Sông Mã - Sơn La đón vụ nhãn bội thu
Tháng tám ở Sông Mã (Sơn La), đây là thời điểm bà con nông dân các xã đang bước vào thu hoạch nhãn chính vụ. Đi dọc Quốc lộ 4G, từ Mường Sai, Chiềng Khương, Chiềng Cang, Chiềng Khoong đến Thị trấn có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc xe tải trọng lớn, chở đầy nhãn nối đuôi nhau đưa đặc sản của huyện biên giới Sông Mã đến với mọi miền quê.
Những ngày này, trong sân nhà của anh Lò Văn Quý, bản Nà Hỳ, xã Chiềng Cang (Sông Mã) tấp nập những thương lái đến thu mua nhãn. Nhãn được xếp vào thùng xốp, đóng gói cẩn thận rồi vận chuyển lên xe ô tô. Vừa bận rộn ghi chép sổ sách giao nhận hàng, anh Quý phấn khởi cho biết: gia đình tôi mở đại lý thu mua nhãn của bà con trong vùng rồi bán lại cho thương lái. Mỗi vụ, gia đình tôi bán luân chuyển trên dưới 40 tấn quả. Vụ năm nay nhãn lại được mùa, được giá, cây nào cũng cho sai quả.
Tuy mới là đầu vụ nhưng nhãn ghép cành chất lượng cao (cùi dầy, hạt nhỏ, mọng nước, ăn thơm ngon) giá bán tại gốc đã trên 20.000 đồng/kg; nhãn thường cũng được 15.000 - 16.000 đồng/kg. Có bao nhiêu là các thương lái mua hết, không lo bị ép giá vì có rất nhiều người mua.
Còn gia đình ông Phạm Văn Lưu, một hộ trồng nhãn lâu năm ở bản Hải Sơn I, xã Chiềng Khoong. Với hơn 100 cây nhãn lồng từ 8 - 10 năm tuổi, vụ này ông ước thu 6 tấn quả. Ông Lưu cho hay: “mỗi vụ, tùy vào điều kiện thời tiết, gia đình thu từ 4 - 6 tấn quả, ngoài bán nhãn tươi, gia đình tôi và các hộ trong bản đều bán cho các lò sấy để làm long. Giá nhãn năm nay cao hơn năm trước từ 1.000 - 2.000 đồng, trừ hết chi phí, dự kiến thu lãi 100 triệu đồng, tính ra hơn làm ngô từ 4 - 5 lần”.
Ngay tại trung tâm thị trấn Sông Mã, tại các lò sấy long nhãn thủ công cũng đang tập trung hàng chục lao động đủ mọi lứa tuổi đang ngồi xoáy long nhãn thuê, được biết, đây là thời gian nông nhàn, công việc lại dễ làm nên nhiều người, nhất là phụ nữ và trẻ em ở các bản xung quanh đều tranh thủ đi làm để kiếm thêm thu nhập.
Ông Nguyễn Việt Tuân, chủ một lò sấy long nhãn ở tiểu khu 1, thị trấn Sông Mã chia sẻ: mỗi ngày, lò sấy của gia đình sấy được từ 400 - 500kg long nhãn, vì vậy tôi phải thuê từ 20 - 25 lao động để bóc long với giá 3.000 đồng/kg, trung bình mỗi người bóc được từ 30 - 50kg nhãn một ngày, thu nhập từ 90.000 - 150.000 đồng/ngày công…
Với diện tích trồng trên 4.300 ha (chiếm 77,4% tổng diện tích cây ăn quả của toàn huyện), Sông Mã hiện đang là địa phương có diện tích nhãn lớn nhất trong tỉnh. Từ lợi thế về đất đai, khí hậu thuận lợi và kinh nghiệm chăm sóc truyền thống của người dân, nhãn Sông Mã luôn có chất lượng tốt, được so sánh ngang với nhãn lồng Hưng Yên, (một thương hiệu nhãn nổi tiếng trong cả nước), bởi vậy, cây nhãn hiện là một trong 3 cây trồng chủ lực của huyện, đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn.
Ông Lường Văn Vịnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã cho biết: Vụ năm nay, sản lượng nhãn của huyện ước đạt trên 25.000 tấn, chủ yếu là giống nhãn Hưng Yên được người dân đưa vào trồng từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Để sản phẩm nhãn đạt chất lượng tốt, từ nay đến cuối vụ, những hộ chưa thu hoạch nhãn cần có biện pháp phòng trừ bọ xít, nấm hại nhãn và dơi ăn quả. Đồng thời, thu hoạch quả đúng độ chín, tránh bị thối rụng và xấu mã. Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng “năm ăn quả, năm trả cành”, sau thu hoạch cần tỉa cành, tạo tán, bón phân bù dinh dưỡng cho cây.
Mùa thu hoạch nhãn diễn ra trong khoảng từ 30 đến 35 ngày, với giá bán như hiện nay, Sông Mã thu về ước đạt trên 4.000 tỷ đồng. Thời gian tới, huyện định hướng các hộ trồng nhãn trên địa bàn đẩy mạnh chuyển đổi diện tích sang trồng nhãn ghép chất lượng cao. Đồng thời xây dựng mô hình thử nghiệm ghép giống nhãn trái vụ vốn nếu mô hình thành công thì giá trị kinh tế của cây nhãn ở Sông Mã sẽ tăng lên nhiều lần.
Có thể bạn quan tâm
Mới đây, những thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) không thể bàng quan: Trong 2 tháng đầu năm 2015, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã từ chối nhập khẩu 107 lô tôm, tương đương 1/3 tổng số lô tôm bị từ chối trong năm 2014.
Năm kinh doanh cà phê 2014-2015 đã đi được nửa đường, tính từ ngày 1-10 năm ngoái. Với chừng 3,5 tỷ đô la Mỹ từ xuất khẩu cà phê năm trước - một con số quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu nông sản nói chung, thử nhìn lại nửa chặng đường ngành cà phê vừa đi qua năm nay.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù vẫn là thị trường nhập khẩu (NK) cá tra lớn nhất của Việt Nam (chiếm 21,9%) nhưng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ tính đến 15/3 giảm tới 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 62,9 triệu USD).
Để giúp một lượng lớn hàng tím của người dân Nam bộ đang dồn ứ trong kho, ngành đường sắt quyết định miễn phí cước tàu hỏa từ Nam ra Bắc cho nông dân.
Kim ngạch xuất khẩu nhiều loại rau quả lại tăng trưởng khá, thậm chí có thị trường tăng từ 2 đến 3 lần so với cùng kỳ, dù tình trạng rau quả ùn tắc tại cửa khẩu tiếp giáp Trung Quốc - thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam - diễn biến hết sức phức tạp.