Tái Cơ Cấu Ngành Tôm Bằng Mô Hình Nuôi Công Nghiệp
Xây dựng mô hình nuôi công nghiệp giữ một vai trò quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành thủy sản. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cần tập trung tuân thu quy hoạch, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi, thúc đẩy các mối liên kết trong sản xuất…
Rầm rộ phong trào nuôi công nghiệp
Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản được Bộ NN & PTNT phê duyệt đã nhấn mạnh mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng. Đề án này được kỳ vọng cải thiện cơ bản những bất cập của ngành thủy sản trong thời gian qua với hàng loạt các giải pháp như Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở vùng nuôi;
Liên kết và tổ chức theo chuỗi sản phẩm, nhất là chú trọng giải pháp ưu tiên phát triển sản xuất thâm canh, xây dựng mô hình nuôi công nghiệp áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. nhằm gia tăng sản lượng, cải thiện chất lượng, hạ thấp giá thành từ đó gia tăng khả năng cạnh tranh hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Mô hình nuôi công nghiệp ngày càng được khẳng định và chứng tỏ hiệu quả trong đề án tái cơ cấu ngành trong hoàn cảnhdịch bệnh xảy ra ngày càng phổ biến và có tích chất nguy hại ngày càng cao.
Theo số liệu báo cáo tại Hội nghị sơ kết nuôi tôm nước lợ 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2014 tổ chức tại Tp Hồ Chí Minh, bảy tháng đầu năm đã có trên 24.000 ha nuôi tôm bị thiệt hại chủ yếu do bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy ở 20 tỉnh thành ven biển, trong đó, Sóc Trăng và Trà Vinh là hai tỉnh có diện tích bị dịch bệnh lớn nhất, chiếm hơn 50%.
“Nông dân nuôi tôm theo hình thức hộ gia đình, qui mô nhỏ lẻ, không có hệthống cấp thoát nước riêng biệt, không có ao lắng, ao xử lý nước, đặc biệt là ý thức người nuôi còn nhiều hạn chế, tựý xả thải ra hệthống kênh rạch chung đã khiến dịch bệnh lây lan và ngày càng khó kiểm soát”, ông Lê Thành Trí – Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng giải thích nguyên nhân và cho biết: “Liên kết các hộ nhỏ lẻ, xây dựng mô hình nuôi công nghiệp, qui mô lớn hơn và khép kín, sử dụng nguồn nước một cách tiết kiệm sẽ là xu hướng phát triển của ngành tôm trong thời gian tới và là giải pháp quan trọng trong đề án tái cơ cấu ngành thủy sản”.
Không chỉ giúp gia tăng sản lượng, nuôi tôm công nghiệp còn giúp kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Chính vì thế, trong thời gian qua, mô hình nuôi công nghiệp đã phát triển rầm rộ trên phạm vi cả nước, nhất là ở các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh. Diện tích nuôi tôm của các tỉnh trên tăng lên nhanh chóng kể từ 2011. Cụ thể, theo thống kê của UBND tỉnh Trà Vinh, tính đến tháng 4/2014, diện tích thả nuôi tôm trên địa bàn tỉnh này là 16.861 ha (tăng bình quân 65,7%/năm) trong đó chủ yếu là tự phát. Riêng diện tích nuôi tôm chân trắng là 3.617 ha, bằng 411% so với quy hoạch.
Phong trào phát triển nuôi tôm công nghiệp tại Cà Mau cũng diễn ra sôi động không kém. Giá tôm duy trì ở mức tương đối cao và ổn định, đồng thời hiệu quả từ mô hình nuôi công nghiệp mang lại đã thúc đẩy người dân không ngừng mở rộng diện tích. Qua rà soát từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp của Cà Mau tăng rất nhanh, vượt qua kế hoạch 7.000 ha đã đề ra cho năm 2014. Chỉ trong quý 1, diện tích nuôi tôm công nghiệp đã được mở rộng đến 7.466 ha, tăng 1.474 ha so với cuối năm 2013.
Những điều cần lưu ý
Mô hình nuôi công nghiệp đã khẳng định vai trò trong việc ổn định và gia tăng sản lượng tôm nguyên liệu phục vụ cho XK và hiệu quả trong quản lý, phòng tránh dịch bệnh. Tuy nhiên, tình trạng phát triển quá nóng đã phát sinh những bất cập và tiềm ẩn nhiều rủi ro và chưa thật sự mang tính bền vững.
“Hầu hết các tỉnh thực hiện sản xuất, phát triển nuôi tôm công nghiệp không đúng quy hoạch, người dân tựý chuyển đổi diện tích nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản nhưng lại không đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi nên tình trạng môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh xảy ra thường xuyên.
Do hộ nuôi nhỏ lẻ nhiều, không chú trọng công tác xử lý nước đầu nguồn, xử lý nước thải càng làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng. Ngoài ra, qua kiểm tra thực tếtại các tỉnh có tình hình dịch bệnh xảy ra thường xuyên như Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu thì hầu như 100% cơ sở nuôi nhỏ, lẻ không có ao lắng, không xử lý ao nuôi”, ông Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết.
Chính vì thế, phát triển nuôi tôm công nghiệp một cách ổn định và bền vững, cần có sự kiểm soát việc tuân thủ qui hoạch nuôi, đồng thời phải gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi như: hệ thống thủy lợi, cấp thoát nước chuyên biệt nhằm đảm bảo nguồn nước đầu vào đáp ứng yêu cầu cho sản xuất, lượng nước đầu ra đảm bảo an toàn cho môi trường. Ngoài ra, cần phải tăng cường đầu tư mới cũng như cải tạo lưới điện hiện có nhằm cung cấp điện năng đầy đủ phục vụ cho nhu cầu sản xuất của người dân, tránh tình trạng thiếu hụt điện như đã xảy ra tại nhiều địa phương trong thời gian qua.
Song song với đó, mô hình nuôi công nghiệp chỉ thật sự phát huy hiệu quả bền vững khi các mô hình liên kết trong sản xuất được xây dựng và phát huy tác dụng, nhất là liên kết ngang. Các hộ nuôi nhỏ lẻ phải được tập hợp lại và thành lập các tổ hợp tác nuôi với qui mô công nghiệp từ đó dễ dàng kiểm soát được dịch bệnh cũng như áp dụng các thành tựu, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Phát triển mô hình nuôi công nghiệp chỉ là bước đi đầu tiên, tạo tiền đề thuận lợi cho việc tái cơ cấu ngành thủy sản đi đến thành công. Bên cạnh việc xây dựng mối liên kết ngang, mối liên kết dọc cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Tổng cục Thủy sản cần song hành cùng các tỉnh tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ; trong đó, doanh nghiệp thu mua, chế biến đóng vai trò hạt nhân của các mối liên kết của chuỗi sản phẩm.
Ngành tôm cũng cần thí điểm nhân rộng mô hình người nuôi, người cung ứng vật tư và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ cùng góp cổ phần nhằm tạo mối liên kết hữu cơ chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ.
Nguồn bài viết: http://vietfish.org/20141125084855104p48c54/tai-co-cau-nganh-tom-bang-mo-hinh-nuoi-cong-nghiep.htm
Có thể bạn quan tâm
Vụ Mùa 2015, lần đầu tiên Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội (Hội Nông dân TP) thực hiện mô hình trên cây lúa giống phân bón NPK chứa silic và vi lượng dạng chelate (NPKSilic).
Theo lãnh đạo HTX hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng), ở vụ hành sớm năm 2015 có 18 hộ trồng hành tím là thành viên của HTX tham gia mô hình trồng cà chua xen hành tím với tổng diện tích hơn 2,8 ha được Công ty TNHH MTV T16 Việt Nam ký hợp đồng bao tiêu.
Theo kế hoạch trong vụ mía 2015 - 2016 này, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) sẽ chấm khoảng 350 rẫy mía của những hộ dân đăng ký trở thành thành viên Câu lạc bộ trồng mía đạt 200 tấn/ha (CLB 200) do Casuco sáng lập.
Những ngày này, người dân nhiều xã ở huyện miền núi Pác Nặm (Bắc Kạn) đang vào vụ thu hoạch gừng. Sau gần ba năm đưa vào trồng thử nghiệm và phát triển trên diện rộng, cây gừng đã từng bước khẳng định được giá trị kinh tế và mang lại cho người nông dân nguồn thu đáng kể.
Mặc dù điều kiện canh tác gặp nhiều khó khăn do hạn hán song lạc L14 qua phục tráng cho năng suất thực tế đạt 22,23 tạ/ha, tăng 4,5 tạ/ha so với giống lạc L14 sản xuất đại trà.