Tác Động Từ Liên Minh Trồng Táo Văn Hải
Chúng tôi về phường Văn Hải (Phan Rang-Tháp Chàm) khi nơi đây vừa diễn ra Hội nghị tổng kết 2 năm hoạt động của Liên minh trồng táo Văn Hải do Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (CTNN) tỉnh tổ chức.
Mùa thu hoạch táo vừa kết thúc, đa số nông dân đang cắt cành, sửa sang lại vườn táo chuẩn bị cho vụ kế tiếp. Dù vẫn còn nhiều hạn chế nhưng theo các nông dân, kết quả đem lại từ năng suất táo, doanh thu đến lợi nhuận đã chứng tỏ tác động tích cực của Liên minh trồng táo Văn Hải.
Liên minh trồng táo Văn Hải thành lập vào tháng 6-2010, là sự hợp tác tự nguyện giữa tổ hợp tác trồng táo Văn Hải gồm có 90 hộ nông dân và Cơ sở kinh doanh táo Lan (cùng địa phương). Anh Cao Cường, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng táo cho biết: Trong tổ có cả những hộ trồng táo ở Ninh Phước, Ninh Sơn tham gia.
Mục tiêu chủ yếu của Liên minh nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường của người trồng táo, liên kết với doanh nghiệp để giải quyết đầu ra sản phẩm, thông qua sự hỗ trợ từ dự án CTNN. Theo tìm hiểu của chúng tôi, diện tích táo trong Liên minh trồng táo Văn Hải có tổng cộng 30 ha, để đạt được mục tiêu cạnh tranh và tiếp cận thị trường, ngoài sự đầu tư của các nông hộ và doanh nghiệp, Liên minh đã luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ dự án.
Qua 2 năm liên minh, Tổ hợp tác trồng táo đạt sản lượng 2.100 tấn táo, năng suất bình quân đạt 35 tấn/ha/vụ và từ 10% tỷ lệ táo loại 1 trước đây, nay đã nâng lên 20-25%; trong đó Tổ hợp tác đã bán trong Liên minh được 1.620 tấn (chiếm hơn 77% sản lượng), với doanh thu 6,7 tỷ đồng, số còn lại là 480 tấn, tương ứng với giá trị hơn 2 tỷ đồng được nông dân bán ra ngoài. Ngay giá bán táo bình quân của nông dân trong tổ hợp tác những năm qua cũng đã tăng thêm 1.150 đồng/kg.
Tác động đầu tiên qua liên minh, hợp tác trồng táo ở Văn Hải có thể thấy rõ là đã nâng cao chất lượng quả táo. Cụ thể qua các đợt kiểm tra của Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm Thuỷ sản tỉnh, quả táo đã không có dư lượng Nitrate, dư lượng hoá chất độc hại và thuốc bảo vệ thực vật.
Đã thế quả táo có màu vàng bóng, độ ngọt tăng lên nên giá bán cao hơn so với ngoài Liên minh. Nhờ đã ký hợp đồng mua bán táo ngay từ khi thành lập Liên minh, nên trong quá trình thực hiện hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp (cơ sở táo Lan), việc mua bán táo tương đối thuận lợi, phương thức “thuận mua vừa bán” được tiến hành qua các khâu từ đánh giá chất lượng, giá cả đến thanh toán tiền hàng.
Sau 2 năm hoạt động, trừ chi phí tính ra mỗi ha nông dân đạt tỷ suất lợi nhuận 65%. Một tác động khác là qua liên minh, hợp tác đã được Dự án CTNN hỗ trợ rất nhiều trong việc thành lập tổ hợp tác, kết nối tổ chức nông dân với doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm.
Dự án CTNN hỗ trợ kể cả việc tập huấn kỹ thuật, quản lý kinh tế nông hộ, sản xuất táo an toàn cho các thành viên trong tổ hợp tác với mục đích nâng cao khả năng cạnh tranh của hộ nông dân trên thị trường. Ngoài ra Dự án CTNN còn hỗ trợ nông dân tiếp cận với các đề tài khoa học đang áp dụng trên cây táo như sử dụng bẫy bả sinh học trong phòng trừ ruồi đục trái, áp dụng quy trình sản xuất táo an toàn và sản xuất táo theo tiêu chuẩn VietGAP.
Cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật, không thể không nhắc tới sự hỗ trợ cho nông dân 40% chi phí sản xuất như phân bón, thuốc BVTV, công cụ sản xuất, bình quân trên 1 ha trồng táo mỗi nông dân được hỗ trợ 56,6 triệu đồng từ dự án CTNN. Mức hỗ trợ này đã giúp nông dân trong tổ giảm bớt gánh nặng khó khăn về vốn, tạo điều kiện cho nông dân đầu tư đúng mức để cây táo cho năng suất chất lượng cao hơn.
Anh Lê Văn Sanh, Chủ Cơ sở kinh doanh táo Lan chia sẻ: Điều quan trọng là sau khi kết thúc thời gian hỗ trợ của dự án CTNN, Liên minh trồng táo Văn` Hải vẫn tiếp tục duy trì hoạt động. Theo tôi, việc liên kết sản xuất-tiêu thụ táo giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn tiến hành bình thường mà không cần hỗ trợ nữa chính là biểu hiện rõ nét nhất về tác động của Liên minh 2 năm qua.
Có thể bạn quan tâm
Các cơ quan chức năng Quảng Trị đang nỗ lực phòng chống dịch lở mồm long móng ở gia súc tại một số xã ở huyện Gio Linh. Từ đầu tháng 11 đến nay, trên địa bàn huyện Gio Linh đã xuất hiện thêm 43 con trâu, bò nhiễm bệnh, nâng tổng số gia súc bị nhiễm bệnh đến thời điểm hiện tại trên toàn tỉnh là 278 con.
Do tình hình mưa bão cộng với triều cường còn ở mức cao nên người dân sẽ không xuống giống kịp theo lịch thời vụ đợt 1 mà ngành nông nghiệp tỉnh đưa ra là từ ngày 9 đến 15-11. Theo đó, nhiều khả năng bà con sẽ xuống giống tập trung ở đợt 2 từ 25-11 đến 1-12 và đợt 3 từ 12 đến 18-12. Thời điểm này, nông dân cũng đã bắt đầu mua lúa giống để chuẩn bị gieo sạ cho vụ lúa chính trong năm. Hiện các giống lúa xác nhận như: OM 5451, OM 4900,OM 4218, IR 50404,… được cơ sở, đại lý bán dao động từ 11.000-11.500 đồng/kg, giảm từ 1.000-1.500 đồng/kg so với cùng kỳ. Nguyên nhân, do giá lúa hàng hóa trong vụ Thu đông vừa qua luôn ở mức thấp nên giá lúa giống từ đó cũng giảm theo. Mặc dù giá đã giảm, nhưng sức mua của người dân không mấy khả quan trong những ngày qua.
Những ngày qua trên thị trường liên tục phát đi tín hiệu về giá cà phê giảm mạnh và sau đó là mối lo toan lời-lỗ của nông dân. Ðiều đáng quan tâm là phía sau câu chuyện lời-lỗ này, đang buộc nhiều nông dân cần phải tính toán lại chuyện đầu tư, tránh theo kiểu cảm tính như trước đây.
Người dân vùng Phú Tân (An Giang) từ lâu luôn tự hào về cây nếp trên “lãnh địa” của mình bởi bên cạnh lợi thế được huyện, tỉnh quy hoạch trồng trên diện rộng, áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất và chất lượng, cây nếp còn cho hiệu quả kinh tế khá cao, vừa xây dựng thương hiệu hạt nếp Phú Tân ngon, dẻo đặc trưng, vừa giúp bánh phồng Phú Mỹ vươn xa ra thị trường các tỉnh bạn. Tuy nhiên, đang có nhiều nông dân ở địa phương khác “ăn theo” nếp Phú Tân, tạo nên tình trạng mất cân đối trong quy hoạch cơ cấu cây trồng.
Vài năm trở lại đây, đặc biệt từ sau Festival Chè lần thứ nhất, nhận thức về làm nghề chè của người dân Thái Nguyên đã có một sự thay đổi lớn, ý thức rất rõ ràng tầm quan trọng của việc bảo vệ thương hiệu chè sạch.