Hợp tác xã kiểu ông Ân đoạt giải Nhất cuộc thi viết Tự hào Nông dân Việt Nam
Sau thời gian trao đổi, đánh giá khách quan, công tâm, Ban tổ chức đã quyết định trao giải Nhất cho tác phẩm “Hợp tác xã kiểu ông Ân”, của tác giả Trần Văn Việt (Hà Nội).
Cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam” là một hoạt động nằm trong tổng thể Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Báo NTNN tổ chức.
Đây cũng là hoạt động hướng tới Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (1930-2015). Trước khi bước vào chấm chung khảo, Ban tổ chức đã dành 1 phút mặc niệm để tưởng nhớ cố nhà báo lão thành cách mạng Hữu Thọ - nguyên Trưởng Ban giám khảo Cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam” năm 2013-2014.
Nhiều bài viết phá cách
Ông Lưu Quang Định – Tổng Biên tập Báo NTNN, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, Cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam” năm 2015 có thay đổi thành phần Ban giám khảo do nhà báo Hữu Thọ - Trưởng ban đã đột ngột qua đời.
Do đó, sau khi trao đổi với các thành viên, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nhận lời làm Trưởng Ban giám khảo cuộc thi.
“Các cuộc thi viết hiện nay không nhiều lắm, nhất là các cuộc thi viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Do đó, cuộc thi viết do Báo NTNN tổ chức có rất nhiều ý nghĩa trong việc tôn vinh những gương nông dân sản xuất giỏi, có ý chí làm giàu, sáng tạo trong lao động sản xuất” - ông Lưu Quang Định nói.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa (trái) - Trưởng Ban giám khảo và ông Lưu Quang Định – Tổng Biên tập Báo NTNN, Trưởng Ban tổ chức trao đổi trong buổi chấm chung khảo chiều 29.9
Ông Phan Huy Hà - Phó Tổng biên tập Báo NTNN, Phó Trưởng Ban giám khảo thông tin, cuộc thi phát động từ tháng 10.2014 và kết thúc nhận bài vào tháng 9.2015.
Sau gần 1 năm phát động, Ban tổ chức đã nhận được gần 1.000 tác phẩm của các tác giả là cây viết chuyên và không chuyên trên cả nước. Trong số này, Ban tổ chức đã chọn đăng gần 200 tác phẩm trên báo NTNN và báo điện tử Dân Việt.
“Từ gần 1.000 tác phẩm, Ban tổ chức đã chọn được 50 bài viết để chấm sơ khảo. Trong đó có nhiều bài viết phá cách, đề tài mới lạ, không theo lối mòn như các năm trước.
Qua tổng hợp điểm và chấm độc lập của các thành viên, Ban sơ khảo đã công bố công khai 24 tác phẩm có điểm cao nhất trong tổng số 50 tác phẩm được lựa chọn vào vòng so khảo” - ông Phan Huy Hà cho biết.
Theo đánh giá của Ban tổ chức, nhiều bài viết đã phản ánh khá đầy đủ, nhiều khía cạnh của của đời sống người nông dân kiểu mới.
Họ không những đủ tài lực hội nhập quốc tế, mà còn kiên trì và quyết liệt gìn giữ tình làng nghĩa xóm truyền thống.
Đó còn là ý chí nghị lực không chỉ vượt qua khó khăn, mà còn tạo nên đời sống, công ăn việc làm cho hàng chục, hàng trăm lao động.
Ý chí và nghị lực đó đã tạo nên một giá trị mang nét nhân bản mới của nông dân Việt Nam. Đó cũng chính là nét son của cuộc thi năm 2015 này.
Có thể gọi họ là những con người mới, là nông dân thời đại…
Mỗi tác phẩm là một bí quyết làm ăn quý
Nhà văn Văn Chinh – Thư ký Tòa soạn Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, thành viên Ban giám khảo nhận định:
“Nhiều tác phẩm của cuộc thi rất xúc động, thể hiện nỗ lực vươn lên trong những hoàn cảnh bi thảm nhất. Chẳng hạn, tác phẩm “Bay lên từ vực thẳm” có chi tiết bà mẹ anh Kỳ đón con từ Bến xe Nước ngầm cách hơn 10 cây số.
Hai mẹ con không có tiền đi xe ôm, nhưng bà mẹ lại nói để con đi bộ cho con được ngắm phố phường.
Nhân vật vào tù ra tội mà không gục ngã, vẫn nỗ lực vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, tôi cho rằng đó là chi tiết rất xúc động”.
Cũng theo nhà văn Văn Chinh, bài viết “Hợp tác xã kiểu ông Ân” cũng là một tác phẩm rất hấp dẫn.
Đây là mô hình hợp tác rất tự nguyện, khái niệm hợp tác trong mô hình đó khác biệt với đa số những mô hình hiện nay. Chúng ta vẫn hay sợ những cái mới, nhưng mô hình này lại rất thành công.
“Tôi nghĩ nếu chúng ta nhân rộng được mô hình này thì quá tốt.
Người nông dân Việt Nam hiện nay vẫn là đối tượng đáng tự hào nhất, có nhiều đóng góp cho đất nước và là điểm tựa cho nền kinh tế, tuy nhiên hiện nay nông dân Việt Nam đang bị gia công hóa, cái gì cũng phải phụ thuộc vào nhập khẩu nên đời sống của họ vẫn rất khó khăn.
Trong bối cảnh đó, việc tôn vinh họ càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết” – ông Chinh nói.
Nhà báo Lê Bảo Trung – Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Nông nghiệp Báo Nhân Dân chia sẻ:
“Cảm nhận đầu tiên của tôi là mặt bằng các bài viết năm nay rất khá, thể hiện khả năng sáng tạo không ngừng của nông dân.
Có nhiều bài chất lượng tốt, tôi cho điểm rất cao, nhưng rất tiếc lại là đề tài trùng lặp với các báo khác, hoặc có yếu tố xào xáo nên tôi quyết định hạ điểm thấp.
Do đó, tôi cho rằng trong quá trình chấm, cần kiểm tra kỹ để nếu thấy tác phẩm đã đăng ở các báo khác thì kiên quyết cho điểm thấp và không chấm giải”.
Cùng chung quan điểm này, Trưởng Ban giám khảo Trần Đăng Khoa đánh giá, việc Báo NTNN tổ chức Cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam” là hết sức có ý nghĩa. Đây là nguồn động viên, cổ vũ những tấm gương đã nỗ lực vươn lên làm giàu cho bản thân và xã hội.
Mỗi tác phẩm là một mô hình có thể nhân rộng để nông dân các vùng miền có thể học hỏi, tham khảo. Nếu Ban tổ chức tổng hợp các bài dự thi này lại, có thể in thành sách thì sẽ hết sức có giá trị đối với nông dân.
Kết thúc buổi chấm chung khảo Cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam”, Ban tổ chức, Ban giám khảo đã quyết định trao giải thưởng cho 11 tác phẩm, trong đó có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích.
Dự kiến, Lễ trao giải Cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam” sẽ được tổ chức vào ngày 7.10, tại Hà Nội.
Ông Phan Huy Hà - Phó Tổng biên tập Báo NTNN, phó Trưởng ban giám khảo:
Thông thường những bài viết về các gương điển hình đều theo một mô-típ na ná nhau, không giàu tính văn học, bài viết theo “lối mòn” kể về hoàn cảnh nhân vật... nên dù nhân vật có hay, bài viết cũng kém hấp dẫn.
Riêng tác phẩm “Hợp tác xã kiểu ông Ân”, tôi đánh giá rất cao vì có tính thời sự và mang tính thời đại cao.
Mới đây, Đảng, Nhà nước đã tổ chức tổng kết mô hình kinh tế tập thể, vì vậy tác phẩm này rất phù hợp với tình hình hiện nay.
Đặc biệt, cách thể hiện của tác giả cũng rất hiện đại khi chia thành 18 đoạn ngắn, nhiều thông tin, dễ dọc, dễ hiểu, nhuần nhuyễn từ lý thuyết sang thực tế, nguồn tham chiếu của bài viết cũng rất thuyết phục.
Ông Trần Bá Dung – Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam:
Tôi đánh giá rất cao bài “Hợp tác xã kiểu ông Ân” vì đây là tác phẩm có hơi thở cuộc sống hiện đại, thể hiện rõ trí tuệ của người sáng lập ra mô hình, cũng như tài “nhào nặn” của người viết.
Bên cạnh đó, tôi cũng mê những tác phẩm viết về những người nông dân có sáng kiến, có nhiều đóng góp cho sản xuất nông nghiệp, cũng như những người hết lòng vì cộng đồng, như bài “Lão nông 24 năm đắp đường làng cho dân”.
Danh sách giải thưởng Cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam lần thứ 2”:
Giải Nhất: Hợp tác xã "kiểu ông Ân” - Trần Văn Việt (Hà Nội)
Giải Nhì: Bay lên từ vực thẳm - Sơn Gia Bảo (Bắc Giang).
Giải Nhì: Lão nông 24 năm đắp đường làng cho dân - Dũ Tuấn (Quảng Nam)
3 Giải Ba:
Người giúp nhà nông vơi bớt nhọc nhằn - Tân Tiến (TP.Hồ Chí Minh)
Chuyện lạ về tỷ phú vùng 3 - Song Nguyên (Hà Nội)
Cả đời đắm đuối với rừng - Huy Hoàng (Tuyên Quang)
5 Giải Khuyến khích:
Ông chủ trại gà biến chất thải thành điện - Cẩm Châu (Đà Nẵng)
Cơm đùm, gạo bới lên núi chăn vọoc - Thanh Phương (Quảng Bình)
Gặp nông dân được Chủ tịch nước tặng huân chương - Chúc Ly (Cần Thơ)
Chàng trai đắm say với Quý Phi gà - Hồng Vũ (Hà Nội)
Cánh đồng lớn giữa Đồng Tháp Mười – Trần Trọng Trung (Đồng Tháp)
Có thể bạn quan tâm
Trước tình hình dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 đang bùng phát tại một số địa phương, gây nguy hiểm tới sức khỏe người dân, ngày 8.9, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có công điện yêu cầu các địa phương có dịch cúm gia cầm tái phát chủ động các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh từ gia cầm sang người.
Được biết đến với nhiều công dụng trong giải nhiệt và hỗ trợ điều trị một số bệnh, vài cơ sở sản xuất trong tỉnh đã đầu tư nghiên cứu phát triển cây chè Dung thành sản phẩm trà, phục vụ người tiêu dùng.
Đặc thù của ruộng vùng cao trong tỉnh là nhỏ hẹp, bậc thang, trước đây đồng bào Hrê thường dùng sức để làm đất xuống giống hay thu hoạch vụ mùa. Còn bây giờ, nhà nhà đều biết sử dụng máy móc vào đồng ruộng nên đã giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.
Sơn Tây là huyện miền núi phía tây Quảng Ngãi được mệnh danh là xứ ngàn cau. Nơi đây có những chuyện khá ly kỳ: Thương lái thu mua cau non rồi… đổ bỏ, chủ vườn dùng dây thép gai quấn quanh thân hay gắn dao lam vào thân cau để phòng ngừa kẻ gian trộm cau.
Đánh giá này trong báo cáo nghiên cứu về hợp tác, liên kết nông dân trong sản xuất nông nghiệp do RCD và Oxfam đồng thực hiện, vừa công bố.