Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sớm Thực Hiện Dứt Điểm Chính Sách Hỗ Trợ Cho Người Trồng Dừa

Sớm Thực Hiện Dứt Điểm Chính Sách Hỗ Trợ Cho Người Trồng Dừa
Ngày đăng: 20/08/2013

Năm 2012, tình hình tiêu thụ dừa trái và các sản phẩm từ dừa gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập, đời sống của các hộ dân trồng dừa trong tỉnh Trà Vinh. Bên cạnh đó, giá dừa trái trên thị trường thế giới không ngừng rớt giá, hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn, đã kéo theo giá dừa trong nước giảm đáng kể.

Để tháo gỡ khó khăn cho người trồng dừa, đồng thời giữ ổn định diện tích, sản lượng, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả vườn dừa, ngày 19/7/2012 HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 09/2012/NQ-HĐND về “chính sách hỗ trợ phân bón cho người trồng dừa đang cho trái trên địa bàn tỉnh”.

Phạm vi áp dụng cho tất cả hộ trồng dừa đang cho trái trên địa bàn tỉnh, không phân biệt trồng thâm canh, xen canh hay phân tán. Theo đó, hộ trồng dừa tập trung đang cho trái được hỗ trợ đột xuất một lần 1,5 triệu đồng/ha, hộ trồng phân tán (căn cứ theo định mức 200 cây dừa/ha) để xác định mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha, ước kinh phí thực hiện gần 36 tỷ đồng cho khoảng 120 ngàn hộ trồng dừa. Thời gian hỗ trợ chia làm 02 giai đoạn, giai đoạn 01 trong quý III/2012, giai đoạn 02 trong năm 2013.

Khi có quyết định của HĐND tỉnh, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) triển khai cho các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo các xã, thị trấn kiểm tra, khảo sát lập danh sách các hộ dân có diện tích trồng dừa, đồng thời phân bổ kinh phí 9,945 tỷ đồng để các địa phương hỗ trợ phân bón cho người trồng dừa đang cho trái (đợt 01). Tuy nhiên, việc hỗ trợ phân bón cho người trồng dừa đợt 02 hiện triển khai còn chậm, do diện tích vườn dừa trong thực tế nhiều hơn so với số liệu thống kê. Vì vậy, Sở NN-PTNT phối hợp với Sở Tài chính thành lập tổ kiểm tra, khảo sát.

Qua kiểm tra khảo sát cho thấy, diện tích vườn dừa trong thực tế nhiều hơn so với thống kê là do trước đó các huyện, thành phố chỉ thống kê diện tích trồng dừa tập trung, không thống kê diện tích dừa trồng phân tán.

Đến thời điểm này, theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có 13.876ha dừa trồng tập trung, 2.040.864 cây dừa trồng phân tán, chủ yếu ở huyện Cầu Kè, Càng Long, Tiểu Cần, Trà Cú, Châu Thành và xã Long Đức, thành phố Trà Vinh.

Bà Dương Thị Bé Hai, chuyên viên Phòng Quản lý ngân sách Sở Tài chính cho biết: Sau khi có kết quả điều tra số liệu thống kê dừa trồng tập trung và phân tán, Sở Tài chính đã giải ngân số tiền hỗ trợ đợt 02 cho các huyện và thành phố, đồng thời giải ngân kinh phí hỗ trợ thêm do diện tích dừa tăng là 16,225 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này các hộ trồng dừa ở một số huyện, thành phố vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ phân bón đợt 02 do các huyện và thành phố còn vướng mắc ở một số xã có diện tích dừa tăng, nên chưa giải ngân kịp thời cho các hộ dân. Điển hình như xã Long Đức, thành phố Trà Vinh là một trong những địa phương có diện tích trồng dừa nhiều nhất trên địa bàn thành phố (863ha).

Chị Nguyễn Thị Hồng Diễm, cán bộ nông nghiệp xã Long Đức cho biết: Toàn xã có 2.533 hộ trồng dừa, cuối năm 2012, xã đã giải ngân đợt 01 là 225,780 triệu đồng cho các hộ trồng dừa. Đến nay, xã đã hoàn tất các thủ tục hồ sơ, chỉ chờ kinh phí của tỉnh, thành phố sẽ cấp phát cho các hộ trồng dừa để mua phân bón chăm sóc dừa trồng trong mùa mưa này.

Nông dân Kiên Sương ngụ ấp Sa Bình, xã Long Đức chia sẻ: Gia đình ông có trên 200 cây, đợt 01 ông được hỗ trợ 500.000 đồng. Với ông Sương, dù ít hay nhiều ông cũng rất vui khi được Nhà nước quan tâm chia sẻ khó khăn. Vì vậy, mong Nhà nước và địa phương sớm hỗ trợ phần còn lại để tạo điều kiện cho người trồng dừa ổn định kinh tế, an tâm sản xuất, nhất là những hộ khó khăn, sống chủ yếu nhờ vào kinh tế vườn.

Có thể khẳng định chính sách hỗ trợ phân bón cho người trồng dừa không chỉ góp phần giữ ổn định diện tích, sản lượng cây dừa của tỉnh, còn phục vụ tốt nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Để giảm tổn thất, góp phần bảo vệ và phát triển sản xuất dừa theo hướng sản xuất an toàn, bền vững, ngành Bảo vệ thực vật (BVTV) đã khuyến cáo người trồng dừa nên chú ý phòng trừ một số loại sâu hại trên cây dừa như: bọ cánh cứng, sâu đục trái, nhện dừa, sâu nái trên lá dừa,… đặc biệt là bọ vòi voi hại dừa, đây là loại bọ gây hại mới xuất hiện ở đồng bằng sông Cửu Long. Để giảm thiểu tác hại do bọ vòi voi gây ra, ngày 09/7/2013, Cục BVTV ban hành quy trình kỹ thuật tạm thời phòng, chống bọ vòi voi hại dừa, đồng thời đề nghị Chi cục BTVT các tỉnh, thành có trồng dừa hướng dẫn, chỉ đạo cho nông dân áp dụng.

* Kỹ thuật phòng, chống bọ vòi voi hại dừa:

- Bọ vòi voi hại dừa có tên khoa học là Diocalandra frumenti Fabricius thuộc bộ Coleoptera, họ Curculionidae. Bọ vòi voi hại dừa phát sinh gây hại tất cả các cây trồng trong họ cau nhưng hại nhiều nhất trên cây dừa và cây chà là.

+ Trứng bọ vòi voi hại dừa hình ô van, mới đẻ có màu trắng trong, kích thước trung bình khoảng 01mm. Ấu trùng mới nở màu trắng đục, sau chuyển thành màu vàng nhạt, không có chân. Sau nở khoảng 8-10 tuần thì ấu trùng vào nhộng, chiều dài 6-8mm. Nhộng dạng nhộng trần, màu trắng hơi vàng, vị trí hoa nhộng thường nằm ngay trong lỗ đục trên cây và trái dừa. Trưởng thành bọ vòi voi hại dừa có màu đen nâu, phần đầu có vòi dài. Trên 02 cánh trước có 04 đốm lớn màu vàng, trưởng thành dài 6-8mm, rộng 1,5mm.

+ Trứng bọ vòi voi hại dừa thường được đẻ xung quanh cuống quả, ấu trùng nở ra sớm đục lỗ chui vào phần vỏ quả để gây hại ngay từ khi quả dừa còn non (khoảng 3 tháng sau khi đậu quả, đường kính quả khoảng 7 -10cm) đến khi quả đã lớn. Nếu gây hại quả dừa non sẽ làm quả bị rụng sớm. Nếu gây hại khi quả đã lớn (trên 03 tháng tuổi) sẽ làm quả méo mó, kích thước nhỏ, không còn giá trị thương phẩm.

+ Mỗi quả dừa bị hại thường có 3-5 con bọ vòi voi trưởng thành. Quả bị hại có nhiều vết nhựa chảy ra từ vết đục quanh cuống quả. Nhựa lúc đầu màu trong suốt sau đó chuyển sang màu vàng, vàng nâu và khô cứn, tại nơi vết nhựa chảy ra thường thấy chất thải của bọ vòi voi.

+ Bọ vòi voi hại dừa sống trên tất cả các bộ phận của cây dừa như rễ, thân, lá, hoa, quả; dịch cây tiết ra từ các vết thương cơ giới có khả năng hấp dẫn bọ vòi voi đến rất mạnh. Trưởng thành bọ vòi voi hại dừa có cánh nên chúng phát tán chủ động. Cả trưởng thành, ấu trùng và nhộng còn lây lan, phát tán thông qua quá trình vận chuyển quả giống, các bộ phận của cây ký chủ, trôi theo dòng nước, bám dính trên các phương tiện vận chuyển sản phẩm cây dừa bị nhiễm bọ vòi voi.

+ Theo quy trình kỹ thuật tạm thời phòng, chống bọ vòi voi hại dừa của cục BVTV: Để hạn chế tác hại của bọ vòi voi, thường xuyên khảo sát vườn dừa để phát hiện sớm và theo dõi diễn biến của bọ vòi voi; vệ sinh, làm cỏ vườn dừa thường xuyên cho thông thoáng, tiêu hủy các lá già khô để hạn chế sự tồn tại phát triển của bọ vòi voi; dùng đất phủ kín để ngăn bọ vòi voi đến đẻ trứng; thu gom tiêu hủy các quả bị nhiễm để hạn chế nguồn phát tán lây lan; xông hơi khử trùng dừa giống trước khi xuất vườn để hạn chế lây lan; không gây các vết thương trên cây như chặt tỉa cây, tỉa lá còn xanh; bón phân và tưới nước hợp lý để cây sinh trưởng tốt, đậu nhiều trái có khả năng bù lại năng suất mất đi do bọ vòi voi gây hại; các vườn bị bọ vòi voi hại nhiệu tạm thời sử dụng các thuốc trừ sâu gốc Chloryrifos Ethyl, Cartap, Quinalphos để phòng trừ nhưng chỉ được sử dụng ở giai đoạn quả còn non; sử dụng thuốc hóa học phải theo nguyên tắc 4 đúng.


Có thể bạn quan tâm

Xây Dựng Bộ Tiêu Chuẩn Chung Cho Tôm Asean Xây Dựng Bộ Tiêu Chuẩn Chung Cho Tôm Asean

Ngày 26-2, Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết hiệp hội đã phối hợp với Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức buổi hội thảo chứng nhận tiêu chuẩn chung cho tôm ASEAN tại TP Cần Thơ.

28/02/2014
Bùng Nổ Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long Bùng Nổ Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

Chưa bao giờ phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng (gọi tắt là tôm thẻ) ở các tỉnh ven biển ĐBSCL phát triển rầm rộ như hiện nay. Từ Bến Tre sang Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… đâu đâu cũng thấy nông dân chọn tôm thẻ để thả nuôi cho vụ mới năm 2014. Với lợi thế thời gian nuôi ngắn, bán giá cao, thu lời nhiều… tôm thẻ đang chiếm lĩnh thị trường. Hiệu quả hơn nuôi tôm sú Nông dân các tỉnh ĐBSCL đang chuẩn bị xuống giống vụ tôm mới năm 2014. Nếu như trước đây tôm sú đóng vai trò chủ lực thì nay tôm thẻ vươn lên chiếm vị trí số 1. Ông Nguyễn Văn Mì, ở ấp 2, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) cho biết: “Mấy năm nay tôm sú bị dịch bệnh hoành hành làm chết hàng loạt, trong khi tôm thẻ thắng lớn về năng suất lẫn giá cả”. Ông Nguyễn Văn Mì dẫn chứng, hồi cuối năm 2013, ông bỏ ra 300 triệu đồng nuôi một ao tôm thẻ rộng 4.000m². Đến cuối tháng 2-2014, ông thu hoạch được 5 tấn tôm thẻ loại 40 con/kg, bán cho nhà máy với giá 220.000 đồng/kg, thu lời 700 triệu đồng; thời gian nuôi chỉ mất 87 ngày. Trúng đậm tôm

28/02/2014
Làm Giàu Từ Trồng Cây Ăn Trái Làm Giàu Từ Trồng Cây Ăn Trái

Bà Phạm Thị Chín ở khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, được biết đến là người thành công với mô hình trồng cây ăn trái, mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng.

28/02/2014
Chọn Giống Lúa Cho Vụ Hè Thu Chọn Giống Lúa Cho Vụ Hè Thu

Kết thúc vụ lúa vừa qua, nông dân trong tỉnh vô cùng phấn khởi vì vừa trúng mùa lại được giá. Nhiều nơi năng suất đạt ngoài mong đợi của người dân và chính quyền địa phương.

28/02/2014
Phòng Trừ Bệnh Hại Trên Cây Cao Su Phòng Trừ Bệnh Hại Trên Cây Cao Su

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, với diễn biến thời tiết thất thường như hiện nay thì rất dễ làm phát sinh các loại sâu bệnh hại trên cây cao su, nhất là vào thời điểm cây ra lá non, thuận lợi cho các bệnh phấn trắng, héo đen đầu lá, nhện đỏ, nhện vàng phát sinh gây hại.

28/02/2014