Tăng Cường Quản Lý Quy Hoạch Vùng Nuôi Trồng Thủy Sản Ở Phú Yên
Tình hình dịch bệnh tại các vùng nuôi trồng thủy sản, nhất là tôm sú, tôm thẻ chân trắng và tôm hùm trên địa bàn tỉnh Phú Yên diễn ra từ nhiều năm qua và hiện vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tái diễn nếu không có giải pháp phòng, chống hiệu quả.
TỪ HẬU QUẢ THỰC TẠI…
Những năm gần đây, do buông lỏng quản lý nên việc nuôi trồng thủy sản ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh mang tính tự phát, thậm chí còn có một số trường hợp người ngoài tỉnh, người nước ngoài đến Phú Yên nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có doanh thu mỗi năm hàng tỉ đồng nhưng không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, không nộp phí môi trường; tự do nhập cá giống, thức ăn, xuất bán và xả thải gây ô nhiễm môi trường; người lao động làm việc không được ký hợp đồng lao động, không có bảo hiểm y tế… Thực trạng trên đã làm cho nguồn nước vùng nuôi bị ô nhiễm, như khu vực Vũng Rô trong năm 2012, có ít nhất 100.000 con tôm hùm thương phẩm bị chết và hiện vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ nếu không có giải pháp hữu hiệu.
Theo Sở NN-PTNT, sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2012 đạt hơn 7.930 tấn, giảm 20,4% so với năm 2011. Tình hình dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản, nhất là tôm sú, tôm thẻ diễn biến phức tạp làm mất trắng 66 ha và 43% diện tích trong số gần 2.500 ha toàn tỉnh buộc phải thu hoạch sớm. Ngoài ra, còn có hơn 7.550 lồng tôm hùm bị bệnh với số lượng khoảng 500.000 con (trọng lượng từ 0,4 - 0,7 kg) cũng bị chết, trong khi đó giá tôm hùm giảm nên phần lớn các hộ nuôi đều lỗ, ảnh hưởng đến việc tái đầu tư. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp tỉnh trong năm qua chỉ đạt 1,7%, trong khi mục tiêu đề ra là 4%.
Số liệu thống kê mới nhất của UBND tỉnh cho thấy, từ đầu năm 2013 đến nay, ngư dân thả nuôi các đối tượng thủy sản được 700 ha (giảm 4,1%) và 4.000 lồng bè, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Riêng vụ 1 trong tháng 2 vừa qua, thả nuôi được 2.900 lồng bè (tăng 44,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tôm hùm 2.700 lồng, tăng 45,2%). Trước tình hình nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh thì việc ngăn chặn những tác nhân tiêu cực càng phải được quan tâm. Tại cuộc họp UBND tỉnh mở rộng cuối năm 2012, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương ven biển, ngay từ đầu năm 2013 cần thực hiện tốt công tác quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản, khắc phục tình trạng tự phát gây ô nhiễm môi trường; đồng thời tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản, nhất là đối với tôm nuôi và đẩy mạnh công tác kiểm dịch giống thủy sản…
… ĐẾN CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN
Trong quy hoạch lại vùng nuôi thủy sản, cùng với việc thu hồi gần 19ha do Trung đoàn Không quân 910 san ủi và nuôi tôm cao triều sai phép để bàn giao cho UBND xã Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa) quản lý, sử dụng… UBND tỉnh còn nghiêm cấm nuôi trồng thủy sản tại Vũng Rô do khu vực này đã được quy hoạch làm cảng biển tổng hợp. Theo đó, trước tháng 10/2013, gần 460 hộ dân và doanh nghiệp đang nuôi thủy sản với khoảng 2.000 lồng bè trái phép (chủ yếu là tôm hùm) phải di dời đến nơi khác trong vùng quy hoạch. Hiện nay, tỉnh cũng đã quy hoạch hai vùng nuôi tôm hùm tại Lao Mái Nhà và Hòn Chùa (Tuy An); vùng vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) tạo điều kiện thuận lợi cho các ngư dân có nhu cầu nuôi tôm hùm. Ngoài ra, trên địa bàn các huyện Tuy An, Đông Hòa và TX Sông Cầu, tỉnh cũng đã có quy hoạch vùng nuôi các loài thủy sản đến năm 2020. Vấn đề còn lại, chính quyền địa phương cần phải quản lý tốt vùng quy hoạch đó; đồng thời tổ chức cho người nuôi thực hiện các yêu cầu cần thiết trong phòng chống bệnh dịch, bảo vệ môi trường để bảo đảm cho vùng nuôi phát triển ổn định.
Mới đây, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương ven biển gồm huyện Đông Hòa, Tuy An, TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa, cần tăng cường công tác quản lý dịch bệnh nuôi trồng thủy sản ngay từ các khâu con giống, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn và quy hoạch lại vùng nuôi; đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở nhập con giống, nguyên liệu để sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản không đảm bảo chất lượng. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp nêu cao tính tự giác, kịp thời phát hiện, chủ động ngăn chặn mọi hành vi cố tình vi phạm những quy định của Nhà nước về nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản…
UBND tỉnh vừa ban hành quyết định mức hỗ trợ đối với những hộ nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh, thiên tai. Theo đó, tùy theo đối tượng nuôi, phương pháp nuôi và mức độ thiệt hại, mỗi hecta được hỗ trợ từ 5 - 50 triệu đồng. Riêng đối với các hộ nuôi tôm hùm bằng lồng bè, cứ 100 m3 lồng nuôi được hỗ trợ từ 7 - 10 triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm
Đến thăm trang trại chăn nuôi lợn ngoại thuộc quy mô nhất huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) của anh Trịnh Quốc Huy, sinh năm 1958, ở thôn 1 Bình Hòa, xã Cẩm Bình, mới thấy rõ được tiềm năng to lớn của đất đai vùng sơn cước khi được đầu tư đúng hướng.
Với ý chí làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, anh Trần Văn Lãng ở xóm 12, xã Kim Định (huyện Kim Sơn - Ninh Bình) đã đầu tư xây dựng mô hình trồng nấm linh chi đem lại hiệu quả kinh tế cao với trên 200 triệu đồng/vụ.
Vụ đông này, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) trồng được khoảng 90 ha ớt, tập trung ở 2 xã: Nguyên Giáp 35 ha, Hà Thanh 35 ha.
Khu chuyển đổi rộng 3.600 m2 của gia đình ông Đào Đình Tuy ở thôn An Cư, xã Nghĩa An (Ninh Giang - Hải Dương) được quy hoạch khá đẹp mắt.
Theo tin từ Hội đồng Khoa học công nghệ tỉnh, dự án "Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Hòa Lộc cho sản phẩm xoài cát, hỗ trợ quảng bá sản phẩm" do KS. Ngô Kỷ chủ nhiệm (Sở Khoa học và Công nghệ) chủ trì đã được nghiệm thu.