Sự Thật Về Rau Lớn Nhanh Như Phim Hoạt Hình
Anh Nguyễn Văn Thuần-Phó phòng Kỹ thuật Chi cục BVTV Hà Nội bảo tôi: "Ngay sau khi cơ quan truyền thông đưa cảnh phỏng vấn người trồng rau về loại thuốc kích thích tăng trưởng phun chỉ 1-3 ngày khiến cho rau tăng trưởng đột biến rồi đem bán, bạn bè tôi làm trong ngành BVTV một số gọi điện bảo không có chuyện đó, một số khác giục giã Hà Nội làm thí nghiệm để chứng minh rằng điều đó không đúng, nhằm tránh thiệt thòi cho nông dân".
Tin xấu lan nhanh khiến cho nhiều người tiêu dùng quay lưng lại với rau ăn lá, nông dân trồng rau méo mặt bởi sản phẩm bán không ai mua, cơ quan chức năng thì như ngồi trên đống lửa bởi sức ép dư luận.
Vẫn ông Thuần cho hay, Chi cục BVTV Hà Nội quyết định làm thí nghiệm kiểm chứng để xem sự kỳ diệu của thuốc kích thích tăng trưởng đến cỡ nào. Ngay ngày 30/1, một số cán bộ BVTV đã đổ đi lùng thuốc ngoài thị trường, số khác quay vào lục kho xem những loại thuốc kích thích tăng trưởng đã bị bắt trong các đợt thanh tra. Bao vất vả, các loại thuốc tăng trưởng khá quen thuộc đã được mang đến duy loại "thần dược" siêu tốc 920 là tìm đỏ mắt, đi rã cẳng chân mà vẫn chẳng sủi tăm. Thực chất, 920 là thuốc ngoài luồng, không phổ biến nên dù cán bộ BVTV Hà Nội có lùng sục mấy cũng không dễ phát hiện ra, dù chỉ một gói. Bí quá, anh em bên Chi cục liền điện thoại cho Trạm BVTV Gia Lâm nói khó nhờ tìm giúp và đơn vị này lại… nói khó nhờ dân mua.
Sáng ngày 31/1, cú điện thoại từ Trạm BVTV Gia Lâm gọi về với thông tin vỏn vẹn đã mua được mấy gói 920. Nhận được tin, lực lượng ở Chi cục BVTV Hà Nội thở phào, quyết định chuyển ngay thuốc và phương tiện xuống làm thí nghiệm ngay trong chiều, địa điểm được chọn là cánh đồng trồng rau ở phường Giang Biên (quận Long Biên).
Cuối năm rét đậm 7-8 độ cộng với những mưa phùn lây phây kéo dài lê thê nhưng vẫn không làm chùn bước thí nghiệm. Loại rau được đem ra làm "chuột bạch" là rau xà lách (giống rau ăn lá vốn rất dễ tăng trưởng-PV) lúc đã 25 ngày tuổi của Công ty Cổ phần Sản xuất và Dịch vụ Nông sản Hà An. Toàn bộ thí nghiệm được chia làm 5 ô, 4 ô phun thuốc lần lượt là Vimogreen (thuốc tăng trưởng có trong danh mục), HVP GA 3; GA 3; 920 và một ô đối chứng không phun.
Công thức pha lấy luôn công thức dân dã mà người trồng rau hay dùng để áp dụng: một gói thuốc pha với 7-8 lít nước. Sau khi đã quấy đều, đảm bảo cho thuốc tan hết, một người có kinh nghiệm về BVTV được cắt cử ra phun thuốc lên luống rau sao cho thật chậm, thật đều. Tất cả nhất cử, nhất động đều được Cục phó Cục BVTV Bùi Sĩ Doanh, các thanh tra Cục, Chi cục, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Hà Nội Đào Duy Tâm… và ống kính máy quay, máy ảnh hùng hậu của cánh truyền hình, báo chí theo dõi từng ly, từng tí.
Để đảm bảo thuốc không bị nước mưa pha loãng, những người làm thí nghiệm sau khi phun xong còn cẩn thận trùm kín nylon lên toàn bộ các luống rau đến 2 ngày sau mới dỡ ra (trong điều kiện bình thường, thuốc BVTV chỉ cần 5-7 tiếng đã ngấm vào rau-PV)
Hôm nay 4/2/2008, tức là 5 ngày sau khi phun các loại thuốc kích thích tăng trưởng, tôi đến lô ruộng thí nghiệm vẫn thấy những bóng cán bộ kỹ thuật cần mẫn theo dõi giữa cánh đồng hun hút gió lạnh. Do ở ngay trong lô sản xuất rau an toàn của Công ty Hà An nên ban ngày lúc nào cũng có 4 người của Chi cục BVTV Hà Nội bám trụ. Ban đêm lại có thêm anh Chiến-bảo vệ của đơn vị cắt cử theo dõi nên có thể đảm bảo về an ninh 24/24, về kỹ thuật cũng được tuân thủ ngặt nghèo.
Có thể nhìn thấy bằng mắt thường, 4 ô phun thuốc và 1 ô đối chứng, rau mọc không… khác nhau là mấy. Lô thứ nhất phun thuốc 920 kích cỡ cây một mười, một chín với ô đối chứng nhưng màu sắc lá khác thấy rõ, lá mỡ hơn, bóng hơn, đẹp hơn màu lá xanh đậm của rau ô đối chứng. Lô thứ 2 phun thuốc Ga 3 cũng trông như lô phun thuốc 920, màu mỡ hơn, sáng hơn, lá có phần to hơn một chút với 920, kích cỡ nhỉnh hơn chút so với ô đối chứng. Lô phun thuốc HVP Ga 3 màu kém hơn hai loại thuốc kia một chút nhưng sáng hơn rau không phun. Lô duy nhất phun thuốc kích thích có trong danh mục Vimogreen trông không khác rau đối chứng là mấy, chỉ nhỉnh hơn chút xíu.
Vậy là sau 5 ngày-thời gian lâu hơn rất nhiều so với sự đồn thổi trong phóng sự về rau siêu tốc nhưng tác dụng của thuốc kích thích tăng trưởng không thấy sự đột biến. ÔngNguyễn Văn Thuần lý giải có thể do thời tiết rét quá rau phát triển chậm nhưng đây không phải là lý do chính bởi thí nghiệm đã làm theo lối rất sòng phẳng, cùng so sánh trong cùng điều kiện thời tiết, che phủ như nhau.
"Khoảng 20 ngày nữa, khi đến thời kỳ thu hoạch, chúng tôi sẽ tiến hành cân, đong đo đếm cụ thể sinh khối từng lô để đưa ra con số so sánh cuối cùng. Thí nghiệm này cũng chỉ để giải quyết khâu bức xúc trước mắt còn sắp tới chúng tôi kiến nghị sẽ làm một thí nghiệm bài bản hơn trên một diện tích lớn hơn với những đối tượng như xà lách, cải xanh, cải ngọt, su hào… Nhưng tôi có thể khẳng định không có loại thuốc nào phun trên rau mà chỉ một thời gian ngắn khiến cho chúng lớn nhanh như thổi, nhất là với rau ăn củ như thông tin vừa qua đâu", ông Thuần nói.
Có thể bạn quan tâm
Ông Mai Tấn Phước (ngụ khóm Thới An A, phường Mỹ Thạnh, TP.Long Xuyên, An Giang) cho biết, gia đình ông đang nuôi 8.000 con cá lóc giống bằng thức ăn công nghiệp trong 4 bể ny-lon (tổng diện tích 62 m2).
Mới đây, qua kết quả khảo sát thực địa của PGS Tiến sĩ Võ Văn Phú, Khoa Sinh học Đại học Khoa học Huế cho thấy rằng, nguồn chim yến tự nhiên ở vùng Huế không thua kém các tỉnh duyên hải phía Nam.
Xã Phước Hậu (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) là vùng đất thuần nông. Sau cây lúa, cây nho, mô hình gia trại trồng táo-nuôi dê đang được các hộ trong xã nhân rộng. Chỉ vài năm qua, đã có hàng trăm hộ ăn nên làm ra từ dê, táo.
Ông Trần Công Danh - Trưởng Ban KTNS - HĐND tỉnh Bến Tre (người đi đầu) đang phúc tra trại nuôi cá da trơn của Công ty Cổ phần Thủy sản Hải Hương tại ấp Tiên Lợi (Tiên Long - Châu Thành).
Năm 2013, nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bến Tre tiếp tục gặp khó khăn do sự thay đổi thất thường của thời tiết, giá thủy sản thương phẩm không ổn định, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, môi trường nuôi suy thoái,…