Người Trồng Cao Su Tìm Cách Vượt Khó
Mùa cạo mới, nỗi lo cũ!
Mùa khai thác mới đã bắt đầu với những người trồng CS. Tuy nhiên, năm nay họ bước vào mùa cạo mới với nhiều lo toan về giá cả, thị trường tiêu thụ...
Nỗi lo về giá
3 năm nay, giá mua mủ CS liên tục xuống thấp đã gây tâm lý lo lắng cho nhiều gia đình trồng CS. Nếu như năm ngoái mủ CS đầu mùa có mức giá trên dưới 600 đồng/độ và kết thúc mùa cạo với mức giá trên dưới 400 đồng/độ thì bắt đầu mùa cạo năm nay, giá bán mủ CS chỉ ở mức 300 đồng/độ. Theo dự đoán của nhiều người, trong tình hình hiện nay, giá mua mủ CS rất khó nhích lên.
Ông Trịnh Hùng, ngụ ấp 4, xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, cho biết bên cạnh những nỗi lo về bệnh tật của cây CS, nay còn lo giá cả thất thường.
Trong tình hình hiện nay, với những người có diện tích CS ít, lợi nhuận từ vườn cây sẽ phải chia đôi cho người cạo thuê, vì giá mủ xuống thấp nhưng giá công thuê cạo không giảm. Còn đối với gia đình có thể tự cạo thì bảo đảm được lợi nhuận nhiều hơn.
Ông Nguyễn Văn Tàu, ngụ tại ấp Đồng Trai, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng thì chia sẻ với mức giá hiện tại nhiều gia đình trồng CS khi bắt đầu mùa cạo mới không dám mạnh tay bón phân cho vườn cây vì chưa biết giá cả sẽ dừng ở mức nào.
“Nếu đầu tư quá tay, giá cứ thấp đến cuối mùa cạo, lợi nhuận thu về sẽ chẳng được bao nhiêu. Gia đình tôi cũng vậy, tuy diện tích CS không nhiều nhưng khi giá mua mủ xuống thấp tôi cũng phải tính toán chuyện đầu tư vào vườn cây sao cho thật hợp lý”, ông Tàu nói.
Nhiều khó khăn khác
Bên cạnh việc giá bán mủ CS xuống thấp, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật dùng cho cây CS luôn ở mức cao. Chính điều này đã bắt buộc người trồng CS trong tình hình giá cả như hiện nay cần có sự tính toán sản xuất hợp lý.
Không riêng gì các chủ vườn CS, ngay cả những người đi cạo thuê cũng tỏ ra lo lắng không kém. Chia sẻ nỗi lo lắng chung với các chủ vườn, người cạo thuê cũng phải chịu những thiệt thòi nhất định. Gia đình ông Đinh Văn Tiện, xã Phước Sang, huyện Phú Giáo đã có thời gian gần 10 năm làm nghề cạo CS thuê.
Ông cho biết làm nghề cạo mủ thuê tuy vất vả nhưng thu nhập ổn định; từ nghề cạo CS thuê mà gia đình ông đã có cuộc sống ổn định. Mùa cạo năm nay giá bán mủ thấp, tuy giá công cạo thuê không giảm nhưng ông cũng có những lo lắng. “Ngay từ đầu mùa cạo, chủ vườn mà tôi cạo thuê đã nói rằng cuối năm nay sẽ không có thưởng do giá mủ đang thấp, dù chưa biết từ đây đến cuối mùa giá bán mủ có lên xuống như thế nào”, ông Tiện bày tỏ.
Theo thông lệ các năm trước đây, đến thời điểm cuối mùa cạo, người cạo thuê sẽ được thưởng một tháng lương hoặc là chủ vườn cho vài cữ cạo để có tiền tiêu xài dịp tết. Đây là điều mà nhiều người cạo thuê thường trông đợi vào dịp cuối năm. Với tình hình khó khăn hiện nay, nhiều người cạo mủ thuê sẽ không có được khoản thưởng này.
Ông Trần Công Quang, Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Phú Giáo, cho biết An Bình là một trong những địa phương có diện tích trồng CS lớn. Ngoài cây CS, An Bình còn có một số diện tích đất trồng tiêu và các loại cây trồng khác. Nếu đem so sánh về độ ổn định trong thời gian gần đây thì cây CS vẫn là hơn cả vì CS ít bệnh tật, khả năng cho thu hoạch lâu dài. Bên cạnh đó, ngoài việc mang lại nguồn thu nhập cho người dân, cây CS còn góp phần giải quyết một số lượng lớn lao động nông thôn.
Trước đây, đã có thời điểm giá mủ CS xuống thấp và người trồng CS vội vàng chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác như điều, tiêu, nhưng hiệu quả mang lại không cao. Không ít gia đình đã rơi vào cái vòng luẩn quẩn trồng - chặt - trồng để rồi thu nhập không ổn định, cuộc sống bấp bênh.
Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, người trồng CS cần hết sức bình tĩnh, tính toán các mặt lợi - hại để tránh các hệ quả không như mong muốn.
LTS: Hiện nay, diện tích cây cao su (CS) ở Bình Dương là trên 130.000 ha, trong đó diện tích CS tiểu điền chiếm trên 60%. Cây CS trong thời gian qua đã được xác định là một trong những loại cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp của tỉnh.
Từ cây CS người nông dân đã có đời sống ổn định, nhiều gia đình còn vươn lên làm giàu. Thời gian gần đây, CS liên tục rớt giá đã làm nhiều gia đình gặp không ít khó khăn; các địa phương và chủ vườn đã và đang xây dựng các mô hình kinh tế phụ trợ khác để vượt qua khó khăn trước mắt.
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về khối lượng xuất khẩu gạo nhưng giá trị đem về rất thấp, chủ yếu là xuất thô, tỉ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu chỉ chiếm vài phần trăm. Để nâng cao giá trị, việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia là rất cần thiết nhưng rất chông gai.
Việc Việt Nam trúng thầu cung cấp 450.000 tấn gạo loại 25% tấm cho Philippines chưa có tác động đáng kể lên giá lúa gạo trên thị trường nội địa, nhưng các chuyên gia cho rằng thương vụ này sẽ tạo ra lực nâng đáng kể cải thiện việc giữ giá xuất khẩu.
Xuất khẩu nông sản 8 tháng của Việt Nam chỉ đạt 19,3 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ. Thực tế này đòi hỏi phải có nhiều giải pháp cơ cấu lại sản xuất và thị trường tiêu thụ để mở rộng tiêu thụ và nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản.
Do biến đổi khí hậu, nắng hạn bất thường nên trong niên vụ cà phê 2014 - 2015, nông dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) gặp rất nhiều khó khăn phát triển các loại cây trồng.
Việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới biên độ tỷ giá ngoại tệ lên +/- 3% và tăng tỷ giá thêm 1% khiến thị trường phân bón xác lập mặt bằng giá mới với xu hướng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong nước.