Rau An Toàn Yên Viên Sau Hai Năm Thu 1,5 Tỉ Đồng/ha
Sau 2 năm áp dụng mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP, HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) đã tổ chức được nhiều hoạt động thương mại - dịch vụ năng động, luôn tìm hướng đi mới, thường xuyên cải tiến phương thức sản xuất, kinh doanh...
Nhà nông đã biết làm dịch vụ
Theo thống kê của HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Viên, toàn xã có 100ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 50ha trồng lúa tập trung, 30ha trồng rau màu và 20ha làm dịch vụ khác.
Từ năm 2011, HTX áp dụng thử nghiệm mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, lấy 22ha rau màu làm điểm với các loại rau cải, rau thơm, hành...
Sau 2 năm thực hiện, đến nay nông dân Yên Viên thu về lợi nhuận 1,5 tỷ đồng/ha. Ông Đỗ Văn Tuấn - Chủ nhiệm HTX đánh giá: Nông dân vốn là những người chân chất, bao đời nay chỉ gắn bó với nghề chân lấm tay bùn, việc đổi mới phương thức sản xuất không phải ai cũng đồng tình ủng hộ. “Nhận thấy Yên Viên có tiềm năng phát triển kinh tế tập thể, tôi đã vận động bà con tham gia đổi mới cách thức sản xuất truyền thống sang trồng thử nghiệm theo hướng an toàn sinh học” - ông Tuấn nói.
Mục tiêu của HTX là giúp xã viên thoát được cảnh bấp bênh trong việc sản xuất và tiêu thụ rau bằng nhiều hoạt động như hướng dẫn, hỗ trợ người trồng rau về kỹ thuật canh tác rau an toàn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định... qua đó nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.
Đến nay, HTX đã có được đầu ra ổn định, sản phẩm chủ yếu bán tại các chợ đầu mối TP.Hà Nội. Không chỉ trồng rau, các xã viên của HTX còn tập làm dịch vụ - thương mại, đã có 12 hộ đăng ký bán buôn, bán lẻ tại Hà Nội và rau sạch của Yên Viên đã đưa vào các sàn giao dịch nông sản.
Bên cạnh việc tiếp cận hoạt động dịch vụ - thương mại, xã viên các HTX ở Yên Viên còn biết ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Bà Đỗ Thị Ít (thôn Lã Khôi, xã Yên Viên) là một trong tổng số 700 hộ tham gia sản xuất rau sạch VietGAP phấn khởi cho biết: “Trồng rau theo hướng an toàn sinh học, chúng tôi có nhiều đổi mới như áp dụng máy xới đất di động thay cho việc cuốc đất đã giảm được một lượng lớn ngày công; có giếng khoan để tưới tại vườn chứ không phải tưới nước sông; bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách… Nhờ đó, chất lượng và năng suất rau nâng lên rõ rệt”.
Lợi nhuận tăng nhờ liên kết
Yên Viên được đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, điểm nhấn đặc biệt là mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGAP mang lại lợi nhuận kinh tế cao. “Từ một xã xếp vị trí thấp của huyện Gia Lâm, trong 2 năm Yên Viên đã vượt lên xếp thứ 9 toàn huyện, đã hoàn thành được 18/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới” - ông Đỗ Văn Tuấn cho biết.
Năm 2014, UBND huyện Gia Lâm phối hợp HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Viên sẽ xây dựng lại hệ thống nhà lưới, khoan thêm giếng, mở các lớp tập huấn cho bà con...
Chị Trần Thị Hà (thôn Lã Khôi) - xã viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Viên chia sẻ: Áp dụng phương thức mới, áp dụng khoa học -kỹ thuật và có sự liên kết giữa bà con xã viên với doanh nghiệp nên chất lượng sản phẩm và giá trị lợi nhuận tăng đáng kể, tiêu thụ thuận lợi. “Giá rau bán tại ruộng năm nay khoảng 10.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với năm 2012. Như gia đình tôi trồng 6 thước rau cải/lứa, mỗi lứa trồng trung bình từ 25 - 30 ngày, thu 5 - 6 triệu đồng/ha/lứa” - chị Hà nói.
Ông Đỗ Văn Tuấn cho biết thêm: Thực hiện liên kết nhà nông trong việc trồng rau sạch theo hướng VietGAP, bà con đã tổ chức làm cột, nhà lưới cho rau trong mùa mưa; xây dựng 120 giếng khoan để tập trung tưới tiêu tại vườn; góp vốn mua máy xới đất nông nghiệp; doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm… Đây được xem là một hướng đi đúng đắn và phù hợp nhằm tăng trưởng lợi nhuận kinh tế xã Yên Viên.
Có thể bạn quan tâm
“Chăn nuôi bò công nghiệp cần 8-10 năm để chuẩn bị”. Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại tọa đàm về phát triển ngành chăn nuôi bò ở Việt Nam do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Hiệp hội Thịt và Gia súc Australia (MLA) tổ chức ngày 9.11 tại Hà Nội.
Cách đây gần 10 năm, ông Nguyễn Văn Hồng, ở xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) đã chặt hết hồng xiêm, vải thiều, táo để trồng bưởi Diễn. Ban đầu hàng xóm cho ông là “dở người”, nhưng càng về sau càng thấy việc ông làm mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét.
Có giá đến 200.000 đồng một hạt giống, trội hơn hẳn các loại cây khác trên thị trường, nhưng chuối tài lộc được nhiều nhà vườn thu mua để trồng, chờ bán dịp Tết.
Đó là đánh giá chung của nhiều đại biểu tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định số 62 Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, do Bộ NNPTNT tổ chức hôm 10.11 ở TP.HCM.
Sở dĩ nông dân đồng bằng sông Cửu Long có thời gian dài chỉ chú trọng sản xuất các giống lúa chất lượng thấp, là do bị thị trường chi phối, một mặt các tỉnh cũng muốn “đua” về thành tích sản xuất lúa, nên đã không chỉ đạo quyết liệt việc sử dụng các giống lúa chất lượng cao.