Sớm xác định nguyên nhân khiến cho cá nuôi lồng bè bị chết hàng loạt trên sông Chà Và
Liên quan đến tình trạng cá nuôi lồng bè bị chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho các hộ nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và, sáng 7-9, các ông: Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cùng lãnh đạo các Sở NN-PTNN, TN-MT đã có buổi làm việc với 40 hộ dân nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và.
Ông Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNN (đứng) cho biết sẽ phối hợp với Sở TN-MT tổ chức đoàn kiểm tra để xác định cơ sở nào xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Chà Và để có cơ sở nào xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Chà Và để có cơ sở buộc bồi thường cho người nuôi thuỷ sản bị thiệt hại.
Cá nuôi lồng bè vẫn tiếp tục bị chết
Theo phản ánh của các hộ dân, tình trạng cá nuôi trong lồng bè chết xảy ra vào rạng sáng ngày 6-9 đến nay vẫn còn tiếp diễn, ước thiệt hại lến đến hàng chục tỷ đồng. Tính đến ngày 7-9 có 16 hộ nuôi bị thiệt hại, tập trung ở các tiểu khu 1, 2 và 3. Theo thống kê sơ bộ, số lượng cá bị chết ước tính khoảng 30.000 con (cá bớp, cá chim).
Riêng trường hợp của hộ ông Dương Văn Hùng bị thiệt hại nặng nhất, với tổng số 44 lồng nuôi, bao gồm 15.000 con cá chim trắng loại nhỏ khoảng 0,3 – 0,5kg/con; 3.000 con cá bớp, trong đó có khoảng 1.000 con cá bớp có trọng lượng lớn gần thu hoạch, kích cỡ từ 5 - 6kg/con, còn lại là loại nhỏ mới thả nuôi khoảng 3 - 4 tháng, kích cỡ từ 0,1 - 0,3kg/con, ước thiệt hại ban đầu khoảng hơn 10 tỷ đồng.
Tại buổi tiếp xúc với UBND tỉnh, ông Hoàng Minh Thành, một hộ nuôi có cá chết trong đợt này cho biết, các hộ nuôi đều vay vốn ngân hàng, do đó tình trạng cá chết hàng loạt khiến cho bà con gặp rất nhiều khó khăn, không biết lấy tiền đâu để tái tạo sản xuất cũng như trả lãi ngân hàng.
Ghi nhận và chia sẻ với thiệt hại của các hộ nuôi thủy sản, ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, việc cá nuôi lồng bè trên sông Chà Và chết hàng loạt có thể khẳng định là do ô nhiễm môi trường. Sở NN-PTNN phối hợp với Sở TN-MT, Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh triển khai việc lấy mẫu, xác định nguyên nhân cá chết do yếu tố nào tác động để củng cố các hồ sơ pháp lý và sẽ hoàn tất trong vòng 1 tuần để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy. Sau khi đã hoàn tất hồ sơ sẽ làm việc trực tiếp với 18 cơ sở chế biến, nếu cơ sở nào gây ô nhiễm sẽ buộc bồi thường.
Sớm xác định nguyên nhân để có phương án xử lý
Cũng ngay trong chiều 7-9, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp khẩn với lãnh đạo các sở, ngành chức năng, UBND TP. Vũng Tàu, UBND huyện Tân Thành để có các giải pháp xử lý tình trạng cá nuôi lồng bè chết hàng loạt trên sông Chà Và. Tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trình trong buổi tiếp xúc với 40 hộ nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và, trong đó có 10 hộ bị thiệt hại cũng được ông Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh
Ông Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, đây là sự cố về môi trường nghiêm trọng, kéo dài trong nhiều năm, cũng không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Chà Và, do đó, thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan quyết liệt vào cuộc. Trước mắt, UBND tỉnh đã tạm thời đình chỉ 18 cơ sở, nhà máy chế biến hải sản không đáp ứng yêu cầu về môi trường.
Cũng tại cuộc họp trong chiều 7-9, đại điện Viện Môi trường – Tài nguyên (Bộ TN-MT) cho biết, hiện đơn vị này đã tiến hành lấy mẫu nước thải của 6 cơ sở sản xuất surimi để đưa đi phân tích, tuy nhiên sớm nhất phải 15 ngày sau mới có kết quả chính xác.
Đây là 6 cơ sở có nước thải ra cống số 6, bao gồm: DNTN Trung Sơn, Công ty TNHH Phước An (Nhà máy chế biến hải sản Hoàng Khang), Công ty TNHH Thịnh An, Công ty TNHH Thủy sản Hòa Thắng, DNTN Chế biến hải sản Trọng Đức và DNTN Đại Quang.
Theo bà Lê Thị Công, Giám đốc Sở TN-MT, có 3 nguyên nhân dẫn đến cá chết: tình trạng khai thác cát trái phép; mật độ nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và dày đặc, thiếu khoa học dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm do thức ăn, thời tiết và nguyên nhân nữa là do nước xả thải của các cơ sở chế biến hải sản nằm trong khu chế biến hải sản xã Tân Hải. “Sở TN-MT cũng đã đề nghị với UBND tỉnh trong tuần này sẽ thành lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra toàn diện 22 cơ sở chế biến hải sản để rà soát lại toàn bộ việc chấp hành xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường… của từng cơ sở nằm trong vùng này. Từ đây, chúng tôi sẽ có hướng đề xuất UBND tỉnh xử lý” - bà Lê Thị Công nói.
Tại cuộc họp, các sở, ngành đã đề xuất UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo xử lý tình trạng cá nuôi lồng bè chết trên sông Chà Và.
Nội dung này đã được ông Nguyễn Thanh Tịnh nhất trí. Đồng thời ông Nguyễn Thanh Tịnh yêu cầu, chậm nhất đến cuối tháng 9 phải có câu trả lời cho người dân về nguyên nhân cá chết, trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào, người dân có được bồi thường hay không, trường hợp nào được bồi thường, số lượng bồi thường là bao nhiêu...
Nếu nguyên nhân chính do các cơ sở xả thải thì phải xác định rõ đó là do DN nào. Đồng thời các cơ quan chức năng cũng phải sớm đưa ra giải pháp khắc phục ô nhiễm trên sông Chà Và, có phương án di dời các lồng bè nuôi hợp lý.
Cũng ngay trong ngày 7-9, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2074/QĐ-UBND thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đất đai và xây dựng đối với 22 tổ chức, cá nhân hoạt động chế biến hải sản và bột cá trên địa bàn xã Tân Hải (huyện Tân Thành). Thời gian thanh tra trong 30 ngày với các nội dung như: thanh tra các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường của cơ sở, công tác bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động của cơ sở trước khi xả thải ra môi trường, lấy mẫu, giám định mức độ ô nhiễm chất thải ra môi trường...
Ông Lê Tòng Văn, chi cục trưởng chi cục nuôi trồng thủy sản:
Nếu nguồn nước tiếp tục bị ô nhiễm, các cơ sở nuôi cá lồng bè tạm thời di chuyển qua vị trí khác
Thực hiện sự chỉ đạo Sở NN-PTNN, sau khi xác minh thực tế tình hình cá nuôi lồng bè trên sông Chà Và chết hàng loạt, về chuyên môn, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản đã cử cán bộ thường xuyên giám sát tại vùng nuôi để kịp thời hướng dẫn các hộ dân khắc phục tình trạng cá chết. Cụ thể, dùng cánh quạt của các cano chở hàng đẩy nước ô nhiễm ra xa để tránh cho cá ngợp.
Đồng thời tăng cường máy sục khí cung cấp oxy cho cá, nhất là vào thời điểm nửa đêm về sáng. Bên cạnh đó san thưa mật độ cá trong mỗi lồng để tránh hiện tượng cá quá dày làm thiếu oxy cục bộ.
Chỉ nên duy trì mật độ 150 - 200 con cá bớp (3 - 5kg/con) trong một ô lồng (6x6m). Các cơ sở nuôi nên thường xuyên vệ sinh lưới lồng nuôi sạch sẽ, thông thoáng để tăng lưu tốc dòng chảy, nhằm cải thiện chất lượng nước giúp cá nuôi mau lớn, tăng hàm lượng oxy trong nước.
Đối với đàn cá còn lại thì tăng cường cho cá ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, hạn chế cho ăn thức ăn ươn thối, nên bổ sung thêm vitamin C và các loại khoáng chất cần thiết vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho cá.
Nếu nguồn nước tiếp tục bị ô nhiễm, đề nghị các cơ sở nuôi cá lồng bè tạm thời di chuyển qua vị trí khác có điều kiện thuận lợi hơn để giảm tối thiểu thiệt hại cá chết do môi trường ô nhiễm.
Có thể bạn quan tâm
Người nuôi cá tra ở ĐBSCL đang đứng trước hàng loạt khó khăn. Nỗi lo “treo ao” bám riết họ từng ngày bởi giá cá ở thời điểm này đang rớt xuống đáy.
Mới đây, Sở KH&CN Quảng Ninh đã tổ chức thẩm định nhiệm vụ “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm ốc nhảy (strombus canarium) ở Quảng Ninh” do Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh thực hiện.
Trước khi Bộ Y tế công bố kết quả kiểm tra này, Cục Thú y cũng đã lấy 5 mẫu gà nhập lậu ở chợ Hà Vỹ (Hà Nội) để kiểm tra và kết quả kiểm tra cho thấy hầu hết đều phát hiện tồn dư kháng sinh sulphadiazine.
Các chủ đùng nuôi tôm ở khu vực nuôi thủy sản xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc - Bà Rịa - Vũng Tàu) đang phải “mất ăn mất ngủ” vì nạn trộm tôm hoành hành. Bọn trộm sử dụng ống hơi, lặn sâu dưới đùng để bắt, hàng tấn tôm của các chủ đùng, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng, nghiêm trọng hơn là các thiết bị điện cho hệ thống sục khí cũng bị chúng vơ vét không chừa.
Trước nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, gây thiệt hại về kinh tế, người chăn nuôi heo trong tỉnh Phú Yên đang từng bước hướng đến nền chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế tối đa rủi ro.