Tăng Cường Công Tác Quản Lý, Giám Sát Các Hoạt Động Nuôi Trồng Thủy Sản

Hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) những tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Nam Định tiếp tục phát triển. Nhiều vùng nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa như vùng cá diêu hồng, cá bống bớp, cá lóc bông; nhiều trang trại NTTS được thành lập.
Nhiều vùng nuôi đạt 100-200 triệu đồng/ha như xã: Hải Đông, Hải Lộc, Hải Châu (Hải Hậu); Nghĩa Bình, Nghĩa Thắng, Nam Điền (Nghĩa Hưng), Giao Xuân (Giao Thủy)…
Để bảo đảm ngành NTTS đạt hiệu quả, ngay từ những ngày đầu năm, Ban quản lý giống thủy sản của ngành NN và PTNT đã được kiện toàn, xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, xây dựng kế hoạch hoạt động.
Công tác quản lý sản xuất và cung ứng giống hải sản đi vào nề nếp và hoạt động có hiệu quả. Giống nhập vào địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát.
Sản xuất giống thuỷ sản tiếp tục phát triển nhanh, mạnh cả ở vùng nuôi nước ngọt và nước lợ. Tính đến hết tháng 6-2014, toàn tỉnh đã sản xuất được 6.656 triệu con giống các loại; trong đó 5.233 triệu con giống mặn lợ và 1.423 triệu con giống nước ngọt.
Ngoài các đối tượng con nuôi truyền thống, các cơ sở sản xuất giống thủy sản đã sinh sản nhân tạo được nhiều đối tượng mới như cá rô đồng, cá trôi Trường Giang, cá chép chọn giống, cá lăng chấm, cá sủ đất, hàu, tu hài... đáp ứng nhu cầu của người nuôi trong tỉnh và giảm áp lực khai thác nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên, làm đa dạng hoá thành phần loài trong nuôi thuỷ sản. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thả nuôi 15.567ha; trong đó diện tích nuôi mặn lợ 6.159ha, diện tích nuôi nước ngọt 9.408ha.
Các đơn vị trực thuộc Sở NN và PTNT phối hợp với các địa phương tăng cường tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân, ngư dân về các đối tượng nuôi mới, quy trình kỹ thuật nuôi thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá bảo đảm hiệu quả và bền vững. Công tác thú y thuỷ sản đi vào hoạt động ổn định, dịch bệnh tôm sú được kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả.
Sản lượng NTTS 6 tháng đầu năm ước đạt 32.637 tấn, đạt 51,4% kế hoạch, tăng 11,6% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng thuỷ sản nước ngọt đạt 15.740 tấn, nuôi mặn lợ 16.897 tấn. Bên cạnh những kết quả đạt được, NTTS của tỉnh vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Số hộ, số trang trại, những mô hình nuôi tiên tiến đạt hiệu quả kinh tế cao chưa nhiều.
Diện tích nuôi mặn lợ rất lớn nhưng giá trị sản lượng chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng. Sản xuất còn phân tán, nhỏ lẻ chưa tạo được các vùng nguyên liệu lớn, tập trung, chất lượng sản phẩm thủy sản còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, phần lớn sản phẩm chỉ tiêu thụ nội địa.
Công tác tổ chức, chỉ đạo sản xuất, công tác quản lý thực hiện quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức. Sản xuất giống phát triển nhanh, mạnh nhưng chủ yếu ở một số giống chủ lực như ngao, cá truyền thống, còn lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu nuôi trong tỉnh.
Bên cạnh đó, trong vụ nuôi 1, dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn còn diễn biến phức tạp. Tại một số vùng nuôi xuất hiện tôm chết rớt đáy, chậm lớn (đối với tôm nuôi từ 35-60 ngày tuổi).
Nhiều hộ nuôi chưa thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng giống tôm nước lợ theo Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT của Bộ NN và PTNT, thiếu sự chia sẻ thông tin và phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong việc quản lý chất lượng giống tôm nước lợ, phòng trị bệnh và vật tư đầu vào trong NTTS.
Hiện nay, Ban quản lý giống thủy sản đang tăng cường chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng giống thủy sản cho nhu cầu nuôi trong tỉnh đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Trước mắt, tiến hành kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng việc nhập tôm bố mẹ và tôm sú giống, tôm thẻ chân trắng nhập vào tỉnh phục vụ nuôi vụ 2.
Từng bước kiểm soát chất lượng và kiểm dịch đàn cá bố mẹ, cua biển, lưỡng cư và nhuyễn thể 2 mảnh vỏ. Đồng thời hướng dẫn các cơ sở xây dựng thương hiệu, công bố tiêu chuẩn chất lượng con giống sản xuất, nhất là những loại giống nuôi như cua biển, ngao, cá bống bớp, cá song, cá vược…
Trong những tháng cuối năm, Sở NN và PTNT yêu cầu các địa phương tập trung phát triển đa dạng các đối tượng nuôi có giá trị cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu phù hợp với quy hoạch, điều kiện thổ nhưỡng và nguồn nước của từng vùng. Tiếp tục ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống và NTTS. Các đơn vị trực thuộc Sở phối hợp với các địa phương làm tốt công tác khuyến ngư, tập huấn kỹ thuật cho nông, ngư dân.
Hướng dẫn xây dựng vùng nuôi an toàn, mô hình nuôi sạch (BMP, GAP, CoC), nhân rộng mô hình HTX, tổ hợp tác NTTS theo cộng đồng để cùng nhau quản lý tốt sản xuất, quản lý môi trường đảm bảo chất lượng, ATVSTP. Phòng xét nghiệm và chẩn đoán bệnh thủy sản tiếp tục xét nghiệm, phát hiện sớm mầm bệnh cho giống thủy sản và sản phẩm thủy sản.
Vận động, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh giống thủy sản, cơ sở NTTS, cơ sở thu mua, vận chuyển thủy sản chủ động phối hợp với Phòng thu mẫu xét nghiệm bệnh nhằm phát hiện, ngăn chặn và phòng, chống dịch bệnh. Phòng NTTS phối hợp với Chi cục Thú y tăng cường giám sát vùng nuôi, nắm chắc các thông tin về tình hình nuôi trồng, dịch bệnh.
Thu mẫu định kỳ xét nghiệm để quản lý vùng nuôi, hằng tháng có thông báo cho Phòng NN và PTNT các huyện để cùng phối hợp chỉ đạo và giám sát các vùng nuôi thực hiện thu mẫu môi trường nuôi và thủy sản nuôi xét nghiệm miễn phí cho người dân trong những tháng cao điểm dễ bùng phát dịch bệnh. Quản lý tốt thức ăn, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường nuôi thủy sản. Phổ biến, tập huấn cho người nuôi về quy định và hướng dẫn sử dụng thức ăn, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường nuôi thủy sản.
Trực tiếp kiểm tra cơ sở kinh doanh thức ăn, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường thủy sản trong toàn tỉnh, yêu cầu các chủ cửa hàng kinh doanh cam kết không kinh doanh các hàng hóa phục vụ NTTS không rõ nguồn gốc, không công bố chất lượng, hàng cấm lưu thông, không có tên trong danh mục lưu hành của Bộ NN và PTNT.
Có thể bạn quan tâm

Hiện có một nghịch lý đang diễn ra là trong khi giá các loại thực phẩm từ thịt lợn, gà, trứng… xuất chuồng đều giảm mạnh nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao. Nguyên nhân là các loại thực phẩm đã qua rất nhiều khâu trung gian mới có mặt trên thị trường.

Theo UBND huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, từ tháng 2-2013 đến nay, nghêu nuôi ở khu vực biển Tân Thành có hiện tượng chết bất thường trên diện rộng, gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho người dân nuôi nghêu. Theo nhiều người dân nuôi nghêu ở huyện Gò Công Đông, năm 2013, hoạt động nuôi nghêu của bà con ven biển Tân Thành gặp nhiều khó khăn do nghêu ốm, nhiều cát, giá nghêu sụt giảm mạnh trong khi nghêu nuôi các tỉnh phía Bắc liên tục đổ vào Nam với giá cả rẻ hơn cả nghêu nuôi tại địa phương. Trong vài tháng nay, giá nghêu thương phẩm chỉ ở mức 19.000-21.000 đồng/kg, giảm 10.000-12.000 đồng/kg so với thời điểm này năm ngoái. Đến khi nghêu chết, thương lái không mua hoặc mua với số lượng ít, nên người nuôi nghêu khó có thể thu hoạch để chạy bệnh.

Năm ngoái, nghêu nuôi khu vực ven biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) không có tình trạng chết hàng loạt như năm 2010 và 2011 nhưng niềm vui đó chưa trọn vẹn do nghêu giá thấp, khó tiêu thụ. Giờ đây, nghêu nuôi lại chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân khiến hàng trăm tỷ đồng của nông dân trôi theo bọt nước.

Huyện Bá Thước (Thanh Hóa) có diện tích đất tự nhiên 77.500 ha, chủ yếu là rừng và đất rừng, chỉ có hơn 10.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Hầu hết diện tích đất đều có độ dốc lớn, việc canh tác và cải tạo đất gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hàng nghìn hộ dân trong việc phát triển kinh tế.

Lý do duy nhất để Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thay đổi hẳn mức thuế chống bán phá giá (CBPG) philê cá tra đông lạnh của Việt Nam trong quyết định chính thức của đợt rà soát hành chính lần thứ 8 (POR8) giai đoạn 1/8/2010 - 31/7/2011, là việc chọn Inđônêxia làm nước thay thế thay vì Bănglađét đã chọn khi đưa ra mức thuế sơ bộ.