Tăng cường các dịch vụ làm bà đỡ cho nông dân
Một trong những nguyên nhân là việc cung cấp các dịch vụ về kinh doanh nông nghiệp bền vững cho nông dân còn thiếu và yếu...
Đó là nhận định của hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm của các tổ chức trong việc cung cấp dịch vụ kinh doanh nông nghiệp bền vững cho nông dân” hôm 28.9. Hội thảo do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tổ chức tại Hà Nội, với sự tài trợ của Liên minh chiến lược tập thể Bỉ (CSA).
Hạn chế “bao cấp”
Theo tham luận của các đại biểu tại hội thảo, các tổ chức cung cấp dịch vụ về kinh doanh nông nghiệp ở Việt Nam tuy đã có, nhưng số lượng chưa nhiều, loại hình chưa đa dạng và chất lượng hoạt động còn hạn chế.
Những năm gần đây, một số tổ chức như Hội NDVN, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã đẩy mạnh các hoạt động cung cấp dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề cho thành viên, hội viên, ND.
Riêng về vốn, bên cạnh nguồn tín dụng thương mại và tín dụng chính sách, các tổ chức đều đã xây dựng các “kênh” cung ứng vốn cho ND.
Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường (giữa) và đoàn công tác T.Ư Hội NDVN thăm mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm theo chuỗi giá trị ở thị xã Hồng Lĩnh do Hội ND tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ xây dựng.
Ông Nguyễn Doãn Hùng - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Quỹ HTND (T.Ư Hội NDVN) cho biết: “Sau 20 năm xây dựng, đến nay Quỹ HTND đạt quy mô hơn 1.700 tỷ đồng.
Nguồn vốn đã giúp hàng vạn ND vay phát triển sản xuất thông qua tín chấp”. Bà Hồ Thị Quý - Trưởng ban Hỗ trợ Phụ nữ phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho hay:
“Các hoạt động hỗ trợ của chúng tôi hướng tới khơi dậy chính nội lực của từng hội viên, từng tổ chức, cộng đồng, hạn chế “bao cấp”. Bởi bao cấp sẽ gây tâm lý trông chờ, ỷ lại”.
Nhân rộng HTX kiểu mới
"Việc cung cấp các dịch vụ kinh doanh nông nghiệp cho nông dân phải đảm bảo hạn chế tối đa khâu trung gian.
Sản xuất, kinh doanh của các tổ hợp tác, HTX càng qua nhiều khâu trung gian càng làm tăng giá khiến khả năng cạnh tranh của nông sản giảm...”.
Bà Victoria A.Serrato- chuyên gia marketing của AFA
Ý kiến các đại biểu đều khẳng định, quy mô, chất lượng các dịch vụ do các tổ chức cung cấp chưa đáp ứng được nhu cầu, yêu cầu của ND.
Để giải quyết những khó khăn của ND trong sản xuất nông nghiệp, đòi hỏi các tổ chức phải nâng cao số lượng, chất lượng, loại hình các dịch vụ. Chính sách của Nhà nước cần khuyến khích, hỗ trợ mạnh mẽ cho sự ra đời của các mô hình kinh tế tập thể, trước mắt nên tập trung vào tổ hợp tác, HTX kiểu mới.
Nhất trí cao với kiến nghị này, bà Victoria A.Serrato - chuyên gia marketing của Tổ chức Phát triển nông thôn bền vững châu Á (AFA) đã giới thiệu sự thành công ban đầu của các mô hình kinh tế tập thể tự nguyện ở một số nước như Philippines, Thái Lan, Campuchia...
“Bên cạnh cung cấp các dịch vụ “đầu vào, đầu ra” cho ND, các tổ chức ở các quốc gia này còn kết nối ND với các dòng tín dụng tốt; hướng dẫn ND sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối tổ, nhóm ND, tổ hợp tác, HTX với doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Các tổ chức này đã cung cấp dịch vụ đào tạo, huấn luyện các tổ, nhóm ND, HTX về giám sát nội bộ; xây dựng hệ thống chứng nhận nông sản, kỹ năng thương thảo, đàm phán, ký kết hợp đồng...
“Việc xây dựng, phát triển các tổ chức cung cấp dịch vụ kinh doanh nông nghiệp bền vững cho ND ở Việt Nam cũng nên đi theo xu hướng này…”-bà A.Serrato chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Từ một gia đình nông dân (ND) “chỉ lo đủ gạo ăn” ở vùng “khỉ ho cò gáy” tận Óc Eo (Thoại Sơn, An Giang), vợ chồng Nguyễn Quốc Hùng đã vươn lên thành “Vua lúa” với trang trại sản xuất lúa giống qui mô lớn.
Đó là một trong những nội dung tại văn bản vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành gửi Sở NN-PTNT và các địa phương có trồng cây chè trong tỉnh.
Việc cuối tuần qua Bộ Tài chính loan báo cắt bỏ 13 loại phí, lệ phí thú y vốn đổ lên đầu các sản phẩm chăn nuôi đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các DN cũng như người chăn nuôi cả nước.
Vừa qua, tại thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long đã tổ chức đại hội Đảng bộ lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Mỹ là thị trường đứng đầu, chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam nhưng lại sụt giảm mạnh nhất. Bên cạnh đó xuất khẩu tôm sang Nhật Bản và EU giảm lần lượt 18,6% và 15,2%...