Sức Sống Nghề Mộc Truyền Thống Hạ Vũ

Xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa) có 3 làng: Hạ Vũ, Trù Ninh và Tam Nguyên, trong đó, việc phát triển nghề mộc truyền thống chủ yếu ở làng Hạ Vũ. Nơi đây, quanh năm rộn rã tiếng đục, tiếng chàng...
Sinh ra từ cái nôi của làng nghề, ông Nguyễn Duy Hòa, chủ cơ sở đồ gỗ Hòa Hiếu là một trong những người “giữ lửa” nghề truyền thống ở làng Hạ Vũ. Sau hơn 20 năm thành lập, từ một cơ sở sản xuất nhỏ, đến nay người chủ cũng là nghệ nhân này đã có một cơ ngơi với hai cơ sở sản xuất gần 600m2, có uy tín trên thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.
Ông Hòa kể, lúc đầu mới thành lập, cơ sở của ông gặp không ít khó khăn về vốn, kinh nghiệm, đặc biệt là thị trường đầu ra cho sản phẩm. Nhưng với sự nỗ lực tìm tòi, tạo dựng thương hiệu, cơ sở Hòa Hiếu sản xuất tất cả các sản phẩm đồ mộc dân dụng, mỹ nghệ. Ở làng Hạ Vũ, nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất, tùy theo quy mô và mức độ đầu tư phương tiện, máy móc sản xuất có thể thu lãi từ vài chục triệu đồng/năm trở lên.
Thợ mộc làm các việc đơn giản có thu nhập khoảng 2-3 triệu đồng/người/tháng, thợ giỏi thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng. Riêng cơ sở của ông Hòa thu lãi khoảng 40 triệu đồng/tháng, tạo việc làm ổn định cho 7 lao động thường xuyên và hơn 20 lao động thời vụ.
Từ sự yêu thích và tự hào về truyền thống gần 500 năm duy trì và phát triển nghề mộc của quê hương, việc đầu tư sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mộc ở làng Hạ Vũ đã và đang được chuyển đổi theo hướng chuyên môn cao. Ông Nguyễn Viết Diện, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Đạt cho biết nghề mộc chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của địa phương.
Đến nay, làng Hạ Vũ đã có hơn 200 hộ tham gia làm nghề với gần 500 lao động, trong đó có gần 100 hộ mở xưởng sản xuất, sản phẩm chính là mộc dân dụng và mộc mỹ nghệ. Phương tiện, công cụ hỗ trợ làm nghề được các hộ chủ động đầu tư, mua sắm theo hướng hiện đại hóa. Các công đoạn sản xuất chủ yếu, như: xẻ, khoan, cưa, đục, tiện, phay, bào, đánh bóng, phun sơn... trước đây làm bằng tay thì đến nay đã được thay thế bằng máy móc, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, từ năm 2013, có nhiều hộ đã đầu tư vốn lớn để mua máy đục điêu khắc mỹ thuật công nghệ cao với giá 300 – 500 triệu đồng, góp phần giải phóng sức lao động, tạo thêm sự đa dạng cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất cũng đã chủ động tìm hiểu, nắm bắt thị hiếu khách hàng cũng như nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm đồ gỗ trên thị trường, từ đó tìm tòi nghiên cứu, chế tác các mẫu mã sản phẩm mới.
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền xã Hoằng Đạt đã có nhiều chính sách để gìn giữ và phát triển nghề mộc làng Hạ Vũ một cách bền vững, như: quy hoạch dành riêng 0,6 ha cho khu làng nghề, tạo điều kiện để các hộ được vay vốn phát triển sản xuất. Đồng thời hằng năm tổ chức cho những người thợ lành nghề và lớp thợ trẻ được đi tham quan, học hỏi từ các mô hình làng nghề truyền thống khác để nâng cao tay nghề, vv...
Thị trường tiêu thụ được mở rộng không chỉ trong tỉnh mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác, nên 10 tháng năm 2014, giá trị sản xuất tiểu - thủ công nghiệp của xã ước đạt 23,7 tỷ đồng, chiếm 39% tổng giá trị sản xuất. Việc phát triển nghề mộc truyền thống đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương, tỷ lệ hộ gia đình có mức sống khá, giàu chiếm khoảng 45%, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,6%, giảm 1,25% so với cùng kỳ năm 2013.
Nguồn bài viết: http://www.baothanhhoa.vn/vn/kinh-te/n131968/Suc-song-nghe-moc-truyen-thong-Ha-Vu
Có thể bạn quan tâm

Huyện Sơn Động có hơn 68,5 nghìn ha đất lâm nghiệp (đất có rừng và chưa có rừng). Trong đó, diện tích rừng tự nhiên hơn 38 nghìn ha gồm rừng gỗ, rừng tre nứa và rừng hỗn giao tre nứa. 18.657,7/38.188,2 ha đã được quy hoạch thành rừng sản xuất. Đây cũng là diện tích rừng bị xâm hại nhiều nhất năm qua.

Tưởng như vùng chè ở xã miền núi Xuân Lương, huyện Yên Thế (Bắc Giang) không còn đất sống, thế nhưng mọi chuyện đã khác kể từ khi cây chè được quan tâm, đầu tư. Sau sáu năm, hầu hết diện tích chè ở đây chuyển đổi cây trồng và phương thức canh tác truyền thống sang áp dụng tiêu chuẩn GAP, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.Từ một xã nghèo nhất huyện Yên Thế, nhờ cây chè mà Xuân Lương đang từng bước chuyển mình.

Ngoài 2 thị trường mới cho xuất khẩu thanh long năm 2015 mà Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật thông báo là Newzealand và Úc, một doanh nghiệp Bình Thuận cũng đang đưa thanh long vào thị trường Ấn Độ với chiều hướng triển vọng, mỗi tuần xuất 1 container.

Đến nay, vườn ca cao của hộ gia đình bà Thu đã thu hoạch trái được hơn 2 năm. Mỗi năm được hai mùa trái, với diện tích là 1,5 ha, trồng được 1.400 cây ca cao, sản lượng hạt ca cao khô đạt rất cao trung bình mỗi vụ đều đạt khoảng gần 1,3 tấn/vụ, giá ca cao khô hiện tại là 58 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí gia đình bà lãi được khoảng 120 triệu đồng/năm.

Ông Lê Văn Tẩu, ở ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, trồng 1,5ha dưa lê cho biết: Trồng dưa lê chỉ 2,5 tháng là thu hoạch, chi phí đầu tư thấp do ít sâu bệnh, sản phẩm làm ra được Cty Hồng Huế (Tiền Giang) và Cty Hoàng Vinh (TP.HCM) bao tiêu với mức giá ổn định từ 6.000 -10.000đ/kg, sau khi trừ hết chi phí lãi gần 200 triệu đồng.