Sức ép cho ngành trồng trọt

Trở tay không kịp
Những năm gần đây, lũ lụt xuất hiện vào đầu mùa khô ở các địa phương phía bắc của tỉnh là hiện tượng hy hữu. Theo các chuyên gia thủy văn, thời tiết cực đoan luôn tiềm ẩn những biểu hiện bất thường. Ở Quảng Nam, lũ lụt thường xuất hiện vào tháng 9, 10; còn hạn hán vào các tháng 4, 5, 6, 7. Năm 2014 là năm “mưa thuận gió hòa” với ngành sản xuất nông nghiệp, bởi bão lũ mạnh gần như “xa lánh”. Do không được phù sa bồi đắp, nông dân các huyện Đại Lộc, Điện Bàn đã mở rộng diện tích trồng dưa xuống gần mực nước dọc sông Vu Gia - Thu Bồn.
Vì thế khi lũ đột ngột xuất hiện, nhiều nơi “mất trắng” dưa. Nhiều nông dân ở huyện Đại Lộc cho biết, lâu nay người dân chỉ có thói quen sản xuất dựa theo kinh nghiệm dân gian là chính, canh tác theo thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, trận lũ vừa qua đặc biệt cực đoan, ngay cả các nhà khoa học cũng không thể dự báo chính xác, kịp thời.
Thời tiết xấu xuất hiện đột ngột, khiến nông dân trở tay không kịp nên thiệt hại về vụ dưa hấu, hoa màu vừa qua là không nhỏ. Ngành thủy văn tỉnh thông tin, trong khoảng thời gian từ ngày 24 đến 28.3, trên địa bàn tỉnh xảy ra lượng mưa rất lớn, phổ biến 100 - 200mm. Trong đó, huyện Hiệp Đức có lượng mưa lớn nhất gần 600mm, Nông Sơn với lượng mưa 480mm, Tiên Phước là 470mm... Tổng lượng mưa cho đến hết ngày 27.3 tại miền Trung đã vượt kỷ lục mưa từng được ghi nhận trong suốt 50 năm qua.
Hết lũ rồi đến hạn hán. Ngành nông nghiệp của tỉnh dự báo vụ hè thu hạn hán kéo dài nhiều khả năng ảnh hưởng hơn 14.000ha cây trồng, chủ yếu lúa. Cho nên, năm 2015, tỉnh bố trí ngân sách gần 37 tỷ đồng cho công tác chống hạn, bằng các biện pháp nạo vét các đoạn sông bị bồi lấp để khơi thông dòng chảy; sửa chữa, xây dựng các đập dâng kiên cố, đập thời vụ, đập bổi; đóng hàng trăm giếng khoan lấy nước ngầm…
“Đi trước” thời tiết
Trước những tác động của biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp nhiều địa phương trong tỉnh chủ động cơ cấu lại sản xuất, thực nghiệm một số loại cây trồng chịu hạn cao, hoặc giống cây ngắn ngày thu hoạch trước khi lũ đến. Hiện tại, những vùng nhiễm mặn do hạn hán ở các xã Tam Phú, Tam Thăng, An Phú (TP.Tam Kỳ), chính quyền thực hiện chuyển đổi cây lúa sang các loại bắp, đậu phụng, rau lang và một số cây trồng cạn khác. Đối với những vùng đất thường xuyên bị ngập lụt đã chuyển dịch trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản với các loại tôm, cua, cá có thời gian sinh trưởng ngắn ngày.
Tại xã Bình Triều (Thăng Bình), mô hình trồng rau sạch theo thương hiệu VietGAP đã bước đầu mang lại hiệu quả cho người dân, dù nơi này là một “sa mạc cát”. Kinh nghiệm cho thấy, để chống chịu với biến đổi khí hậu khôn lường, người dân xã Bình Triều chủ động giữ gìn, bảo vệ hàng cây dương liễu bao quanh làng. Rừng cây luôn có tác dụng chắn gió vào mùa mưa bão, giữ nước và điều hòa khí hậu vào mùa khô. Luống trồng rau được đắp lên cao hạn chế sự ngập úng vào mùa mưa.
Hoặc, nhiều vùng nuôi tôm ven biển thường xuyên được mùa cũng nhờ vào việc nuôi thả đúng lịch thời vụ, chọn vị trí ao nuôi phù hợp. Theo TS.Võ Văn Minh, Trưởng khoa Sinh - môi trường thuộc Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, một số mô hình trồng rau hoặc nuôi tôm trên địa bàn tỉnh thành công ngoài vận dụng các tiêu chuẩn khắt khe của nông nghiệp sinh thái, còn biết bảo vệ môi trường, tiên phong một số loại cây trồng, con vật nuôi chấp nhận “sống chung” với thời tiết cực đoan.
Ở tầm nhìn chiến lược hơn, đề án thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến 2030, nông nghiệp được xem là lĩnh vực trọng tâm trong chương trình hành động phát triển kinh tế. Trong đó, tỉnh tập trung cải thiện sinh kế cho người dân sống ở các vùng có nguy cơ ảnh hưởng nhiều do thiên tai; chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng phù hợp với từng vùng và đạt hiệu quả kinh tế cao; nghiên cứu các sinh kế thay thế phù hợp với từng vùng như trồng cây phi lao để chắn cát…
Trong khi đó, Bộ NN&PTNT ban hành hàng loạt chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với nước biển dâng và biến đổi khí hậu như xây dựng giải pháp quy hoạch đảm bảo 3,8 triệu héc ta diện tích đất lúa, trong đó 3,2 triệu héc ta đất canh tác 2 vụ, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; giảm phát khí thải nhà kính qua kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng; thúc đẩy quy trình VietGAP trong trồng trọt, chăn nuôi; đẩy mạnh trồng rừng, phục hồi rừng, xúc tiến tái sinh và làm giàu từ rừng.
Ông Phạm Đồng Quảng - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT cho rằng, tái cơ cấu sản xuất trồng trọt theo hướng chiến lược lâu dài ứng phó với biến đổi khí hậu cần tính đến yếu tố mất đất, nhiễm mặn, thời tiết cực đoan và các đe dọa bất lợi của ngành sản xuất lúa nước trong tương lai. Tăng cường các biện pháp canh tác, các phương thức sản xuất nông nghiệp đa mục tiêu như an ninh lương thực, tăng thu nhập cho nông hộ và giảm phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, cần mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn kết hợp với quy hoạch tổng thể vùng sản xuất dự lường tất cả rủi ro về thời tiết cực đoan.
Có thể bạn quan tâm

Trung tâm Khuyến nông tỉnh vừa thành lập 2 điểm thú y cộng đồng thuộc “Dự án xây dựng mô hình áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo kết hợp với thú y cộng đồng” nhằm phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAP cấp nông hộ.

Tổng đàn hươu của huyện Quỳnh Lưu hiện có gần 13.000 con, trong đó xã Quỳnh Nghĩa là một trong những địa phương có số lượng hươu lớn nhất với hơn 1.500 con. Nhân dân trong xã chủ động trồng cỏ và các loại cây làm thức ăn tại chỗ cho hươu. Trung bình mỗi hộ ở Quỳnh Nghĩa có từ 2 – 3 con hươu.

Việc tiêu thụ sản phẩm trái cây đang là vấn đề thời sự ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Tiền Giang nói riêng. Thị trường tiêu thụ vẫn còn bấp bênh và phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống thương lái. Vì vậy, việc hình thành nên mạng lưới thu mua - bảo quản - chế biến để nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế cây ăn trái đang là vấn đề cấp thiết.

Đạ Ròn (Đơn Dương - Lâm Đồng), một trong những địa phương phát triển mạnh về nghề nuôi bò sữa, hiện đang bước vào giai đoạn thịnh vượng, số đầu bò sữa ngày càng nhân rộng. Không chỉ nuôi bò cho sữa mà ở Đạ Ròn còn xuất hiện mô hình nuôi bò sữa để bán. Với cách làm ăn của những nông hộ này, số lượng bò sữa ngày càng được nhân rộng nhanh chóng, với giá cả vừa phải, chất lượng bò đảm bảo, giúp nhiều hộ đủ điều kiện mua một con bò mẹ vốn có giá rất cao.

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ thì hành trình “giúp hàng chục triệu nông dân ĐBSCL vượt qua thách thức trở thành “doanh nhân nông nghiệp”, làm giàu bằng nghề nông” - như cách nói của ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ vẫn còn nhiều gian nan. Vì vậy, sắp tới đây các tỉnh Tây Nam bộ cần có những sách lược phát triển thỏa đáng hơn, hợp tác, liên kết vùng để cùng nhau phát triển trong giai đoạn mới.