 35,22% (năm 2013).
Tại huyện nghèo Tủa Chùa, xác định mục tiêu quan trọng xây dựng NTM chính là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, vì vậy Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM huyện Tủa Chùa xây dựng quy hoạch NTM gắn với đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn.
Qua rà soát, xây dựng Đề án quy hoạch NTM theo phương châm mỗi xã lựa chọn 1 - 2 loại cây trồng, vật nuôi, sản phẩm là thế mạnh của vùng để phát triển sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa. Trên cơ sở đó, huyện hỗ trợ xây dựng thí điểm mô hình trồng cây sơn tra tại xã Trung Thu và Lao Xả Phình; hỗ trợ trên 25.000 giống cây ăn quả các loại (cam, chanh, bưởi, xoài) cho nông dân xã Mường Báng; tạo điều kiện thuận lợi cho hàng nghìn lượt hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất, chăn nuôi... góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân.
Tạo điểm nhấn để thành công
Dù đạt được kết quả khả quan trong xây dựng NTM, song do xuất phát điểm thấp, vốn đầu tư hạn hẹp, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn nên ảnh hưởng đến tiến độ từng nội dung, tiêu chí thực hiện.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn, Trưởng ban chỉ đạo chương trình nhấn mạnh: Một trong số giải pháp quan trọng cần thực hiện đó là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể; hoạt động của ban chỉ đạo các cấp, nhất là cấp huyện, xã.
Cùng với đó là xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; khuyến khích, tạo điều kiện liên doanh, liên kết, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất theo hướng hàng hoá, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm nông - lâm nghiệp theo ưu thế từng vùng, từng địa phương.
Đặc biệt là tăng cường huy động nguồn lực cho các xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên... Đây chính là cơ sở để trung tuần tháng 9 vừa qua, Văn phòng điều phối tham mưu cho Ban chỉ đạo chương trình kế hoạch đẩy mạnh triển khai thực hiện giai đoạn 2014 - 2015.
Theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, trong số 19 tiêu chí của chương trình, Văn phòng điều phối xác định, bên cạnh việc hoàn thiện những tiêu chí, nội dung cần có kinh phí, thì chú trọng tổ chức, hướng dẫn người dân “xắn tay” thực hiện phần việc, nội dung liên quan đến phong tục tập quán, vệ sinh môi trường... bằng những việc làm cụ thể. Tập trung triển khai thực hiện trọng điểm một số tiêu chí ở cơ sở đó là xây dựng đường ngõ thôn bản sạch và không lầy lội vào mùa mưa; chỉnh trang khu dân cư, cơ bản xóa nhà tạm, dột nát, nâng cao thu nhập cho người dân; phát động phong trào xây dựng khu dân cư xanh - sạch - đẹp thông qua việc chất thải, nước sinh hoạt cơ bản được thu gom và xử lý...
Để tổ chức thực hiện hiệu quả, căn cứ từng nội dung, tiêu chí, ban quản lý cấp xã phân công cho từng cán bộ hoặc tổ chức đoàn thể phối hợp với ban quản lý thôn bản tổ chức cho các gia đình lao động tu sửa, bảo dưỡng đường trong thôn bản; khơi thông cống rãnh thoát nước, đắp nền đường để đảm bảo không lầy lội vào mùa mưa. Mục tiêu đặt ra trước mắt, tu sửa nền đường, khi có điều kiện vận động các hộ gia đình đóng góp hoặc kêu gọi các tổ chức, cá nhân từ bên ngoài hỗ trợ để cứng hóa mặt đường đảm bảo đạt chuẩn theo tiêu chí. Trường hợp nền đường chưa đạt chuẩn hoặc phải điều chỉnh hướng tuyến cho phù hợp với quy hoạch, thì vận động các gia đình hiến đất mở rộng mặt đường đảm bảo kích thước theo quy định...
Hay để thực hiện hiệu quả nội dung nâng cao thu nhập người dân, UBND xã phối hợp với phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, trạm khuyến nông - khuyến ngư cấp huyện tổ chức vận động nông dân tận dụng tối đa diện tích đất sản xuất thâm canh tăng vụ; hướng dẫn lựa chọn cây màu phù hợp gieo trồng trên đất ruộng 1 vụ; cải tạo vườn tạp trồng cây có giá trị kinh tế cao... Quan điểm thực hiện, gia đình cán bộ, đảng viên làm trước để người dân làm theo; đồng thời, chính quyền địa phương lựa chọn thôn bản, hộ gia đình xây dựng mô hình mẫu để rút kinh nghiệm, tạo hiệu ứng để nhân rộng.
Như vậy, với cách tạo "điểm nhấn", xác định nội dung, tiêu chí để triển khai thực hiện cùng giải pháp tổ chức thực hiện sát thực, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương trong xây dựng NTM. Đó là cơ sở để chúng ta tin tưởng 20 xã được lựa chọn thực hiện thí điểm sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM vào cuối năm 2015 theo Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 07/7/2011 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra.
Nguồn bài viết: http://www.baodienbienphu.com.vn/kinh-t%E1%BA%BF/t%E1%BA%A1o-%E2%80%9C%C4%91i%E1%BB%83m-nh%E1%BA%A5n%E2%80%9D-n%C3%B4ng-th%C3%B4n-m%E1%BB%9Bi
Có thể bạn quan tâm
Hạn chế đẻ nhánh vô hiệu bằng cách bón phân đạm sớm, bón tập trung: Phân urê thường được bón lót sâu với lượng 30-50% (tổng lượng bón cho lúa vụ xuân 6-12kg/sào Bắc bộ 360m2) cho lúa trước khi cấy và bón thúc sớm 60-40% lượng đạm sau cấy 15-20 ngày khi lúa bén rễ hồi xanh. Tuy nhiên với những loại đất cát pha, đất cát khả năng giữ phân kém chỉ nên bón lót 20-30%, bón thúc lần 1 khoảng 50-60% chia làm 2 lần cách nhau 4-5 ngày để tăng hiệu quả của phân bón. Nên bón đạm sớm kết hợp với phân kali (tỷ lệ 2đạm/1kali).
Khoảng tháng chạp, tháng giêng, nguồn cá giống bống tượng và cá sặc bổi từ khai thác tự nhiên khá nhiều, cũng là lúc những hộ dân có thâm niên nghề sản xuất cá giống bước vào vụ mới. Nhiều người nuôi hiện đã rất thành công trong việc nuôi cá bống tượng kết hợp với nuôi cá sặc bổi.
Sả là một trong những gia vị phổ biến nhất ở Việt Nam, Malaysia, Thái Lan. Cũng giống như gừng, nghệ, tỏi, sả không những được dùng để tăng thêm sự đậm đà và ngon miệng cho món ăn, nó còn được dùng như thuốc để điều trị. Dưới đây chúng ta cùng khám phá những tác dụng vô cùng độc đáo của loại gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn này.
Bất ổn trước hết là ở chỗ nhiều giống lúa có sự gia tăng đột biến về diện tích ở nhiều địa phương. Các giống IR50404, OM576 chiếm tỷ lệ rất cao tại nhiều tỉnh như: Đồng Tháp 43,6%, Trà Vinh: 40%, Tiền Giang: 31%, Vĩnh Long: 30 %, An Giang: 27%, Hậu Giang 20%. Giống lúa thơm Jasmine 85 cũng chiếm đến 40 % tại Cần Thơ, khoảng 20 % tại Tiền Giang...
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp thì nhu cầu sản phẩm rau quả sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Việt Nam ngày một gia tăng. Tuy nhiên hiện người sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn này đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ. Bởi các sản phẩm VietGAP chưa có nhãn hiệu (logo) khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường.