Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tái Cấu Trúc Ngành Cá Tra Phải Bắt Đầu Từ Khâu Phân Phối

Tái Cấu Trúc Ngành Cá Tra Phải Bắt Đầu Từ Khâu Phân Phối
Ngày đăng: 09/02/2015

Tất cả các biến động bất lợi trong ngành sản xuất và chế biến cá tra thời gian qua dẫn đến nhu cầu phải tái cấu trúc ngành này để đảm bảo phát triển bền vững, và theo ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius), việc tái cấu trúc cần phải bắt đầu từ khâu phân phối.

Trình bày tại hội thảo “Tái cấu trúc ngành hàng cá tra gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp ĐBSCL” tổ chức hôm nay 5 - 2 tại Đồng Tháp, ông Võ Hùng Dũng cho rằng việc xác định được tái cấu trúc ở đâu, tái cấu trúc những cái gì,… là điều hết sức quan trọng, giúp ngành cá tra thoát khỏi được khó khăn tồn tại trong nhiều năm nay.

Theo ông Dũng, trong chuỗi ngành hàng cá tra, từ con giống, nuôi, chế biến cho đến phát triển thị trường đều gặp vấn đề. “Nhưng trong bốn khâu đó, thì mấu chốt nằm ở chỗ nào?” ông Dũng nêu vấn đề.

Ông Dũng cho rằng thời gian qua, chất lượng con giống cá tra thường xuyên có vấn đề hay doanh nghiệp sản xuất thường xuyên sử dụng phụ gia để làm tăng trọng dẫn đến chất lượng sản phẩm kém... Vấn đề này có thể được giải quyết dễ dàng, theo ông Dũng, tuy nhiên việc thiếu tập trung phát triển ở khâu phân phối, đặc biệt là tiếp cận trực tiếp với khách hàng ở nước ngoài, là một vấn đề nan giải cần được tập trung thực hiện ngay.

Theo ông Dũng, khi việc mở rộng thị trường, mở rộng độ sâu của thị trường có vấn đề, thì cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước sẽ càng tăng, làm lợi nhuận biên của doanh nghiệp ngày càng giảm xuống.

“Vì sao ở các nước phát triển khi người ta có được mặt hàng, họ nghĩ ngay đến kênh phân phối, mở rộng thị trường, bất cứ thị trường nào người ta cũng tổ chức các kênh bán hàng trực tiếp?” ông Dũng đặt vấn đề.

Theo ông Dũng, đó là do tư duy chiến lược của các nước và họ có sức mạnh để làm tư duy chiến lược đó, trong khi đó, doanh nghiệp trong nước không có “sức”. “Bên cạnh đó, hạn chế về trình độ năng lực tổ chức sản xuất, thiếu thể chế chính sách hỗ trợ cũng là nguyên nhân,” ông Dũng nhận định.

Có cùng quan điểm với ông Dũng, ông Lê Vĩnh Tân, Phó trưởng ban kinh tế Trung ương, cho rằng mở rộng phát triển thị trường đến người tiêu dùng là vấn đề rất lớn đối với nông nghiệp trong nước nói chung và ngành hàng cá tra nói riêng. “Do đó, phát triển thị trường là điều sống còn của ngành cá tra vì sản phẩm sản xuất ra là để xuất khẩu,” ông Tân nói.

Ông Dũng của VN Pangasius nêu thêm một điểm đáng lưu ý khác để thấy việc mở kênh bán hàng trực tiếp là điều hết sức cần thiết, đó là đối với giá trị ngành hoa của Columbia (giống như vấn đề ngành cá tra trong nước đang gặp phải - PV), các phân tích chỉ ra rằng: khâu trồng chiếm tỉ lệ giá trị gia tăng rất thấp; càng gia tăng bán lẻ chừng nào, thì giá trị gia tăng nó tăng cao chừng ấy. “Từ khi cá tra phi lê được doanh nghiệp bán với giá 4 đô la Mỹ/kg trước đây và nay còn 2,5 đô (2,5 đô la Mỹ/kg), thì giá trị ở phân khúc bán lẻ của thị trường nước ngoài hầu như không thay đổi lớn lắm”, ông Dũng khẳng định.

Vẫn theo ông Dũng, nếu Chính phủ, doanh nghiệp và các nhà chuyên môn không ngồi lại để giải quyết những khó khăn của ngành cá tra, thì rất có thể đến một lúc nào đó khâu trung gian (nhà phân phối bán lẻ cá tra Việt Nam ở các nước - PV) sẽ quay lại mua luôn hệ thống nhà máy chế biến trong nước và lúc đó họ sẽ làm chủ luôn cả chuỗi ngành, từ nuôi, sản xuất, chế biến cho đến phân phối.

Ngành cá trong nước, từ chỗ xuất khẩu được 10 triệu đô la Mỹ/năm, tăng lên đến 1,7 - 1,8 tỉ đô la Mỹ/năm như hiện nay, đã làm lợi cho hệ thống phân phối ở nước ngoài rất nhiều và họ hoàn toàn có đủ tiềm lực để thâu tóm nhà máy của doanh nghiệp trong nước, nếu ngành hàng này vẫn còn triển vọng.

Chính vì vậy, thực hiện tái cấu trúc ngành cá tra là hết sức cần thiết. Ông Tân của Ban kinh tế Trung ương, đề nghị cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ sản xuất, nuôi trồng cho đến chế biến và xuất khẩu. “Từ đó, có giải pháp kết nối cung/cầu thông qua ban hành và thực thi các quyết định, chính sách của Nhà nước và vấn đề giám sát cần phải được chú trọng hơn”, ông Tân cho biết.

Trong khi đó, ông Vũ Trọng Bình, Vụ trưởng vụ kinh tế địa phương của Ban kinh tế Trung ương, cũng cho rằng vấn đề của ngành cá tra là cung vượt xa cầu, do đó cần phải xác định lại ngành hàng này cần bao nhiêu diện tích sản xuất là đủ, từ đó đưa cá tra vào diện ngành sản xuất có điều kiện, “phải có giấy chứng nhận đăng ký vùng nuôi, có cấp giấy chứng nhận truy xuất được nguồn gốc…, mới cho phép lưu thông xuất khẩu”, ông Bình nói.

Về vấn đề ứng phó với tình trạng bán phá giá, ông Bình đề xuất nên xây dựng cơ chế chống bán phá giá ngay trong nội bộ ngành và bắt doanh nghiệp phải cam kết thực hiện. Bên cạnh đó, áp dụng cải tổ doanh nghiệp bằng cách, những đơn vị nào đáp ứng được điều kiện thúc đẩy tái cấu trúc ngành cá tra, thì Chính phủ tiếp tục hỗ trợ vốn vay để phục vụ phát triển sản xuất, còn những doanh nghiệp nào không đáp ứng, thì có thể cho phá sản hoặc thực hiện mua bán sáp nhập vào những đơn vị mạnh để cơ cấu lại.

Ngoài ra, theo ông Bình, nên xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển để sản xuất giống có chất lượng, cung cấp những thông tin về dự báo đánh giá thị trường thông qua hình thức doanh nghiệp và Nhà nước cùng “rót” xây dựng.

Chính vì vậy, về định hướng tái cấu trúc, có ba vấn đề lớn đã được các nhà chuyên môn nêu lên và yêu cầu phải thực hiện: thứ nhất, phải tập trung phát triển cho được thị trường, dù có thể bước đầu khó khăn, nhưng nếu không làm được thì ngành cá tra có thể sẽ phá sản; thứ hai, khâu nuôi cần cải thiện chất lượng con giống, thay đổi công nghệ để cho ra con giống có chất lượng tốt; thứ ba, đối với các doanh nghiệp, cần thay đổi các vấn đề về quản trị.

“Những mô hình quản trị đang được doanh nghiệp áp dụng bây giờ, có thể 5 - 7 năm trước đã giúp họ thành công, nhưng với điều kiện hội nhập và yêu cầu mở kênh phân phối ra nước ngoài, thì đã không còn phù hợp nữa, cần phải cấu trúc lại”, ông Dũng nói.

Ngoài ra, các vấn đề như xác định phân khúc thị trường; hoàn thiện hệ thống thông tin về dự báo thị trường… cũng cần được tái cấu trúc, bổ sung thêm để tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, trong bối cảnh Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ và thậm chí Campuchia cũng đang phát triển mạnh loại sản phẩm này.


Có thể bạn quan tâm

Bán gạo giỏi như người Campuchia Bán gạo giỏi như người Campuchia

Không chỉ xuất khẩu tới nhiều thị trường, gạo Campuchia còn có giá cao...

04/09/2015
Tôm hùm chết hàng loạt vì dịch bệnh, người nuôi khóc dở mếu dở Tôm hùm chết hàng loạt vì dịch bệnh, người nuôi khóc dở mếu dở

Cùng với giá tôm hùm thương phẩm giảm mạnh, từ đầu năm đến nay, ở các vùng nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên), tôm hùm chết do dịch bệnh chiếm tỷ lệ cao đã gây nhiều thiệt hại cho người nuôi.

04/09/2015
Sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2015 giảm 15% Sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2015 giảm 15%

Theo dự báo của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, năm 2015, cà phê sẽ lại mất mùa, sản lượng sẽ giảm khoảng 15% so với niên vụ 2014 và là năm mất mùa thứ 2 liên tiếp.

04/09/2015
Người trồng chanh lao đao Người trồng chanh lao đao

Năm nay, năng suất, sản lượng chanh của Nghệ An chỉ đạt khoảng 70-80% so với dự kiến. Đã mất mùa, giá chanh lại rớt thê thảm, khiến người trồng chanh lao đao.

04/09/2015
Đổ xô trồng nữ hoàng mắc ca Đổ xô trồng nữ hoàng mắc ca

Cây mắc ca được nhiều người ca ngợi bằng những mỹ từ như “cây tiền tỉ”, “nữ hoàng mắc ca”, “hoàng hậu quả khô” vì vậy nhiều người dân ở huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) đua nhau trồng loại cây này.

04/09/2015