Giảm Mục Tiêu Xuất Khẩu Gạo Chính Ngạch
Đến hết tháng 4, nhận thấy tình hình XK kém khả quan, VFA đã hạ chỉ tiêu XK chính ngạch xuống khá nhiều.
Tuy đã thắng thầu toàn bộ 800 ngàn tấn gạo XK sang Philippines từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay, nhưng đến giờ này, nhìn chung XK gạo chính ngạch của nước ta vẫn đang tiếp tục gặp những khó khăn lớn về mặt thị trường.
Theo VFA, Châu Phi vốn là thị trường ổn định và lớn thứ 2 của Việt Nam trong những năm qua, giờ đây đang giảm sút mạnh do bị gạo Thái Lan giành giật thị phần.
Do vẫn cần có đủ tiền để trả nợ nông dân và giảm bớt lượng gạo tồn kho đã bắt đầu xuống cấp, Thái Lan vẫn đang tìm mọi cách đẩy mạnh XK gạo, kể cả bán với giá thấp hơn sang Châu Phi. Do đó, không chỉ gạo Việt Nam mà gạo Ấn Độ cũng đang mất đi khá nhiều thị phần ở châu Phi trước sự cạnh tranh của gạo Thái Lan.
Ở châu Á, một số thị trường truyền thống của gạo Việt Nam trong nhiều năm qua, hiện cũng đã quay sang mua gạo của Thái Lan. Hầu hết nhu cầu gạo NK của Malaysia trong năm nay, đã được nước này ký hợp đồng mua từ Thái Lan.
Ngay cả ở Philippines, nơi Việt Nam đã thắng thầu toàn bộ 800 ngàn tấn gạo trong đợt đấu thầu tháng 4 vừa rồi, vẫn đang tiếp tục được Thái Lan mời chào, thúc đẩy thương mại gạo giữa 2 Chính phủ.
Do các thị trường XK bị suy giảm mạnh, nên lượng gạo đã XK trong 4 tháng đầu năm nay chỉ đạt 1,751 triệu tấn, giảm tới 18,17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước bối cảnh khó khăn về mặt thị trường, VFA cũng đã định hướng XK gạo chính ngạch trong cả năm nay chỉ còn khoảng 6,2 triệu tấn (quý 1 đã được 1,219 triệu tấn, dự kiến XK quý 2 và quý 3 đều ở mức 1,8 triệu tấn, quý 4 dự kiến 1,4 triệu tấn).
Như vậy, so với định hướng XK 6,5-7 triệu tấn được đưa ra hồi đầu năm nay, thì định hướng mới của VFA đã giảm đi ít nhất là 300 ngàn tấn.
Nhờ nhu cầu lớn của Trung Quốc, cũng như hoạt động XK gạo tiểu ngạch sang nước này, nên dù năm nay, dự báo XK chính ngạch sẽ tiếp tục giảm mạnh, nhưng lúa gạo hàng hóa trong nước vẫn có thể được tiêu thụ hết.
Trong bối cảnh thị trường như trên, việc XK gạo Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc là điều khó tránh khỏi. Trong tháng 4, lượng gạo Việt Nam giao cho khách hàng nước ngoài qua đường chính ngạch là 536.806 tấn, thì có tới 60% là đi Trung Quốc. Nếu cộng cả XK tiểu ngạch (chưa thể tính được số lượng cụ thể, thì tỷ lệ này chắc chắn còn cao hơn nhiều).
Bởi vậy, theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA, Trung Quốc đã trở thành thị trường gạo lớn nhất của Việt Nam trong 2 năm qua và sẽ tiếp tục đứng đầu trong thời gian tới, do nhu cầu ngày càng tăng và lợi thế thị trường gần, vận chuyển thuận lợi, đặc biệt là XK qua biên giới, bù đắp sự sút giảm từ các thị trường khác do cạnh tranh của Thái Lan. XK qua biên giới Trung Quốc đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa trong nước.
Điều đáng chú là là tuy Việt Nam và Trung Quốc đang căng thẳng trên Biển Đông, nhưng XK gạo qua đường tiểu ngạch sang biên giới phía Bắc vẫn bình thường, thậm chí đã bắt đầu sôi động trở lại nhờ sự “nhẹ tay” hơn của các cơ quan chức năng đối với những xe chở gạo quá tải trọng.
Một doanh nhân chuyên buôn bán gạo từ Hải Phòng lên biên giới phía Bắc (xin không nêu tên), cho hay, với riêng mặt hàng gạo, đã có sự nhẹ tay hơn đáng kể so với thời điểm sau ngày 1/4, tức là cho phép chở quá tải nhưng với mức độ quá tải không được nhiều như từ tháng 3 trở về trước.
Cụ thể, một xe đầu kéo 25 tấn trước ngày 1/4 có thể chở tới 75-80 tấn gạo, sau khi kiểm tra tải trọng, chỉ còn được chở đúng tải là 25 tấn, nay đã có thể nới lên khoảng 40-50 tấn. Nhờ đó, hàng loạt tàu gạo ùn ứ ở các cảng tư nhân trên địa bàn Hải Phòng sau ngày 1/4, đến nay đã được giải phóng hết, giá gạo từ Hải Phòng đưa lên biên giới cũng đã tăng khoảng 300-600 đ/kg.
Do XK gạo qua biên giới đang quá quan trọng đối với tiêu thụ lúa gạo hàng hóa ở nước ta, nên cũng theo VFA, xu hướng giá gạo Việt Nam sắp tới sẽ phụ thuộc vào sự biến động giá ở thị trường Trung Quốc, nhất là XK qua biên giới.
Dự báo giá sẽ ổn định trong tháng 5 và ngay cả tháng 6, trước khi sút giảm do kết hợp nhu cầu yếu từ Trung Quốc (bắt đầu thu hoạch) và thu hoạch vụ Hè Thu trong nước từ tháng 7, làm tăng áp lực giảm giá
Có thể bạn quan tâm
Giống dưa lê vỏ vàng Kim Anh và giống dưa lê vỏ vân lưới Alien là hai giống có năng suất cao, chất lượng khá tốt và cho hiệu quả kinh tế cao nhất, đây là kết quả đề tài “Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật trồng dưa lê theo hướng công nghệ cao” do ThS. Hoàng Anh Tuấn, Ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM thực hiện, đã được Sở khoa học & công nghệ TP.HCM nghiệm thu.
Tổng diện tích cao su của tỉnh Bình Phước hiện nay đã lên đến 225.000ha, trong đó diện tích cho sản phẩm 126.632ha, năng suất bình quân đạt gần 2 tấn/ha. Với diện tích, năng suất và sản lượng mủ cao su hàng năm như thế, Bình Phước đang dẫn đầu cả nước về diện tích cũng như sản lượng mủ cao su.
Hơn 1.100 ha bãi triều nuôi ngao của tỉnh Thanh Hóa với sản lượng hàng năm khoảng hơn 15.000 tấn đã đem lại thu nhập cao cho nhiều ngư dân của tỉnh. Thế nhưng, từ đầu năm 2013 trở lại đây, đầu ra cho con ngao xuống thấp khiến cho nghề nuôi ngao gặp nhiều khó khăn.
Những chiếc tàu công suất 300 CV, sáng đi chiều về mỗi tàu đánh bắt từ 7-10 tấn cá nục, thậm chí có tàu đạt 10-15 tấn. Bình quân mỗi ngày có hơn 100 tấn cá nục suông cập bờ. Các ngư dân này chủ yếu đánh bắt ở ngư trường tỉnh Quảng Ngãi, cách bờ hơn 50 hải lý.
Đến nay tổng đàn bò trong huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) được 23.428 con, chiếm tỷ lệ 42,5% tổng đàn bò trong tỉnh, tỷ lệ bò lai sind đạt 87%. Qua đó, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập cho nông dân và tăng tỷ lệ trong cơ cấu ngành nông nghiệp.