Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nên in các bài trong cuộc thi thành cẩm nang làm giàu cho nông dân

Nên in các bài trong cuộc thi thành cẩm nang làm giàu cho nông dân
Ngày đăng: 02/10/2015

Vì vậy Báo NTNN cần in thành sách, như một cuốn “cẩm nang” làm giàu cho nông dân.

Với tư cách là Trưởng Ban giám khảo, ông có cảm nhận như thế nào về Cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam”, được tổ chức lần thứ 2 trên Báo NTNN?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa (thứ 3 bên trái) - Trưởng Ban giám khảo cuộc thi viết "Tự hào Nông dân Việt Nam 2015" trao đổi các thành viên Ban giám khảo tại buổi chấm chung khảo ngày 29.9 vừa qua tại Hà Nội.

- Hiện nay, các cuộc thi viết về các vấn đề liên quan tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam có rất ít, do đó việc Báo NTNN có sáng kiến tổ chức Cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam” là hết sức có ý nghĩa, nhằm kịp thời tôn vinh những gương nông dân điển hình xuất sắc, những người giàu nghị lực, sáng tạo trong lao động sản xuất, có nhiều đóng góp cho xã hội...

Với ý nghĩa đó, sau gần 1 năm phát động, cuộc thi đã thu hút gần 1.000 tác phẩm của các tác giả chuyên và không chuyên trên cả nước. Điều đó cho thấy đây là cuộc thi được rất nhiều người quan tâm.

Khi đọc các bài viết, tôi nhận thấy các tác phẩm đã phản ánh khá đầy đủ, nhiều khía cạnh của những người nông dân thời hiện đại, với cách suy nghĩ mới, cách làm ăn mới. Thực chất đây là cuộc thi viết về cách làm giàu, vượt khó của nông dân.

Tôi đã tham gia vào Ban giám khảo lần thứ 2, nhưng mỗi lần chấm lại thấy có thêm nhiều tác phẩm mới, trong đó tôi đặc biệt ấn tượng với những bài viết về những người nông dân gần như từ tay trắng mà làm nên cơ nghiệp. Tôi tin rằng hiện nay vẫn còn rất nhiều nông dân ở các vùng miền trên cả nước xuất sắc như thế, các cây bút cần tích cực chịu khó tìm tòi, phát hiện hơn nữa, để những nông dân giỏi có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm làm giàu của mình.

Trong quá trình chấm, ông có đánh giá như thế nào về chất lượng các bài viết gửi về dự thi năm nay? 

"Báo NTNN nên tiếp tục duy trì cuộc thi này vì đây không phải là cuộc thi để thưởng thức báo chí đơn thuần, mà là chia sẻ kinh nghiệm để giúp bà con làm giàu; là nguồn động viên cổ vũ, khích lệ tinh thần cho lực lượng nông dân Việt Nam”.


Nhà thơ Trần Đăng Khoa

- Tôi nhận thấy các bài dự thi năm nay chất lượng khá đồng đều. Cách viết, cách thể hiện cũng không có quá nhiều khác biệt, tuy nhiên, tôi ấn tượng ở chỗ các tác giả đã rất chịu khó tìm tòi, phát hiện ra những nhân vật độc đáo.

Qua ngòi bút của các tác giả, những mô hình ấy hiện lên vô cùng chân thực, sinh động.

Trong đó, tôi ấn tượng nhất là các tác phẩm viết về những người tàn tật, sau tai nạn của cuộc đời, họ không nản chí mà vẫn nỗ lực vươn lên, không những làm giàu cho bản thân mà còn giúp những người cùng cảnh ngộ vượt qua khó khăn.

Hay như bài viết về những nông dân sáng chế, mặc dù chỉ học đến lớp 3, lớp 4, nhưng với lòng yêu nghề, yêu ruộng vườn, họ đã tích cực mày mò, sáng tạo, làm ra những loại máy móc có tính ứng dụng cao, giúp bà con nông dân giảm sức lao động, nâng cao năng suất...

Trong số các tác phẩm đoạt giải năm nay, bài viết Hợp tác xã “kiểu ông Ân” là bài có title rất ấn tượng, hấp dẫn độc giả ngay từ đầu.

Xét trên tổng thể, đây là bài viết về mô hình rất tốt, vì vậy sau khi chấm, Ban giám khảo đã thống nhất trao giải Nhất cho tác phẩm này.

Tôi cho rằng tất cả các bài dự thi đã được lọt vào vòng chung khảo đều rất quý và có chất lượng tốt.

Chất lượng ở đây không phải về mặt báo chí, về mặt văn chương để người đọc thưởng thức, mà ở chỗ các mô hình làm ăn độc đáo của những nông dân giỏi đã được chia sẻ kịp thời, mô tả hấp dẫn qua ngòi bút của người viết, từ đó thúc đẩy, động viên người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh, vượt qua đói nghèo, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Theo ông, chúng ta có thể làm gì để những bài viết từ cuộc thi có sức lan tỏa mạnh mẽ ra đời sống?

- Là người đọc kỹ từng bài viết, tôi đặc biệt cảm phục những người nông dân đã từ tay trắng vươn lên trở thành tỷ phú, “đại gia”. Trong đó, có không ít người lầm lỡ, từng vào tù ra tội, bị xã hội ruồng bỏ nhưng họ không hề bị gục ngã.

Ngược lại, những con người ấy vẫn đứng vững một cách kiên cường, nỗ lực lao động để làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Mặc dù các bài viết không gây được ấn tượng mạnh về văn chương, nhưng đó chính là những “mảng” đời sống được tác giả “đắp” lên trang viết. Tất cả đều là con người có thật, tấm gương có thật.

Qua cuộc thi, các tác phẩm đã nhân lên các kinh nghiệm làm ăn cho bà con, kinh nghiệm chiến thắng những khó khăn như thế nào...

Tôi nghĩ sau cuộc thi này, Báo NTNN nên tập hợp các tác phẩm để in thành cuốn sách, giống như một cuốn “cẩm nang” làm giàu. Điều này không chỉ giúp cuộc thi thêm lan tỏa, mà còn giúp nhiều người nông dân có cơ hội học hỏi, làm giàu.

Xin cảm ơn ông!

 Theo Ban tổ chức cuộc thi, lễ trao các giải thưởng sẽ được tổ chức vào sáng 7.10 tại Trung tâm Phát triển Phụ nữ (20 Thụy Khuê, Hà Nội). Ngay sau lễ trao giải lần thứ 2, Ban tổ chức sẽ tiếp tục phát động Cuộc thi viết Tự hào Nông dân Việt Nam trên Báo NTNN lần thứ 3 (2015-2016).

Dự kiến, cuộc thi lần thứ 3 sẽ có một số nét đổi mới hơn nữa so với 2 cuộc thi đã được Báo NTNN tổ chức nhằm cổ vũ, tôn vinh, động viên những người nông dân tiếp tục vươn lên làm giàu trong cuộc sống.  

Tác phẩm Hợp tác xã “kiểu ông ân” đoạt giải Nhất

Ngày 29.9, Ban giám khảo Cuộc thi viết Tự hào Nông dân Việt Nam đã họp dưới sự chủ trì của nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo NTNN, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi. Sau khi thảo luận và chấm điểm,  Ban giám khảo do nhà thơ Trần Đăng Khoa- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN làm Trưởng ban đã thống nhất trao giải thưởng cụ thể cho các tác phẩm như sau:

1 Giải Nhất:

Tác phẩm Hợp tác xã "kiểu ông Ân” - Trần Văn Việt (Hà Nội)

2 Giải Nhì:

- Tác phẩm Bay lên từ vực thẳm  (Sơn Gia Bảo, Bắc Giang).

- Tác phẩm Lão nông 24 năm đắp đường làng cho dân  (Dũ Tuấn, Quảng Nam)

3 Giải Ba:

- Người giúp nhà nông vơi bớt nhọc nhằn (Tân Tiến, TP.HCM)

- Chuyện lạ về tỷ phú vùng 3 (Song Nguyên, Hà Nội)

- Cả đời đắm đuối với rừng (Huy Hoàng, Tuyên Quang)

5 Giải Khuyến khích:

- Ông chủ trại gà biến chất thải thành điện (Cẩm Châu, Đà Nẵng)

- Cơm đùm, gạo bới lên núi chăn vọoc (Thanh Phương, Quảng Bình)

- Gặp nông dân được Chủ tịch nước tặng huân chương (Chúc Ly, Cần Thơ)

- Chàng trai đắm say với Quý Phi gà (Hồng Vũ, Hà Nội)

- Cánh đồng lớn giữa Đồng Tháp Mười (Trần Trọng Trung, Đồng Tháp)  


Có thể bạn quan tâm

Tôm nước lợ đảo chiều tăng giá mạnh vào cuối năm Tôm nước lợ đảo chiều tăng giá mạnh vào cuối năm

Gần 1 tháng nay, giá tôm nước lợ tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng trở lại nên nông dân nuôi vụ tôm cuối năm 2015 vô cùng phấn khởi.

25/11/2015
Chuỗi sản xuất, xuất khẩu cá tra tiếp tục khó khăn Chuỗi sản xuất, xuất khẩu cá tra tiếp tục khó khăn

Tính đến hết tháng 10/2015, tổng giá trị XK cá tra đạt 1,3 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2014. Cả chuỗi giá trị sản xuất và XK cá tra đều gặp nhiều khó khăn và không có lãi.

25/11/2015
Khai thác tiềm năng nuôi trồng thủy sản Khai thác tiềm năng nuôi trồng thủy sản

Với diện tích nuôi trồng thuỷ sản tương đối lớn, những năm qua, phát huy tiềm năng, thế mạnh về diện tích mặt nước, xã Thịnh Hưng đã vận động nhân dân tập trung nuôi trồng thuỷ sản, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân trong xã.

25/11/2015
Hội thảo Hiện trạng và tiềm năng phát triển cá cảnh tại Việt Nam Hội thảo Hiện trạng và tiềm năng phát triển cá cảnh tại Việt Nam

Tại hội thảo “Hiện trạng và tiềm năng phát triển cá cảnh tại Việt Nam” do Sở NN&PTNT TP.HCM, Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức ngày 19/11/2015 tại TP.HCM, đa số các đại biểu đều thống nhất cần xây dựng thương hiệu cá cảnh Việt Nam, đánh thức tiềm năng phát triển của ngành này.

25/11/2015
Xuất khẩu cá tra cần hướng về thị trường trọng điểm Xuất khẩu cá tra cần hướng về thị trường trọng điểm

Xuất khẩu cá tra sang EU có thể tăng từ 19% hiện nay lên 40% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong những năm tới nếu các doanh nghiệp (DN) có những chiến lược marketing thương hiệu tốt, hướng đến các thị trường giá cao, chất lượng cao.

25/11/2015