Sử Dụng Phương Tiện Cơ Giới Trong Sản Xuất, Chế Biến Cà Phê Ở Hướng Hóa
Với tình hình giá cả xuống thấp như hiện nay, người trồng cà phê ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đang tăng cường sử dụng các phương tiện cơ giới trong một số công đoạn sản xuất và chế biến để tiết giảm tối đa chi phí đầu tư cho vườn cây, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Trong một vài năm trở lại đây, khi diện tích cây cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa bắt đầu bước vào giai đoạn cuối của chu kỳ sản xuất thì nhu cầu tái canh cũng theo đó tăng mạnh. Nếu như khoảng 10 năm trước, để tái canh thì công đoạn nhổ bỏ cây già, làm đất, đào hố hoàn toàn được thực hiện bằng phương pháp thủ công, thời gian kéo dài với chi phí rất lớn, ảnh hưởng đến thu nhập thì nay những công việc đó gần như đã được thay thế bằng các phương tiện cơ giới.
Với diện tích cà phê lên đến 5.000 ha, chủ yếu là giống cà phê chè Catimor, trong đó gần 2.000 ha đã già cỗi cần phải được nhổ để tái canh thì nhu cầu sử dụng các phương tiện cơ giới trong khâu làm đất thời gian qua là rất lớn. Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp là bài toán tất yếu trong việc tiết giảm chi phí đầu tư, cũng như chủ động được thời gian trong việc tái canh đúng mùa vụ. Gia đình ông Lý Hợp ở thôn Hòa Thành, xã Tân Hợp có 1,5 ha cà phê trồng từ năm 1992, năm nay ông quyết định phá bỏ vườn cây để trồng mới.
Ông cho biết: “Trước đây để trồng mới vườn cà phê này, riêng khâu làm đất, đào hố cho 1,5 ha phải mất gần một tháng với 4 đến 5 nhân công làm việc liên tục, chi phí từ 15 đến 20 triệu đồng, ở thời điểm đó giá nhân công còn rẻ. Hiện nay nếu làm thủ công chắc chắn chi phí sẽ đội lên rất cao do giá nhân công cao hơn hẳn. Bây giờ chỉ cần gọi điện cho các chủ máy cày và chỉ trong vòng hai ngày là xong, nhanh gọn mà chi phí giảm đi gần một nửa”.
Cũng giống như ông Hợp, người trồng cà phê ở Hướng Hóa hiện nay muốn tái canh thì chỉ cần có yêu cầu là những người chuyên làm nghề sẽ dùng cưa máy để cắt bỏ cây già, sau đó máy cày sẽ tiến hành cày rạch hàng, nông dân chỉ tốn ít sức để nhổ bỏ phần rễ sau đó tiến hành cày ải đất.
Theo tính toán của nhiều nông dân thì riêng chi phí làm đất cho mỗi héc ta vào khoảng 6 đến 8 triệu đồng rẻ hơn từ 3 đến 4 triệu đồng so với cách dùng sức người như lâu nay, trong khi thời gian được rút ngắn xuống chỉ còn 2 ngày thay vì cả tháng như trước. Tuy nhiên việc sử dụng máy móc chỉ phù hợp ở những vùng đất đai bằng phẳng, độ dốc thấp và diện tích lớn.
Việc cơ giới hóa trong khâu làm đất không chỉ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư mà còn giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Theo kinh nghiệm của nhiều người trồng cà phê đã từng tái canh, nếu sử dụng máy cày thì đất sẽ tơi xốp hơn, các loại cỏ dại sẽ bị chôn sâu và đất được giữ ẩm tốt hơn giúp cho việc trồng xen các loại cây ngắn ngày như lạc, ngô…đạt năng suất cao hơn hẳn khi làm đất bằng phương pháp thủ công.
Không chỉ cơ giới hóa trong khâu làm đất, hiện nay người trồng cà phê ở Hướng Hóa đã bắt đầu sử dụng rộng rãi các loại máy làm cỏ trong khâu chăm sóc cà phê. Điều này cũng giúp tiết kiệm chi phí nhân công trong điều kiện giá cà phê xuống thấp như hiện nay. Mặc dù vẫn chưa hoàn toàn thay thế cách làm cỏ thủ công nhưng đây là dấu hiệu chứng tỏ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đang được người dân tích cực ứng dụng.
Tỷ lệ thuận với các khâu trồng và chăm sóc, hoạt động chế biến cà phê cũng đang được cơ giới hóa nhiều công đoạn. Hiện huyện Hướng Hóa có 17 đại lý thu mua và chế biến cà phê với các loại máy móc hiện đại bảo đảm bao tiêu toàn bộ sản lượng cà phê hàng năm của người dân trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, nhờ hệ thống giao thông đã phủ kín về tận 100% thôn bản nên việc vận chuyển cà phê đã được cơ giới hóa hoàn toàn, không còn cảnh người dân phải gùi cõng đến những trục giao thông chính để bán cho thương lái như trước. Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Hướng Hóa thì tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất cà phê hiện nay đã lên đến khoảng 35 - 40%, trong đó cao nhất là ở các khâu làm đất, vận chuyển và chế biến. Đây là một tín hiệu đáng mừng trong điều kiện Hướng Hóa là một địa phương vùng núi, địa hình chia cắt, khả năng tiếp cận các loại máy nông nghiệp hiện đại của người dân vẫn còn hạn chế.
Tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp không phải là chuyện mới. Từ lâu vấn đề này đã được sự quan tâm của toàn xã hội và cũng là xu thế mà nông dân nói chung, người trồng cà phê ở Hướng Hoá nói riêng đang hướng tới bởi tiết giảm được chi phí sản xuất trong khi hiệu quả kinh tế được nâng cao rõ rệt. Việc sử dụng các loại phương tiện cơ giới, thiết bị máy móc vào sản xuất, chế biến cà phê nói riêng và trong nông nghiệp nói chung sẽ giúp nông dân xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, hướng đến một nền sản xuất tiên tiến, hiện đại.
Nguồn bài viết: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=87&modid=390&ItemID=88352
Có thể bạn quan tâm
Lọt vào nhóm các ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu (XK) “tỷ đô” mỗi năm, tuy nhiên, XK rau quả của Việt Nam vẫn chưa xứng với tiềm năng. Đặc biệt, ở những thị trường lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ, thị phần rau quả Việt còn rất hạn chế.
Đơn cử như Huyện hội thì phối hợp với Trung tâm dạy nghề mở các lớp dệt thổ cẩm cho phụ nữ dân tộc thiểu số và vận động 12 chị tham gia các lớp cạo mủ cao su, tin học. Hội phụ nữ các xã Đắk D’rô, Tân Thành mở được 2 lớp xóa mù chữ cho 47 hội viên, phụ nữ dân tộc, tôn giáo.
Hiện ở nước ta có nhiều vùng trồng mắc ca, song chủ yếu tập trung ở vùng Tây Nguyên và Tây Bắc. Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, tổng diện tích trồng mắc ca tại Tây Nguyên là 1.645 ha, Tây Bắc, diện tích rừng trồng mắc ca chưa lớn, chủ yếu tập trung tại Sơn La, Điện Biên và một số tỉnh đang trồng thử nghiệm.
Trong rất nhiều nguyên nhân khiến tiến độ giao đất giao rừng trên địa bàn huyện Điện Biên chậm phải kể đến những khó khăn, vướng mắc trong khâu tổ chức họp dân tuyên truyền để bà con nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng. Nếu như ở một số địa bàn khác người dân tích cực phối hợp, nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng, thì tại bản Nậm Ty 1, Nậm Ty 2, xã Hua Thanh dù đến nay đã qua vài ba lần họp dân, nhưng rừng vẫn chưa thể giao cho cộng đồng!
Đó là tâm sự của của ông Lèng Văn Vĩnh, Trưởng bản Mới 1, xã Chà Cang (huyện Nậm Pồ) cũng như nhiều học viên được học nghề theo Đề án 1956 mà cán bộ Phòng Dạy nghề (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) nhận được sau khi phỏng vấn trực tiếp. Điều đó nói lên rằng, tìm việc làm cho lao động sau học nghề luôn là “bài toán” khó!