Sữa Tươi Ế Vì Liên Kết Lỏng Lẻo
Những ngày qua, nhiều người chăn nuôi bò sữa xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đứng ngồi không yên vì lượng sữa sản xuất ra không tiêu thụ hết.
Trước tình hình trên, chiều 12/1, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn với sự tham gia của đầy đủ 3 "nhà": Nông dân, DN và nhà quản lý.
Nông dân đứng ngồi không yên
Từ nhiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Thảo, thôn Phù Dực 2, xã Phù Đổng có thu nhập chính từ chăn nuôi bò sữa. Hiện tại gia đình ông đang nuôi 4 con bò, cho khai thác 50kg sữa/ngày. Ông Thảo cho biết, thời gian gần đây, trạm thu gom sữa thông báo và cắt giảm sản lượng sữa mua từ các hộ dân. Cứ 2 - 3 ngày, nhà ông Thảo lại bị "cắt" khoảng 7 - 8kg sữa. Số sữa "ế" này, gia đình ông phải quay sang làm sữa chua hay uống tươi, nhưng cũng không sử dụng hết.
Khó khăn hơn ông Thảo, hộ ông Nguyễn Đức Dư, xã Phù Đổng đang đứng trước nguy cơ phá sản vì không tiêu thụ hết lượng sữa làm ra, bởi ông vừa mở trạm thu gom sữa, vừa trực tiếp chăn nuôi 40 con bò sữa. Từ tháng 12/2014 đến nay, do lượng sữa thu mua của Công ty CP sữa Quốc tế (IDP) giảm nên ông Dư phải bán bớt 14 con bò. Hiện tại, mỗi ngày đàn bò của gia đình ông cho thu hoạch 1,56 tấn sữa, nhưng chỉ bán được 1,35 tấn. Số còn lại ông phải mang bán cho các DN sản xuất bánh sữa với giá chỉ 5.000 đồng/kg, tính ra lỗ khoảng 1,7 triệu đồng/ngày.
Theo thống kê, toàn xã Phù Đổng có khoảng 1.700 con bò sữa, sản lượng khai thác đạt 16 - 17 tấn/ngày. Trên địa bàn xã có 6 trạm thu mua sữa cho các công ty, trong đó Công ty IDP thu mua khoảng 43%, còn lại là Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk). Khoảng gần một tháng nay, việc tiêu thụ sữa của bà con trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Theo phản ánh của các trạm thu gom, nguyên nhân là do Công ty IDP thông báo hạn chế việc thu mua sữa và tập trung vào địa bàn huyện Ba Vì. Không những thế, từ tháng 10/2014, giá mua sữa của Công ty IDP là 12.200 đồng/kg (trong khi Vinamilk đang thu mua với giá 14.000 đồng/kg), gây thiệt thòi cho người nông dân.
Không chỉ xã Phù Đổng, tình trạng nông dân không tiêu thụ hết lượng sữa sản xuất ra cũng xảy ra tại các xã khác của huyện Gia Lâm như Dương Hà, Trung Mầu, Đặng Xá khiến người chăn nuôi vô cùng hoang mang.
Thiếu liên kết chặt chẽ
Lý giải về việc không thu mua hết sữa cho người chăn nuôi, đại diện Công ty IDP cho rằng, Công ty đang trong giai đoạn tái cơ cấu đầu tư trong khi sản lượng sữa của người dân tăng bất thường.
Vào mùa Hè, địa bàn xã Phù Đổng cung ứng khoảng 5 - 5,5 tấn sữa/ngày nhưng mùa Đông lên tới 6,5 tấn/ngày, khiến cho công ty gặp khó khăn trong việc thu mua hết lượng sữa trong dân. Ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty IDP cho biết, có ngày sản lượng sữa của xã Phù Đổng tăng đột biến tới 35 - 45%, trong khi toàn bộ bao bì của Công ty phải nhập từ Thụy Điển nên không đủ năng lực đóng gói.
Thực tế cho thấy, các công ty sữa chủ yếu chỉ mới ký hợp đồng với các trạm thu gom sữa, lấy mẫu phân tích tại bồn tổng của trạm và thanh toán tiền sữa cho các trạm thu gom mà không ký hợp đồng chặt chẽ với từng hộ chăn nuôi. Điều đó dẫn tới tình trạng khi giá sữa đắt, nông dân bán ra ngoài, còn khi sản lượng nhiều, dư thừa thì "phó mặc" cho các công ty. Lãnh đạo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cũng nhận định, thực tế có tình trạng phát triển chăn nuôi bò sữa một cách tự phát, ngoài quy hoạch dẫn tới sản lượng vượt khả năng thu gom của các công ty.
Trước thực trạng trên, Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội đã trực tiếp làm việc và đề nghị Công ty IDP cùng các công ty sữa trên địa bàn Hà Nội thu gom hết lượng sữa cho người dân.
Đặc biệt, ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị, trong năm 2015, Công ty IDP có ký kết hợp đồng với từng hộ dân. Trong đó, phân rõ trách nhiệm của từng bên và yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Có như vậy mới đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững.
"Chính quyền địa phương phải có định hướng, không thể để cho bà con nông dân phát triển chăn nuôi tự phát như hiện nay". Ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, tỉnh Bến Tre đã triển khai nhiều mô hình trồng xen, nuôi xen hiệu quả trong vườn dừa, với việc lựa chọn cây trồng xen, vật nuôi xen thích hợp với đặc điểm tự nhiên của từng vùng trong tỉnh.
Đến thăm nhà anh Ba Kiên (Võ Trung Kiên), 58 tuổi, ở xã Phước Vinh, chúng tôi ghi nhận mô hình làm ăn mới của nông dân thời hội nhập. Anh tổ chức sản xuất nề nếp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, bảo đảm kinh tế phát triển bền vững. Anh là một trong những nông dân tiêu biểu vượt khó vươn lên làm giàu trên đồng đất Bảo Vinh.
Những ngày đầu tháng 10, trong chuyến công tác tại huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), tôi đến thăm mô hình nuôi cá tầm của HTX Hạnh Lợi ở bản Nặm Uôn, xã Chiềng Ơn. Thật bất ngờ khi tận mắt nhìn thấy những con cá tầm, loài cá chỉ thích nghi ở vùng nước lạnh lại sống khỏe mạnh, phát triển tốt ngay trên hồ thủy điện Sơn La.
Cho đến nay thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc chữa bệnh đốm trắng cho tôm. Vậy mà, sau nhiều năm trăn trở, nghiên cứu, một nông dân ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tìm ra bài thuốc chữa bệnh bằng tỏi, mở ra một hướng mới trong điều trị bệnh cho tôm.
Ông Võ Văn Đỏ, là tổ trưởng nhân giống lúa xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành và là nông dân tiên phong tỉnh Long An thực hiện mô hình “Nuôi cấy nấm xanh diệt rầy nâu tại nông hộ” đạt hiệu quả.