Cấm cửa nông sản Trung Quốc núp bóng hàng Việt
“Xử lý triệt để tình trạng dùng khoai tây Trung Quốc (TQ) giả khoai tây Đà Lạt; cương quyết không cho nhập khoai tây TQ vào chợ đầu mối nông sản TP để giả mạo khoai tây Đà Lạt phân phối đi nơi khác”.
Đây là một trong những nội dung tại văn bản số 5827 do Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Võ Ngọc Hiệp vừa ký ban hành.
Gây thiệt hại nặng nề hàng trong nước
Những năm gần đây rất nhiều chủ vựa đầu mối nông sản đã nhập khoai tây TQ về chợ nông sản Đà Lạt, bán lại cho tiểu thương khác đang kinh doanh ở đây.
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay giá nhập khẩu khoai tây TQ chỉ 1.800 - 2.000 đồng/kg.
sau khi “đội lốt” khoai tây Đà Lạt đưa đi khắp nơi tiêu thụ, giá bán mặt hàng này được lên cao gấp 5 - 7 lần.
Khoai tây Trung Quốc đổ về chợ Đà Lạt.
Thủ thuật để biến khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt là bôi đất đỏ, tẩy rửa… làm cho khoai tây có màu đỏ nhạt.
Hành vi gian dối, gian lận thương mại này đã diễn ra từ lâu nhưng chưa được dẹp bỏ.
Theo cơ quan chức năng, chợ nông sản Đà Lạt có tổng cộng 75 hộ đang kinh doanh, trong đó tới 24 hộ kinh doanh khoai tây.
Vào thời điểm khoai tây Đà Lạt khan hiếm hoặc giá cao như hiện nay, gần như 100% các hộ này đều kinh doanh khoai tây TQ.
Không chỉ khoai tây mà rất nhiều mặt hàng khác như cà chua, hồng, bơ sáp, dâu tây...
của Trung Quốc cũng ngang nhiên gắn “mác” hàng Đà Lạt lừa đảo người tiêu dùng (NTD).
Chính vì lý do trên, UBND TP Đà Lạt đã ban hành quyết định 5827.
Ông Nguyễn Văn Tín, Phó phòng Kinh tế TP Đà Lạt, giải thích đây là chủ trương nhằm ngăn chặn tình trạng đội lốt nông sản Đà Lạt.
“Việc biến khoai tây TQ rồi đưa đi tiêu thụ ở các địa phương khác ảnh hưởng rất nhiều đến thương hiệu khoai tây Đà Lạt nói riêng và nông sản Đà Lạt nói chung.
Hành vi gian lận trên không chỉ khiến NTD bị nhầm lẫn, thiệt thòi mà còn gây thiệt hại cho cả nông dân ở địa phương” - ông Tín nhấn mạnh.
Còn ông Hoàng Lợi, Chánh Văn phòng UBND TP Đà Lạt, nói: “Chợ nông sản Đà Lạt chủ yếu phục vụ việc tập kết, tiêu thụ, phân phối nông sản, qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Do vậy không thể để khoai tây TQ tràn ngập và cạnh tranh không lành mạnh”.
Không dễ xử lý triệt để
Chủ trương của TP Đà Lạt được nhiều người ủng hộ nhằm bảo vệ thương hiệu nông sản Việt và những người làm ăn chân chính.
Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng đây chỉ là giải pháp mang tính đối phó chứ không thể giải quyết dứt điểm tình trạng gian lận thương mại.
Lý do là còn một lượng rất lớn khoai tây TQ được nhập về Lâm Đồng nhưng không đưa vào chợ nông sản Đà Lạt mà tập trung tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, vùng ven Đà Lạt...
Mặt khác, chiêu trò tẩm đất đỏ để biến khoai tây TQ thành khoai tây Đà Lạt xuất hiện ở nhiều nơi chứ không riêng gì tại TP này.
Thêm nữa, trước đó rất nhiều lần cơ quan chức năng tuyên bố “sẽ tăng cường các biện pháp…” nhằm quản lý chặt mặt hàng này.
Song với sự tiếp tay từ chính những tiểu thương, thương lái Việt cho thương lái TQ nên đã vượt qua hàng rào kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Điều này lý giải vì sao trên thị trường vẫn nhan nhản hàng TQ đội lốt làm hại hàng Việt.
Vẫn tràn lan hàng Trung Quốc đội lốt
Khảo sát của chúng tôi tại nhiều chợ lẻ, xe đẩy trên địa bàn TP.HCM cho thấy ngày càng xuất hiện rất nhiều nông sản TQ như nho, quýt, cam, táo, khoai tây,… gắn mác “made in Viet Nam”.
Chẳng hạn, hiện nhiều tiểu thương nói họ đang bán nho đen, đỏ Ninh Thuận 35.000 đồng/kg, nho xanh trái nhỏ lẫn trái lớn bằng hột mít giá 40.000 đồng/kg… Tuy nhiên, một số doanh nghiệp kinh doanh trái cây cho biết nho xanh đang bày bán ở thị trường chủ yếu là nho TQ, nho Ninh Thuận cũng có nhưng không có nhiều để bán tràn lan như vậy.
Theo TS Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường Viện Cây ăn quả miền Nam, người bán biết rõ người tiêu dùng Việt sợ hàng TQ nên muốn tiêu thụ được cứ nói là hàng Việt Nam.
Điều đáng lo ngại là NTD không thể phân biệt được đâu là hàng TQ, đâu là hàng Việt dẫn tới không dám mua.
Hệ quả là hàng Việt “chết” oan.
Trong khi cơ quan chức năng vẫn còn lúng túng, chưa có giải pháp xử lý hiệu quả.
“Thực trạng này khiến nhiều mặt hàng đặc sản Việt “mất giá” trầm trọng trong mắt NTD và lâu dài mất thương hiệu là điều khó tránh khỏi” - một chuyên gia cảnh báo.
Ba tháng, nhập hơn 1.000 tấn khoai tây TQ
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, chỉ tính từ ngày 13.7 đến 14.10, hơn 40 lô khoai tây TQ với 1.063 tấn đã được nhập về chợ nông sản Đà Lạt.
Ông Nguyễn Thế Hiền, Tổ phó tổ quản lý chợ Đà Lạt, cho biết thực hiện lệnh cấm của UBND TP, ngày 20.10 đơn vị này đã dừng hai xe container chở 30 tấn khoai tây TQ vào chợ nông sản Đà Lạt...
Đến sáng 21.10, nhiều tiểu thương ở chợ nông sản này tập trung tại trụ sở UBND TP để yêu cầu chính quyền giải thích về lệnh cấm.
Tiểu thương cho rằng quyết định trên quá bất ngờ gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.
Do vậy kiến nghị ngành chức năng xem xét gia hạn lệnh cấm để bà con giải phóng lượng hàng mới nhập về.
Sau khi tiếp nhận ý kiến của các tiểu thương, UBND TP Đà Lạt chấp thuận gia hạn cho khoai tây TQ vào chợ nông sản Đà Lạt đến ngày 1.11 nhằm tạo thời gian để tiểu thương giải quyết số lượng khoai tây TQ đã được nhập về.
Sau thời điểm trên, để chống gian lận thương mại đồng thời bảo vệ thương hiệu khoai tây Đà Lạt, việc nhập khẩu mặt hàng này vào chợ trên sẽ bị cấm tuyệt đối.
Để không mua nhầm hàng Trung Quốc
Để giúp NTD tránh nhầm lẫn, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã xây dựng tiêu chí nhận dạng hai loại khoai tây Đà Lạt và TQ.
Cụ thể, củ khoai tây TQ to, thon dài, cỡ củ khá đồng đều, vỏ dày (nên ít bị sứt sẹo), bóng đẹp, trên vỏ có các chấm li ti, mắt củ to.
Trong khi khoai tây Đà Lạt củ vừa phải, thường có hình bầu dục hoặc tròn, cỡ củ khá chênh lệch, vỏ mỏng (nên dễ bị trầy xước, bong tróc), mắt củ ít và nhỏ.
Dùng ngón tay lướt trên bề mặt cắt ngang của khoai sẽ thấy khoai Đà Lạt khô còn khoai tây TQ nhiều nước.
Khi chiên, khoai TQ dễ bị nát, ăn dẻo, không bùi.
Khoai tây Đà Lạt nhiều tinh bột nên khi chế biến khó bị nát, ăn rất bùi, bở.
Nhiều tiểu thương cũng cho hay một số loại rau củ như súp lơ Đà Lạt có màu trắng ngả vàng chứ không trắng phau như Trung Quốc.
Cà rốt Đà Lạt đầu nhọn, lõi to, cuống dài, trong khi cà rốt Trung Quốc thường cuống cắt sát trái.
Bắp cải Đà Lạt to, bắp cải Trung Quốc nhỏ bằng nắm tay…
Có thể bạn quan tâm
5 năm qua ở Hà Tĩnh "Ngày thứ 7 NTM" đã thành thông lệ, Ðoàn kiểm tra NTM do Trưởng Ban chỉ đạo dẫn đầu, đi ô tô chung, về cơ sở nắm tình hình ở các địa phương. Cách làm này đã giúp cơ sở và người dân tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
Người ta gọi Gio Linh (Quảng Trị) là miền đất lửa. Bởi nơi đây khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng, hạn hán… còn trong chiến tranh, mỗi con người từng sống trên mảnh đất chưa đầy 500km2 này đã phải hứng chịu gần 10.000 tấn bom đạn.
Thay vì SX truyền thống “mùa nào thức ấy”, nhiều địa phương ở Bắc Giang áp dụng tiến bộ kỹ thuật tạo ra sản phẩm rau quả trái vụ nhằm nâng cao thu nhập.
8 năm rời công tác quản lý, ở tuổi 73, cựu Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) Nguyễn Đức Triều thanh thản vui thú điền viên. Những người từng làm việc với ông, quen biết ông đều có chung nhận xét ông là người tận tụy với công việc, sống nhân ái và hết sức nghĩa tình.
Là một trong những gia đình trồng na đầu tiên trên mảnh đất xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn), cho đến nay, mô hình trồng cây ăn quả của ông Nông Văn Lợi (thôn Đồng Ngầy) là mô hình kinh tế tiêu biểu của địa phương.