Sức Sống Mới Ở Một Vùng Quê

Những năm gần đây, nhờ phát triển nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, thu nhập của người dân xã Liên Mạc (huyện Mê Linh, Hà Nội) đã từng bước được cải thiện. Chất lượng cuộc sống bởi thế cũng ngày càng được nâng cao.
Nằm bên bờ tả sông Hồng, diện tích đất nông nghiệp của Liên Mạc vào khoảng 614ha. Nếu như trước đây, người dân trong xã chỉ biết trông vào thu nhập từ cây lúa và buôn bán nhỏ lẻ, thì một vài năm trở lại đây, việc phát triển kinh tế đã hướng nhiều hơn vào chăn nuôi gia súc, gia cầm. Toàn xã với hơn 14.000 dân cư sinh sống thì hiện có gần 50% làm nghề chăn nuôi, tập trung chủ yếu tại thôn Bồng Mạc.
Ông Phan Văn Minh, chủ trang trại có trên 100 lợn thịt, hàng chục lợn nái và 3.000 vịt sinh sản ở thôn Bồng Mạc cho biết, do diện tích đất nông nghiệp ít nên những năm qua, gia đình đã vay vốn, chuyển hướng đầu tư cho chăn nuôi. Hiện, trừ tất cả chi phí con giống, thuốc men, công chăm sóc... nghề chăn nuôi mang lại cho gia đình ông Minh thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chị Tạ Thị Hoa - Chi hội trưởng Hội Phụ nữ xóm Gao, thôn Bồng Mạc cho hay, nhờ nghề chăn nuôi mà cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể. Nếu như 5 - 7 năm trước, số gia đình có xe máy trong xã chỉ đếm trên đầu ngón tay thì đến nay, hầu như 100% gia đình đã có xe máy. Thậm chí, không ít hộ làm ăn khá giả còn sắm cả ô tô tải để vận chuyển hàng hóa.
Hiện, mỗi ngày, người chăn nuôi xã Liên Mạc cung cấp cho thị trường trên 10 tấn thịt gia súc, gia cầm và hàng vạn quả trứng.
Việc làm ăn thuận lợi giúp thu nhập bình quân đầu người xã Liên Mạc liên tục tăng qua các năm, hiện đã đạt trên 25 triệu đồng/năm. Điều này góp phần quan trọng giúp xã Liên Mạc tiếp tục duy trì tốt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới đã đạt được.
Dù đời sống kinh tế - xã hội đã được cải thiện, song người dân xã Liên Mạc vẫn còn không ít nỗi lo. Theo trưởng thôn Bồng Mạc Tạ Văn Thức, việc chăn nuôi dù mang lại hiệu quả kinh tế khá nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ về ô nhiễm môi trường.
Hiện, hầu hết các hộ chăn nuôi đã chủ động đầu tư, xây dựng hầm ủ biogas, tuy nhiên, vì nhiều lý do (hầm ủ được xây dựng từ lâu, chưa đúng kỹ thuật…), khiến nước thải và mùi hôi thối từ các chuồng trại chăn nuôi phát thải ra ngoài môi trường, ít nhiều gây ảnh hưởng tới cuộc sống của các hộ dân khác trong thôn.
Để giải quyết vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Chăm - Phó Chủ tịch UBND xã Liên Mạc cho biết, xã đã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung với diện tích trên 50ha. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 5 hộ gia nhập cụm nông trang tập trung này. Một trong những nguyên nhân khiến khu chăn nuôi chưa hấp dẫn người dân là bởi hệ thống điện chưa đến được nơi đây.
Cụ thể, dù trạm điện đã được xây dựng nhưng lại chưa được hạ thế! Theo đó, để phục vụ cho việc chăn nuôi, các gia đình hiện phải tự kéo nối dây, mua điện từ các hộ dân sống ven khu quy hoạch với giá gần 8.000 đồng/kWh (tức là cao gấp khoảng 4 lần mức giá bán điện kinh doanh do Nhà nước quy định).
Chính vì vậy, lãnh đạo và người dân trong xã hy vọng UBND huyện Mê Linh sớm có kế hoạch đưa điện về với khu quy hoạch, nhằm nâng cao hiệu quả của mô hình sản xuất tập trung, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tăng thêm thu nhập và cải thiện cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm

Trước những hậu quả nghiêm trọng do việc sử dụng không đúng cách những hóa chất, kháng sinh trong nghề nuôi tôm, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 03 và Thông tư số 04 về việc bổ sung Cypermethrin, Deltamethrin, Enrofloxacin vào danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; đồng thời đưa 28 sản phẩm có chứa Cypermethrin, Deltamethrin, Enrofloxacin ra khỏi Danh mục sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản, thuốc thú y thuỷ sản được phép lưu hành tại Việt Nam.

Liên quan đến tình trạng nông dân tự phát đào ao ươm cá tra giống trên đất lúa ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang), ông Lê Văn Hưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Đã chỉ đạo các ngành chức năng trong tỉnh kiên quyết không để phát sinh thêm việc đào ao ươm cá giống trên đất lúa, nhằm giữ diện tích lúa theo qui hoạch.

Thời gian qua, nhà vườn ở huyện Châu Thành (Hậu Giang) rầm rộ phát triển diện tích vườn cây ăn trái, từ đó nhiều nông sản của người dân tiêu thụ gặp không ít khó khăn, thường rơi vào cảnh “được mùa mất giá”. Tuy nhiên, đối với một số nhà vườn ở xã Đông Phước A thì ngược lại, đã chọn trồng và làm giàu từ cây mít Thái.

Trong mấy ngày qua, nhiều hộ nông dân nuôi cá lồng trên sông Bồ (huyện Quảng Điền - Thừa Thiên Huế) hốt hoảng khi phát hiện cảnh cá chết và nổi trắng trên mặt sông.

Sau 2 năm liên tục nghêu bị thiệt hại nặng nề, năm nay, nghêu nuôi phát triển ổn định, không có hiện tượng chết bất thường và giá nghêu đang tăng cao. Do đó, diện tích nuôi nghêu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang dần phục hồi, hứa hẹn thắng lớn.