Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sức hấp dẫn từ cây sắn ở Cam Lộ Quảng Trị

Sức hấp dẫn từ cây sắn ở Cam Lộ Quảng Trị
Ngày đăng: 16/09/2015

Từ các xã Cam Thủy, Cam Thành, Cam Tuyền đến xã Cam Chính, Cam Nghĩa đều có hàng trăm héc ta sắn đang xanh tốt, mỡ màng. Cây sắn đang mang lại niềm hy vọng lớn cho những người nông dân mong muốn có một cuộc sống no ấm, đầy đủ hơn.

Mở rộng diện tích trồng sắn ở vùng gò đồi Cam Lộ

Một cán bộ lãnh đạo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Cam Lộ cho biết: Trước đây vụ hè thu đất bỏ hoang nhiều, nay hầu như không còn. 80% diện tích trồng lạc và các loại hoa màu khác, nay đã chuyển sang trồng sắn.

Ở xã Cam Thủy có cánh đồng 80 ha, trước đây vụ hè thu khô hạn không trồng được cây gì nay đã trồng sắn. Chỉ làm một phép tính đơn giản, mỗi héc ta sắn cho thu nhập 30 triệu đồng, thì 80 ha đất bỏ hoang ấy, nay người dân đã có được khoản thu 2,4 tỉ đồng.

Đó là con đường làm giàu của người nông dân khi có nhà máy chế biến sắn trên địa bàn. Xã Cam Thành có 136 ha trước chủ yếu trồng lạc, nay hầu hết đã chuyển sang trồng sắn, mang lại cuộc sống đổi thay cho nhiều người.

Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế thì cây sắn đang là lựa chọn hàng đầu của người dân huyện Cam Lộ. Cây sắn có mặt ở Cam Lộ cách đây nhiều năm. Tuy nhiên, trước đây do biến động của giá cả nên chưa phải là lựa chọn tối ưu của người nông dân.

Hai năm trở lại đây, nhờ thực hiện chính sách liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cùng với sự hình thành và hoạt động của Nhà máy tinh bột sắn An Thái, ở xã Cam Tuyền mà sắn ở Cam Lộ có nơi thu mua ổn định, giá cả phải chăng.

Nhờ đó mà sắn nguyên liệu đang được người dân ưu tiên trồng rất nhiều và không ngừng mở rộng diện tích, giúp nông dân có thu nhập cao hơn trước.

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Cam Lộ, toàn huyện hiện có hơn 1.500 ha sắn, tập trung chủ yếu ở các xã Cam Tuyền, Cam Thành, Cam Chính, Cam Nghĩa, mỗi xã có vài trăm héc ta trở lên. Người dân đưa cây sắn vào trồng thâm canh ở hầu hết các vùng đất mà trước đây ít canh tác hoặc bỏ hoang.

Nhiều nơi trồng xen canh với cây lạc, cây cao su, phát triển tốt, lại tiết kiệm được đất, phân bón, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu. Giống sắn được trồng đại trà ở Cam Lộ là KM 94, đây là giống sắn cho năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với các giống sắn mà trước đây người dân thường trồng.

Hơn nữa, sắn cao sản là loại cây ngắn ngày, thích hợp với nhiều loại đất, kỹ thuật trồng đơn giản, cần ít công chăm sóc nên được người dân trồng rất nhiều.

Qua trao đổi với cán bộ Phòng Nông nghiệp-PTNT Cam Lộ, chúng tôi được biết người trồng sắn ở đây được hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật, được tập huấn kỹ thuật, được ký kết mua bán sản phẩm với nhà máy chế biến tinh bột sắn nên thuận lợi cho đầu ra của sản phẩm.

Năm 2014 kế hoạch của huyện là trồng 950 ha sắn nhưng diện tích sắn mà bà con trồng được đã vượt chỉ tiêu, đạt 1.285 ha. Năm 2015 chỉ tiêu của huyện nâng lên là 1.500 ha và hiện nay đã thực hiện vượt chỉ tiêu này. Cũng trong năm vừa rồi sắn nguyên liệu được đại lý của Nhà máy chế biến tinh bột sắn An Thái thu mua và đưa xe đến chở ngay tại ruộng với giá 1.800 đồng/kg.

Giống sắn cao sản nếu được đầu tư, chăm sóc tốt sẽ cho năng suất cao (khoảng 25 - 30 tấn/ha). Từ đó, nếu một gia đình có khoảng 3 ha sắn thì sẽ thu về khoảng 100 triệu đồng. Đây là một khoản thu nhập lớn đối với người nông dân ở huyện Cam Lộ.

Ông Trần Quang Hải ở xã Cam Tuyền cho biết: “Mấy năm trở lại đây nhận thấy việc trồng sắn nguyên liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao mà kỹ thuật trồng đơn giản, đầu tư ít nên gia đình tôi đã chuyển từ trồng lạc sang trồng sắn thâm canh, xen canh và không ngừng mở rộng diện tích sắn hàng năm.

Năm nay gia đình tôi đã đầu tư vốn thuê máy móc, nhân công khai hoang thêm 2 ha đất rừng để trồng sắn. Nhờ đất mới khai hoang, có nhiều chất dinh dưỡng nên hiện tại sắn đang phát triển rất tốt và hi vọng sẽ cho năng suất cao. Hiện nay gia đình tôi có khoảng 4 ha sắn nguyên liệu, với diện tích sắn đang có thì vụ đông xuân sắp tới ước tính sẽ thu được trên 120 triệu đồng”.

Hiện tại không chỉ hộ gia đình ông Hải mà rất nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Cam Lộ đã không ngừng đầu tư mở rộng diện tích trồng sắn nguyên liệu. Không ít diện tích trồng rừng ở các xã gò đồi, đến chu kỳ khai thác người dân không trồng cây lâm nghiệp mà đã trồng sắn.

Hoặc một số gia đình vừa trồng cây lâm nghiệp vừa trồng xen cây sắn, bởi theo tính toán của người dân mỗi héc ta sắn mỗi năm cho thu nhập 30 triệu đồng, trong lúc trồng rừng phải 6 năm sau mới cho thu hoạch, mỗi héc ta chỉ được 50 triệu đồng, tính ra mỗi năm trồng rừng chỉ được 6 - 7 triệu đồng, trong lúc trồng sắn cho thu hoạch cao hơn nhiều.

Hiện chính quyền các địa phương ở Cam Lộ đã động viên nhân dân đầu tư phân bón, giống, nhân lực mở rộng diện tích trồng sắn nguyên liệu để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, đồng thời góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.


Có thể bạn quan tâm

Tăng năng suất nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật Tăng năng suất nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật

Cây điều vốn được coi là cây “xóa đói, giảm nghèo” của người dân Vĩnh Thạnh. Nhờ trồng điều mà không ít hộ, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua đói nghèo, vươn lên khá giả. Gia đình ông Nguyễn Văn Nghinh, ở thôn Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Hiệp là một trong những hộ khá lên nhờ trồng điều với mức thu nhập mỗi năm khoảng 150 triệu đồng.

14/09/2015
Lo sản xuất bị ảnh hưởng vì biến đổi khí hậu Lo sản xuất bị ảnh hưởng vì biến đổi khí hậu

Nếu không có biện pháp ứng phó thích hợp với biến đổi khí hậu, trong tương lai không xa, có không ít doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng thu hẹp sản xuất, thậm chí bị phá sản vì thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất.

14/09/2015
Xây dựng Ðảng gắn với phát triển kinh tế Xây dựng Ðảng gắn với phát triển kinh tế

Vĩnh Sơn là xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc Bana thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Vĩnh Thạnh, đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh nhiều giải pháp phát triển KT-XH, đặc biệt Ðảng ủy xã xác định công tác phát triển Ðảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm nên bộ mặt nông thôn địa phương bước đầu đã có sự chuyển biến.

14/09/2015
Chăn nuôi nông hộ liệu có bị nhấn chìm Chăn nuôi nông hộ liệu có bị nhấn chìm

Theo đánh giá của các ngành chức năng, chăn nuôi là một trong những ngành sẽ bị tổn thương nhiều nhất trong quá trình hội nhập, đặc biệt là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy, để họ không bị “chìm” trong “cơn bão” này, rất cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể và đủ mạnh.

14/09/2015
Tập huấn ngoài mô hình chăn nuôi gà thả vườn Tập huấn ngoài mô hình chăn nuôi gà thả vườn

Được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2015 là năm thứ 3 Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ được tham gia dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm chuyển đổi cơ cấu vật nuôi” với mô hình chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học thực hiện tại xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê (năm 2013), xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh (năm 2014) và xã Chu Hóa, TP.Việt Trì (năm 2015).

14/09/2015