SSC Lai Tạo Thành Công Giống Lúa Lai Cho ĐBSCL
Giống lúa lai nhiệt đới đã được gieo cấy với diện tích trên 2 triệu ha ở Ấn Độ, khoảng 600.000 ha ở mỗi nước Philippines và Bangladesh, gần đây lúa lai nhiệt đới cũng đã được gieo cấy rộng rãi ở Indonesia, Myanmar.
Điều đó cho thấy lúa lai nhiệt đới không phải là quá mới mẻ, và trên thực tế nó có chỗ đứng khá ổn định trong nền nông nghiệp của nhiều nước châu Á- khu vực SX lúa gạo nhiều nhất thế giới. Dự báo trong tương lai lúa lai nhiệt đới tiếp tục giữ một vị trí quan trọng trong nông nghiệp ở châu lục này.
Còn ở ĐBSCL của Việt Nam, lúa lai chỉ mới phát triển được khoảng 20.000 ha/năm, chủ yếu là trên vùng đất lúa một vụ nuôi tôm. Trong khoảng 10 năm trở lại đây một số DN giống lúa trong nước, trong đó dẫn đầu là Cty CP Giống cây trồng Miền Nam, và các tập đoàn giống nước ngoài mà đi đầu là tập đoàn Bayer đã đầu tư không ít công sức, trí tuệ, tiền bạc vào việc nghiên cứu các giống lúa lai đặc thù cho ĐBSCL. Bởi nếu có giống lúa lai nào ra đời thích hợp với khu vực này thì chắc chắn sẽ có tương lai vì ĐBSCL là nơi có diện tích lúa lớn nhất cả nước.
Tuy nhiên phát triển lúa lai ở ĐBSCL hiện vẫn đang gặp hai trở ngại chính là chưa có giống lúa lai phù hợp và chưa có chính sách khuyến khích của Nhà nước vì tâm lý nghi ngại lúa lai không cho hiệu quả kinh tế cao hơn lúa thuần. Công bằng mà nói, ưu thế lai vẫn là xu hướng dẫn dắt nền nông nghiệp thế giới trong cả trước mắt lẫn lâu dài, nhất là với ngành giống cây trồng. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay vẫn là chất lượng các tổ hợp giống lúa lai có đáp ứng được kỳ vọng của nông dân ĐBSCL hay không mà thôi.
Lai tao giống lúa lai cho ĐBSCL là một mục tiêu khó vì phải chuyển được nhiều tính trạng tốt vào một giống: Thời gian sinh trưởng ngắn, từ 90-105 ngày. Năng suất cao hơn lúa thuần từ 20% trở lên. Phẩm chất gạo đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu (thon dài, không bạc bụng) và phẩm chất cơm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng (ngon, dẻo mềm…). Đây là điểm khác biệt lớn, có tính nguyên tắc và cũng là cái khó của việc lai tạo giống lúa lai cho ĐBSCL so với nghiên cứu các giống lúa lai gieo cấy ở miền Bắc.
Đó là chưa nói các giống lúa lai ở ĐBSCL phải kháng hay chống chịu được các sâu bệnh hại quan trọng, nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn và đạo ôn. Quần thể rầy nâu ở ĐBSCL có độc tính rất cao và thường xuyên thay đổi, còn tính kháng bệnh vàng lùn đến nay vẫn chưa được nghiên cứu về mặt di truyền cũng như chưa xác định được nguồn gene kháng. Cuối cùng giống phải chống chịu được phèn, mặn và cho năng suất hạt giống F1 cao để có thể cung ứng cho nông dân với giá thấp nhất có thể.
Như vậy trái với suy nghĩ lâu nay của nhiều người, rằng làm lúa lai ở miền Bắc mới khó (do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, chênh lệch nhiệt độ cao, tính thời vụ khắt khe...), còn ĐBSCL khí hậu ôn hòa, đồng đất phẳng phiu, nước nôi thuận tiện, làm lúa lai quá đơn giản. Chính do ĐBSCL SX lúa dễ dàng nên làm lúa thuần ngon ăn hơn hẳn, muốn đưa giống lúa lai vào khu vực này thì trước hết phải chọn tạo cho được những tổ hợp giống đáp ứng hàng loạt các tiêu chí- mà nhiều người vẫn nói vui là "giống n trong 1" như đã nêu ở trên.
Đi theo xu hướng này, chương trình nghiên cứu lúa lai ở Cty CP Giống cây trồng Miền Nam bắt đầu tiến hành từ năm 2000, trải qua rất nhiều khó khăn đến nay Cty đã lai tạo được một số giống lúa lai triển vọng cho khu vực ĐBSCL. Bước đầu đánh giá đây đều là các tổ hợp lúa lai có triển vọng, đáp ứng được đòi hỏi thực tế SX và đặc biệt nó làm phong phú thêm bộ giống lúa cho vùng đất này. Các giống lúa lai của Cty tiếp tục được gieo cấy trên diện hẹp ở trại giống lúa Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), một số giống đã đưa ra SX trên diện rộng được bà con nông dân đánh giá tốt.
Giống lúa lai chống chịu cao HR182 (MM11A/R182):
Nhiều người gọi vui đây là giống lúa lai "nồi đồng cối đá", vì giống chống chịu cực tốt với điều kiện bất lợi. Thời gian sinh trưởng 95-100 ngày, cao 90-110 cm, cứng cây đẻ nhánh rất khỏe, tỉ lệ hạt chắc cao (80-90%), trọng lượng 1.000 hạt 25g, hạt gạo thon dài ít bạc bụng, kháng tốt đối với rầy nâu (cấp 3), bệnh vàng lùn và đao ôn. Đặc điểm nổi bật của giống này là thích nghi rộng, chống chịu tốt với hạn, phèn mặn (chịu được nồng độ mặn 6%o lúc trổ).
Do đó HR182 có thể dùng để sạ khô đón mưa trên vùng đất rẩy im Đồng Nai, sạ cấy trên vùng đất lúa tôm ven biển hay vùng đất nhiễm phèn của Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười với năng suất từ 5- 8 tấn/ha, hơn lúa thuần từ 15-40%. Trong vụ ĐX trên đất phù sa ngọt HR182 thể hiện hết tiềm năng năng suất đạt 10 tấn/ha (ruộng trình diễn tại trại giống lúa Cờ Đỏ). Giống lúa HR182 đã được SX thử ở ĐBSCL từ năm 2009 đến nay trên diện tích hàng ngàn ha.
Hai giống lúa lai chất lượng Nam Ưu 901, Nam Ưu 842:
Nam Ưu 901 (MN18A/R03-1) có thời gian sinh trưởng 100-105 ngày và Nam Ưu 842 (MN18A/R527) có thời gian sinh trưởng 105-110 ngày. Cả hai giống có những đặc điểm giống nhau như cao 110-130 cm, đẻ khỏe, bông to (110-120 hạt chắc/bông), trọng lượng 1.000 hạt 26-28g, hạt gạo thon dài ít bạc bụng, hàm lượng amylose thấp từ 13-15%; cơm thơm nhẹ, mềm và dẻo vị đậm; chống chịu được rầy nâu và bệnh vàng lùn, kháng bệnh đạo ôn, chống chịu mặn đến 4-5%o.
Giống Nam Ưu 901 có thể gieo trồng trong cả 2 vụ ĐX và HT, còn Nam Ưu 842 thích hợp hơn cho vụ ĐX ở ĐBSCL và hai vụ ĐX, HT cho vùng Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung. Trong điều kiện vụ ĐX đất phù sa ngọt Nam Ưu 901 có thể cho năng suất 8-9 tấn/ha, còn Nam Ưu 842 cho năng suất 10-10,5 tấn/ha, vượt hơn lúa thuần 20-40% (ruộng trình diễn tại trại giống lúa Cờ Đỏ). Trên đất nhiễm phèn mặn của vùng U Minh, Cà Mau, Nam Ưu 901 có thể cho năng suất 6 tấn/ha).
Một ưu điểm nổi bật của cả ba giống lúa lai nói trên là năng suất hạt F1 từ 2- 3,5 tấn/ha, giúp cho giá hạt giống chỉ bằng 2/3 giống lúa lai nhập khẩu. Đây là một tiền đề quan trọng giúp hạ giá thành SX hạt giống lúa lai. Bởi trên thực tế thời gian qua đã từng có một tập đoàn nước ngoài quyết tâm đưa giống lúa lai vào ĐBSCL, nhưng do giá giống quá đắt đỏ (có lúc trên 100.000 đồng/kg giống), nên nông dân khó chấp nhận. Theo các nhà khoa học giống lúa lai cho ĐBSCL cần SX tại chỗ, giá thành hạ mới hy vọng trụ được.
Có thể bạn quan tâm
Đây là giống rất tốt để đưa ra diện rộng và bổ sung vào cơ cấu giống cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung bộ như Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Tháp, Bến Tre (đặc biệt ở Hậu Giang diện tích phát triển rất mạnh nên giống này còn có tên Hậu Giang 2)
Nhị ưu 838 là giống lúa lai 3 dòng có nguồn gốc từ Trung Quốc, được nhập nội vào VN từ năm 1995. Đây là giống cảm ôn, gieo trồng được cả 2 vụ trong năm, thích nghi rộng, năng suất cao và ổn định trong vụ xuân
Chữ đường khá, đạt từ 11-13 CCS. Năng suất mía rất cao, trung bình đạt từ 110 – 130 tấn/ha. Đường kính thân to 2,8- 3,3 cm, chiều cao cây cao, mật độ cây khá 5-7 cây/bụi, khả năng đẻ nhánh trung bình, tốc độ tăng trưởng hơi chậm ở giai đoạn đầu
Giống lúa ĐT34 có thời gian sinh trưởng ngắn: Miền Bắc vụ xuân 130 -135 ngày, vụ mùa 104 - 106 ngày. Miền Trung vụ ĐX 115 - 118 ngày, vụ HT 98 - 100 ngày. Cây cao 104 - 113 cm, đẻ nhánh khá, sinh trưởng mạnh. Bông to, nhiều hạt 160 -172 hạt/bông, trọng lượng 1.000 hạt cao 25 - 26,4 gam
Vụ ĐX 2011- 2012, nhiều nông dân ở ĐBSCL đã chọn giống lúa “TTV I – 504 – LN”, của cơ sở SX lúa giống 9 Táo bởi năng suất rất cao, đạt từ 9 - 10 tấn/ha, tùy theo từng vùng đất.