Tặng mái ấm nhận bình yên xã hội

Từ đồng cảm đến sẻ chia
Theo lãnh đạo Hội ND xã Phước Ninh, do khó khăn về chỗ ở, những năm 1980, nhiều hộ dân trong đảo Suối Nhím và một số nơi khác đã đến cất nhà tạm bợ ven rừng Lịch sử khu vực tiểu khu 65 để sinh sống.
Họ làm thuê theo thời vụ, đánh bắt cá nên thu nhập bấp bênh.
Tại đây thường xảy ra vấn nạn trộm cắp, gây rối, trẻ em thất học, lêu lổng...
Đặc biệt, việc các hộ dân ở cạnh rừng còn tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng.
Các nhà hảo tâm, đại diện chính quyền, Hội ND xã Phước Ninh trao quà cho các hộ dân được nhận nhà “Mái ấm nông dân”.
Giải quyết tình trạng đó, năm 2014, Hội ND xã đã đề ra giải pháp tạo công ăn việc làm, nơi ở ổn định cho các hộ dân.
Hội đã tập trung thực hiện chương trình xây tặng nhà “Mái ấm nông dân” trên khu vực tái định cư thuộc ấp Phước An.
Chương trình nhanh chóng được triển khai và được cán bộ, hội viên, ND và các Mạnh Thường Quân trong xã ủng hộ, đóng góp kinh phí.
Bà Lâm Thị Có - Phó Chủ tịch Hội ND xã Phước Ninh cho biết: “Chỉ trong 1 năm, Hội ND đã vận động được 450 triệu đồng.
Nhờ số tiền này, cùng với sự đóng góp công sức của hội viên, ND địa phương, Hội ND xã đã xây dựng được 14 căn nhà để tặng cho hộ nghèo, mỗi căn trị giá 30 triệu đồng”.
Có nhà mới an toàn, nhiều hộ đã di dời khỏi đất rừng tiểu khu 65.
Hiện nay, khu tái định cư ấp Phước An đã trở thành khu dân cư kiểu mẫu tại xã.
Những hộ được tặng nhà đã có cuộc sống ổn định, nhiều hộ đã thoát nghèo.
Cũng nhờ đó, tình hình xã hội ở Phước Ninh ngày càng yên bình, trật tự.
Nâng cao đời sống nông dân
Theo bà Lâm Thị Có, sau khi người dân chuyển vào ở trong các nhà “Mái ấm nông dân”, chính quyền tỉnh có hỗ trợ thêm một khoản kinh phí để giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống.
Số tiền này, Hội ND xã đã tổ chức khoan giếng, kéo điện, hoàn thiện một số cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Bây giờ, các nhà “Mái ấm nông dân” đã đầy đủ các vật dụng thiết yếu.
Ngoài việc trao nhà, Hội ND xã còn chủ động đề xuất với Ngân hàng Chính sách xã hội cho các hộ dân vay chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Nhờ được vay nguồn vốn này, các hộ dân đã xây dựng công trình phụ đảm bảo tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Để hỗ trợ các hộ dân có vốn sản xuất, Hội ND xã đã ủy thác giúp các hộ vay vốn với số tiền từ 10 – 20 triệu đồng/hộ đầu tư phát triển sản xuất.
Hiện nay, Hội ND Phước Ninh đang vận động các nhà hảo tâm đóng góp tiền xây dựng hơn 1km đường giao thông vào khu vực các mái ấm.
“Thời gian tới, Hội ND xã vẫn tiếp tục vận động xây dựng chương trình “Mái ấm nông dân”.
Đến cuối năm 2015, dự kiến Hội sẽ thực hiện xong để góp phần hoàn thành tiêu chí về nhà ở trong xây dựng nông thôn mới” - bà Có cho hay.
Ông Lê Văn Hiệp - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Tây Ninh đánh giá: “Mái ấm nông dân” tại xã Phước Ninh là chương trình thiết thực đối với ND nghèo.
Hội ND tỉnh sẽ tuyên truyền, biểu dương để nhân rộng cách làm ở Phước Ninh ra các địa phương khác.
Những năm qua, Hội ND xã Phước Ninh đã phối hợp vận động hỗ trợ 5 máy chẻ nhang; 25 máy phun xịt; 130 máy xe nhang để trao tặng cho hàng trăm hộ ND nghèo.
Hội còn vận động các nhà hảo tâm và hội viên, ND đóng góp sửa chữa, xây dựng 2 cầu xi măng để thay 4 chiếc cầu tạm, với tổng kinh phí 139 triệu đồng...
Có thể bạn quan tâm

Phải thuyết phục nhiều lần, chị Thắm (một tiểu thương chuyên kinh doanh trái cây ở chợ đầu mối Bình Điền, TP HCM) mới cho tôi tháp tùng nhóm người làm công của chị xuống Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) và Cái Mơn (tỉnh Bến Tre) để thu mua sầu riêng, chuối, mít chở lên TP HCM bán.

Huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) có diện tích nuôi nghêu khoảng 2000 ha, tập trung ở các cồn Vạn Liễu, cồn Ông Mão, ấp Cây Bàng, Cầu Muống và Tân Phú thuộc xã Tân Thành, hàng năm ngư dân thu hoạch từ 20.000 - 30.000 tấn nghêu thương phẩm đem lại lợi nhuận rất lớn cho ngư dân vùng biển, riêng Ban Quản lý cồn bãi trực thuộc UBND huyện, quản lý, nuôi và khai thác 350 ha thuộc khu vực cồn Ông Mão, hàng năm từ nguồn thu hoạch nghêu, thu về cho ngân sách huyện chiếm gần 50%.

Phòng Kinh tế hạ tầng và Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Đồng Xuân (Phú Yên) vừa phối hợp tổ chức tổng kết mô hình chăn nuôi heo rừng lai tại xã Xuân Quang 3 và thị trấn La Hai.

Năm 2013, toàn tỉnh Nam Định có 486ha nuôi tôm chân trắng, tăng 188ha so với năm 2012, hình thành nhiều vùng nuôi tập trung tại các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Các vùng nuôi cơ bản đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật như hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Phát biểu tại buổi làm việc với Đảng uỷ và UBND xã Gung Ré (huyện Di Linh - Lâm Đồng) mới đây, TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh đã cải tạo vườn cà phê (ghép chồi hoặc trồng tái canh) bằng các giống cà phê đầu dòng được 18.000 ha. Đây là một “tín hiệu” rất đáng mừng. Bảo Lâm là địa phương đi đầu, có phong trào cải tạo vườn cà phê khá nhất. Di Linh và các địa phương khác cần học kinh nghiệm của Bảo Lâm để từng bước nâng cao hiệu quả canh tác cà phê.