Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sức Bật Quốc Oai

Sức Bật Quốc Oai
Ngày đăng: 23/08/2014

Sau hơn ba năm triển khai chương trình, huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã đạt một số kết quả khả quan trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, còn bộc lộ nhiều khó khăn.

Những nỗ lực đáng ghi nhận

Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện, xã Nghĩa Hương vừa được UBND thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn NTM tháng 4-2014. Trong năm nay, huyện phấn đấu thêm bốn xã: Sài Sơn, Phượng Cách, Thạch Thán, Phú Cát cán đích. Các xã còn lại đều thuộc nhóm khá đạt từ 9 đến 13 tiêu chí (TC).

Có được kết quả nêu trên là nhờ sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị và sự thay đổi nhận thức của nhân dân về những lợi ích thiết thực mà chương trình xây dựng NTM mang lại, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của họ.

Nhiều nơi đã vận động người dân hiến đất, tham gia ngày công làm đường giao thông, kênh mương, thủy lợi như ông Phùng Hữu Thực (xã Hòa Thạch) hiến 759 m 2 đất vườn tạp, ông Nguyễn Văn Bạch, Nguyễn Văn Quang (Phú Cát) hiến từ 45 đến 70 m 2 đất thổ cư xây dựng NTM.Các cấp, các ngành ở Quốc Oai đã phát huy tốt vai trò của người nông dân, gắn họ với ruộng đồng, quan tâm các chính sách hỗ trợ bà con gắn với chương trình NTM tại 19 xã.

Thời gian qua, Phòng Kinh tế huyện cũng phối hợp các xã, các trường dạy nghề trên địa bàn mở bốn lớp hướng dẫn cách trồng rau an toàn, ba lớp trồng lúa chất lượng cao, năm lớp chăn nuôi thú y tại các xã Đông Xuân, Hòa Thạch, Yên Sơn, Liệp Tuyết, Đồng Quang.

Đã có nhiều mô hình tốt như: Sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại HTX nông nghiệp Nghĩa Hương và Thạch Thán với tổng diện tích 165 ha, phấn đấu thời gian tới là 200 ha; trồng mới 5 ha và thâm canh 10 ha chè chất lượng cao ở Long Phú và Hòa Phú...

Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, thủy sản; diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện là 420 ha, sản lượng ước đạt trong sáu tháng đầu năm là 901 tấn, tăng 11,8% so cùng kỳ năm 2013. Xã Phú Cát, một trong những "điểm sáng" về chăn nuôi của Quốc Oai, có 34 trại nuôi gà, nhiều trại nuôi từ năm nghìn đến 10 nghìn gà đẻ trứng cho giá trị kinh tế cao.

Một số hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu, thu nhập đạt hơn 300 triệu đồng/năm như gia đình ông Nguyễn Văn Thể ở thôn 3, ông Phạm Quang Huy ở thôn 5, ông Phùng Văn Hưng ở thôn 6... Theo Bí thư Đảng ủy xã Ngô Văn Chiến, từ khi xây dựng NTM, mức thu nhập bình quân đầu người tăng hơn hẳn, nếu năm 2010 đạt 13,6 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2013 là 25,1 triệu đồng/người/năm.

Còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, việc xây dựng NTM ở Quốc Oai vẫn còn nhiều khó khăn bởi là huyện nông nghiệp, ngân sách thu thấp đạt khoảng 200 tỷ đến 300 tỷ đồng/năm. Do vậy, tiến độ thực hiện các công trình thuộc dự án ở nhiều địa phương còn chậm hoặc chưa làm được do thiếu nguồn vốn.

Mặc dù đã quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, nhưng hạ tầng cơ sở phục vụ tại các vùng chưa đáp ứng, cho nên việc triển khai chưa thuận lợi, nhất là các nơi được quy hoạch trồng rau, hoa, cây ăn quả, chăn nuôi xa khu dân cư.

Việc huy động các nguồn lực chưa hiệu quả; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất lấy nguồn đối ứng xây dựng NTM còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do sự phối hợp giữa các phòng, ban, UBND các xã chưa đồng bộ; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở một số nơi chưa sâu rộng, hiệu quả chưa cao, nhất là việc huy động nguồn đóng góp của người dân...

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hồng Lâm, để khắc phục những bất cập trong thực tế, huyện đã đề ra một số giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu giống và quy hoạch khoa học các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Xây dựng đề án cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các thành phần đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nhằm giảm sức lao động và chi phí sản xuất; tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, hạ tầng làng nghề, trường học, chợ, bảo đảm kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo TC NTM.

Tập trung hoàn thành các tiêu chí không cần hoặc cần ít kinh phí; phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, tạo điều kiện hình thành các cụm điểm công nghiệp để tạo thêm việc làm cho lao động trong huyện...

Với nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục nâng cao đời sống người dân, thời gian tới, Quốc Oai sẽ cố gắng huy động nguồn lực đóng góp từ xã hội hóa, phát huy cách làm sáng tạo để hoàn thành chỉ tiêu thành phố đề ra. Có thể khẳng định, xây dựng NTM đã tạo nên sức bật ở mảnh đất thuần nông này.


Có thể bạn quan tâm

Khánh Hòa: Mô Hình Nuôi Sá Sùng Thương Phẩm Khánh Hòa: Mô Hình Nuôi Sá Sùng Thương Phẩm

Với giá trị kinh tế cao, hiện chưa có dấu hiệu dịch bệnh, sá sùng đang được xem là đối tượng nuôi mới, phù hợp ở vùng ven biển Khánh Hòa.

24/10/2013
Nuôi Bò - Mô Hình Thoát Nghèo Bền Vững Nuôi Bò - Mô Hình Thoát Nghèo Bền Vững

Khoảng vài năm trở lại đây, người dân ở đây đầu tư nuôi bò, có hộ vài con, có hộ lên tới hàng chục con.

24/10/2013
Nuôi Cá Tra Và Cuộc Cạnh Tranh Không Cân Sức Nuôi Cá Tra Và Cuộc Cạnh Tranh Không Cân Sức

Trong khi các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đang mở rộng chuỗi sản xuất bằng cách mở rộng sang lĩnh vực nuôi trồng với nhiều lợi thế từ vốn, kỹ thuật, số nông hộ nuôi cá tra đang ngày trở nên yếu thế, hoặc bỏ nghề hoặc làm thuê cho doanh nghiệp.

25/10/2013
Thị Xã Hồng Ngự (Đồng Tháp): Bảo Vệ Tôm, Cá Nuôi Trong Mùa Lũ Thị Xã Hồng Ngự (Đồng Tháp): Bảo Vệ Tôm, Cá Nuôi Trong Mùa Lũ

Mùa lũ năm nay, toàn thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) có 138,65ha diện tích nuôi tôm mùa lũ, 46ha cá tra thương phẩm, 105 ao nuôi cá tra giống, 209 lồng bè...

25/10/2013
Phất Lên Nhờ Trồng Ấu Trên Đất Ruộng Phất Lên Nhờ Trồng Ấu Trên Đất Ruộng

Tại cồn An Thạnh, xã Hòa Bình (Chợ Mới - An Giang), nông dân rất phấn khởi vì thu hoạch ấu trúng mùa, được giá.

25/10/2013