Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Heo sạch từng bước vào chợ

Heo sạch từng bước vào chợ
Ngày đăng: 03/11/2015

Hiện nay thị trường TP.HCM đã có thịt heo VietGap an toàn với giá bằng với heo thường.

Đây là sản phẩm từ dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) do Ngân hàng Thế giới tài trợ và Sở NN&PTNT TP.HCM là đơn vị chủ quản thực hiện nhằm hỗ trợ cung cấp thịt sạch từ trang trại đến bàn ăn cho người tiêu dùng.

Thịt sạch giao tận nhà

Khoảng 9 giờ sáng một ngày cuối tháng 10, tại khu thực phẩm tươi sống chợ Hòa Bình tấp nập khách mua sắm, trong đó đông nhất là tại sạp 123D-124D treo bảng hiệu “Quầy thịt heo VietGap ”.

Chị Nguyễn Thị Phương Mai nhà ở quận 5 cho hay, biết thông tin tại chợ Hòa Bình có bán thịt heo sạch nên tìm đến chợ để mua.

“Sợ mua phải thịt heo trôi nổi không an toàn nên tôi đến chợ này để mua cho chắc ăn.

Tôi cảm thấy yên tâm vì sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng và được cơ quan chức năng kiểm soát” - chị Mai nói.

Đứng chờ nhân viên bán hàng cho chị Mai xong, cô Nguyễn Phương Uyên đề nghị bán cho mình 2 kg thịt vai và xương.

Cô Uyên cho hay nhà ở quận Bình Thạnh nhưng thấy ở chợ này bán thịt heo sạch nên dù nhà xa vẫn chạy đến tận đây mua.

Giá thịt heo VietGap  tương đương với thịt heo thường.

Chẳng hạn thịt đùi heo thường 75.000 - 80.000 đồng/kg, thịt heo VietGap 75.000 đồng/kg; ba rọi heo thường 80.000 - 85.000 đồng/kg, VietGap 85.000 đồng/kg. “Thịt sạch mà bán giá như vậy là rẻ rồi.

Giả sử giá thịt heo sạch có cao hơn heo thường 5.000 - 10.000 đồng/kg tôi cũng mua để đảm bảo sức khỏe cho gia đình” - cô Uyên quả quyết.

Cô Uyên còn được nhân viên bán hàng tư vấn: “Nếu chị có nhu cầu thì có thể đặt hàng qua điện thoại, mua trên 5 kg sẽ được giao tận nơi”.

Nói rồi cô nhân viên đưa card trong đó có ghi thông tin công ty, địa chỉ, số điện thoại… để khách tiện liên hệ đặt hàng.

Mở thêm nhiều điểm bán heo sạch

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (đơn vị phối hợp với Sở NN&PTNT TP.HCM kết nối và bao tiêu heo chăn nuôi theo chuẩn VietGAP trên địa bàn TP.HCM), cho biết trung bình một ngày tiêu thụ khoảng 500 kg thịt heo VietGap.

Ngoài ra, mỗi ngày công ty xuất chuồng 200 - 250 con heo chủ yếu bán cho các bếp ăn nhà trẻ, trường học, nhà hàng, khách sạn.

Bà Thắm nói: “Thịt heo VietGap  có quy trình kiểm soát riêng.

Theo đó các bên tham gia mô hình này thiết lập chuỗi giá trị cung ứng thịt heo sạch, an toàn từ khâu chăn nuôi, giết mổ đến thành phẩm và phân phối ra thị trường.

Qua đó người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt heo từ nông trại đến bàn ăn”.

Bà Thắm cho biết thêm: “Từ nay đến tháng 12, chúng tôi sẽ mở thêm năm điểm bán ở các quận, huyện và sẽ kiểm soát chặt chẽ.

Tuy vậy, chúng tôi không thể giao qua trung gian vì sợ loại thịt heo VietGap  bị trà trộn với thịt heo thường”.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, hộ chăn nuôi heo VietGap  ở Củ Chi cho hay để heo được chứng nhận là heo an toàn phải đạt 29 tiêu chí cũng như trải qua các giai đoạn kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ cơ quan chức năng. “Khi chăn nuôi heo VietGap nông dân được bao tiêu đầu ra, dù không lời nhiều nhưng ổn định.

Hy vọng khi nhu cầu tiêu dùng thịt sạch của người tiêu dùng tăng kéo theo giá bán tăng, thu nhập của nông dân sẽ tốt hơn.

Bởi nếu mua heo an toàn cũng bằng giá heo thường thì nông dân không có nhiều động lực để phát triển mô hình này” - ông Ngọc nói.

Nhiều nơi cam kết bán thịt, rau sạch

Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cho hay hiện đang phân phối sản phẩm thịt heo sạch đến người tiêu dùng thông qua các kênh như CP Shop, Fresh Mart và các siêu thị khác như Maximark, Co.op mart.

Công ty cam kết heo thịt được quản lý nguồn gốc một cách nghiêm ngặt, không chứa chất tạo nạc hay bất kỳ hóa chất nào nằm trong danh mục chất cấm của Cục Chăn nuôi.

Ông Dương Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bình Minh (phường Thống Nhất, TP Biên Hòa, Đồng Nai), cho hay đã đầu tư xây dựng xưởng giết mổ tập trung với công suất 6.000 - 7.000 con gà.

Quy trình sản xuất được thực hiện tiêu chuẩn VietGAP và quản lý theo hệ thống ISO, HACCP.

Hiện sản phẩm thịt gà sạch của công ty đang bán tại các hệ thống siêu thị BigC, Metro, Aeon, Vinmart, Co.op mart.

Theo đại diện hệ thống cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organica, hiện có hai cửa hàng ở quận 3 và quận Phú Nhuận.

Tại đây ngoài rau quả hữu cơ trong nước còn bán trên 300 sản phẩm các loại được nhập khẩu có chứng nhận hữu cơ quốc tế từ Malaysia, Úc, Đức, Mỹ, Ý…

Hiện nay, TP.HCM có nhiều hợp tác xã rau an toàn như Thỏ Việt, Phước An, Thuận Đức… được chứng nhận VietGap, bán trong các siêu thị lớn và các cửa hàng thực phẩm, trên sản phẩm đều dán nhãn VietGap.

79 triệu USD tài trợ heo sạch

Dự án Lifsap triển khai từ tháng 3-2010 đến 12-2015 với số vốn 79 triệu USD, được thực hiện tại 12 tỉnh, thành.

Riêng tại TP.HCM, từ năm 2010 đến tháng 9 vừa qua, dự án đã cấp giấy chứng nhận VietGap cho 646 hộ với 41.000 con heo.

Đồng thời đã xây dựng, nâng cấp hoàn thành nghiệm thu khu kinh doanh thực phẩm tại 23 chợ trên địa bàn TP.HCM với 1.043 quầy sạp.

Mục tiêu của dự án Lifsap là hỗ trợ các địa phương chuyển đổi mô hình nuôi heo truyền thống sang nuôi heo an toàn.

Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ nông dân kết nối với các cơ sở giết mổ, chế biến, phân phối… nhằm đưa thịt heo có chứng nhận tới tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT TP.HCM, việc kết nối tiêu thụ sản phẩm VietGap giữa người chăn nuôi và đơn vị thu mua vẫn còn hạn chế do các hộ chăn nuôi nhỏ, số lượng giao không nhiều, không liên tục.

Thêm nữa, chưa có nhiều cửa hàng, quầy sạp giới thiệu sản phẩm và logo nhãn hiệu, bao bì nhận biết sản phẩm VietGap để người tiêu dùng lựa chọn, so sánh.

Dự án này cũng hỗ trợ tiểu thương tại các chợ nâng cấp quầy sạp như trang bị bàn inox thay cho bàn gỗ; hệ thống móc treo, điện, nước; kiểm soát nguồn gốc thịt heo vào chợ…

Qua đó góp phần làm các quầy sạp đỡ nhếch nhác hơn, sạch sẽ hơn, thịt heo an toàn vệ sinh hơn.

Tuy vậy, việc duy trì quy trình vệ sinh tại chợ gặp không ít khó khăn do một số tiểu thương chưa tự giác tuân thủ các quy định của dự án.


Có thể bạn quan tâm

Trúng Mùa Cá Cơm Cuối Năm Trúng Mùa Cá Cơm Cuối Năm

Hàng trăm lao động tại miền biển Sông Đốc cũng có thêm việc làm thời vụ nhờ phơi cá cơm thuê cho doanh nghiệp, mỗi ngày công từ 100-150 ngàn đồng/người.

23/12/2013
Nuôi Tôm Trên Cát, Chuyện Vui Đầu Năm Mới Nuôi Tôm Trên Cát, Chuyện Vui Đầu Năm Mới

Vùng cát hoang sơ ở Phong Điền (Thừa Thiên Huế) ngày nào nay trở thành vùng nuôi tôm sôi động. Ngư dân bao đời chỉ biết bủa lưới giăng câu, giờ biết thêm nghề nuôi tôm với khát vọng làm giàu chính đáng trên quê hương.

08/01/2014
Gà Chọi - Hướng Mới Trong Chăn Nuôi Gà Chọi - Hướng Mới Trong Chăn Nuôi

Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi ở Yên Thế đã thành công với mô hình nuôi gà chọi thương phẩm. Vợ chồng anh Đào Văn Hải, chị Thân Thị Thùy ở thôn Tân Sỏi, xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) là một hộ điển hình.

23/12/2013
Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Gà Bán Chăn Thả Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Gà Bán Chăn Thả

Ngày 18/12, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Bôi (Hòa Bình) đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả mô hình chăn nuôi gà bán chăn thả tại xã Kim Bình và Bắc Sơn.

23/12/2013
Người Đưa Ếch Về Bản Xa Phó Người Đưa Ếch Về Bản Xa Phó

Anh là Tải Văn Lý, dân tộc Xa Phó, ở xã Tân Bắc, huyện Bắc Quang, Hà Giang. Với mô hình nuôi ếch, từ nghèo khó giờ đây anh Lý thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

08/01/2014