Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cua Biển

Cùng với việc phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, những cánh đồng lúa cao sản, mở rộng các dự án chăn nuôi tập trung, gần đây TX Quảng Yên (Quảng Ninh) đã đẩy mạnh nuôi các loài thuỷ, hải sản có giá trị kinh tế cao.
Một trong những loài thuỷ, hải sản được thị xã đưa vào nuôi thả theo hướng bền vững đó là cua biển. Mô hình này đang được nhiều hộ dân trên địa bàn thị xã đưa vào nuôi thả, mở ra hướng phát triển mới cho bà con nông dân, từng bước xây dựng thương hiệu “Cua biển Quảng Yên”.
Chúng tôi đến tham quan mô hình nuôi cua của gia đình ông Lê Văn Kỷ, phường Tân An - một trong những hộ có thâm niên nuôi cua của TX Quảng Yên thì được ông Kỷ cho biết: Gia đình ông có hơn 2ha nuôi cua ở vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung Đông Yên Hưng.
Dù đã có thâm niên gần chục năm nuôi cua, nhưng nhiều năm trước, ông vẫn phải đi tận TX Đồ Sơn (TP Hải Phòng) hoặc về tỉnh Thái Bình để mua cua giống về thả nuôi. Nhưng như vậy, chi phí vận chuyển, đi lại tốn kém mà chất lượng cua thực sự chưa đạt yêu cầu như mong muốn.
Để giảm bớt chi phí, năm nay, ông Kỷ mua hơn 2 vạn cua giống tại Công ty TNHH Minh Hàn (có trụ sở tại thôn 3, xã Hoàng Tân, TX Quảng Yên) đưa vào nuôi thả. Sau hơn 3 tháng, gia đình ông đã thực hiện thu tỉa được hơn 2 tấn cua thương phẩm, trị giá trên 400 triệu đồng, cao hơn hẳn so với nhiều năm trước.
Từ thành công của gia đình ông Kỷ và một số hộ nuôi cua thương phẩm trên địa bàn thị xã, mô hình nuôi cua biển thương phẩm đã được Sở KHCN tỉnh, TX Quảng Yên và Công Ty TNHH Minh Hàn tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Trong đó, Công ty TNHH Minh Hàn là đơn vị tiếp nhận KHCN “Mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cua biển” do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản III tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà) trực tiếp hướng dẫn chuyển giao.
Sau thời gian ngắn triển khai thực hiện tại địa phương, hai mục tiêu quan trọng là: Sản xuất cua giống và nuôi cua thương phẩm đã được Công ty này thực hiện thành công. Nhờ đó, đã cung cấp cua giống đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu nuôi cua của bà con trong và ngoài tỉnh.
Các phòng chức năng của TX Quảng Yên đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn, tạo điều kiện để bà con tham gia học tập, nâng cao kiến thức, kỹ thuật trong thả nuôi cua biển. Nhờ có kiến thức về nuôi cua, nên đến nay đã có hàng chục hộ trên địa bàn tham gia mô hình này; nhiều hộ đã chuyển đổi các mô hình sản xuất kém hiệu quả sang đầu tư mở rộng ao đầm để thả nuôi của biển với số lượng lớn hơn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Đức Thành, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng, TX Quảng Yên cho biết: “Việc đưa vào nuôi cua biển trên địa bàn TX Quảng Yên đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi năm cho sản lượng từ 40-50 tấn cua thương phẩm, trị giá trên 10 tỷ đồng.
Để nghề nuôi trồng thuỷ sản phát triển bền vững, nhất là nuôi cua biển thương phẩm, TX Quảng Yên đang tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư hạ tầng cho các vùng nuôi. Đồng thời tiếp tục tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi từ nuôi trồng nhỏ lẻ sang tập trung và theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát được dịch bệnh, cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Đặc biệt, TX Quảng Yên đang từng bước xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Cua biển Quảng Yên”, nhằm làm phong phú thêm những thương hiệu nông sản, hải sản của địa phương. Đồng thời, tạo ra việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.
Có thể bạn quan tâm

Thanh niên vùng cao chủ yếu làm nương rẫy. Không cam chịu cảnh nghèo, một số bạn trẻ đã tự mày mò làm giàu ngay tại quê hương.

Xuất thân từ một gia đình “nông dân nòi” ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, Lưu Hoàng Anh rất chí thú làm ăn. Anh xác định, là nông dân phải gắn bó với ruộng đồng, phải biết tính toán, dám nghĩ dám làm, chịu khó ắt sẽ thành công.

Nhằm khuyến khích các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Long Mỹ (Hậu Giang) duy trì ổn định và phát triển sản xuất, Phòng Kinh tế huyện Long Mỹ vừa tổ chức hỗ trợ cá thát lát cườm và cá rô phi giống cho hàng trăm hộ dân ở 4 xã điểm xây dựng nông thôn mới và nông dân trong mô hình mẫu điểm, cánh đồng mẫu lớn trong huyện.

Hàng trăm ha bắp vụ Hè Thu thuộc các xã Bình Trung, Bình Giã, Xuân Sơn (huyện Châu Đức - Bà Rịa - Vũng Tàu) có nguy cơ mất trắng do cây phát triển không đồng đều và không ra trái. Được biết đây là giống bắp NK67 - lai đơn F1có xuất xứ từ Inđonesia do Công ty TNHH Syngenta Việt Nam (trụ sở đóng tại khu công nghiệp Biên Hòa - Đồng Nai) nhập khẩu và phân phối.

Dịch bệnh trên cây trồng ngày càng tăng, vì vậy trong định hướng phát triển kinh tế vườn, Vũng Liêm (Vĩnh Long) vẫn tiếp tục quan tâm xây dựng và thực hiện một số dự án, mô hình sản xuất có hiệu quả. Trong đó, đặc biệt quan tâm phát triển các vườn cây ăn trái theo hướng bền vững, tăng năng suất và chất lượng.