Sôi Động Thủy Sản Mùa Nước Nổi

Đánh bắt và khai thác nguồn lợi thuỷ sản mùa nước nổi là nghề rất đặc thù của người dân vùng châu thổ ĐBSCL, nhất là vùng Đồng Tháp Mười và khu vực Tứ giác Long Xuyên.
Cánh đồng các xã Tân Mỹ, Tân Phú, Phú Lợi, huyện Thanh Bình và các xã Tân Công Sính, Phú Thọ, Phú Thành B, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp nước đã ngập tràn. Trên đồng nước lao xao, các phương tiện như xuồng, ngư cụ được người dân sử dụng để đánh bắt và khai thác cá, tép, lươn, ếch, cua, ốc…
Nghề thả lưới, giăng câu, đặt lờ, lọp, trúm… mùa nước nổi vừa đơn giản, vừa tiện lợi, ít tốn kém mà lại hiệu quả. Chỉ cần có một chiếc xuồng và vài trăm mét lưới, dàn câu, mỗi đêm cũng kiếm được vài chục ký cá là chuyện bình thường.
Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng ở các xã, ấp nào trong vùng Đồng Tháp Mười cũng có từ vài chục đến vài trăm hộ sống bằng nghề đánh bắt và khai thác thủy sản trong mùa nước nổi. Với khoảng 1,5 triệu đồng vốn để mua xuồng, tay lưới hoặc dàn câu là trang bị được phương tiện, dụng cụ hành nghề kiếm sống vào mùa nước nổi.
Còn hộ nào có sẵn xuồng, chỉ cần 750.000 đồng để mua tay lưới, dàn câu là đủ. Lưới 4 hoặc 5 phân đem giăng sẽ bắt được cá mè vinh, cá rô lớn; còn lưới 2,5 - 3 phân đem giăng sẽ bắt được cá linh, cá rô, cá sặt… Câu giăng thường bắt được cá lóc, cá trê, ếch, rắn…
Mùa nước nổi năm nay, vợ chồng anh Trần Văn Hội ở ấp Tân Lợi, xã Tân Công Sính đem 400m lưới loại 2,5 phân, một ngày đêm giăng chỉ bắt được hơn 2 kg cá các loại. Ngày nào trúng lắm cũng chỉ được khoảng 5 kg cá, thu nhập chưa tới 100.000 đồng...
Trên cánh đồng vùng đê bao khép kín canh tác lúa Thu Đông ở thị trấn Thanh Bình và thị trấn Tràm Chim, chúng tôi tiếp xúc và trao đổi với những người chuyên làm nghề thả lưới, giăng câu, đặt lọp, đặt trúm đánh bắt thủy sản vào mùa nước nổi.
Dù lũ lớn hay nhỏ, dù đồng ruộng có lũ ngập tràn hay đã làm đê bao tăng vụ, nhưng nghề câu, lưới, lọp, lờ, trúm… đánh bắt và khai thác thủy sản trong mùa nước nổi vẫn là hoạt động khá hấp dẫn và là cách mưu sinh độc đáo của người dân miền sông nước ĐBSCL.
Gia đình anh Lê Văn Hùng, ở thị trấn Thanh Bình chia sẻ: “Trước đây, khi đồng ruộng chưa có đê bao làm lúa vụ ba, vào mùa nước nổi, chỉ cần chống chiếc xuồng với vài chục cái lọp mỗi đêm cha con tôi thu gần 10 kg tép, bán cho bạn hàng ở chợ 20.000 đồng/kg, thu hàng trăm ngàn đồng, đủ trang trải mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình.
Nhưng bây giờ phải di chuyển đến những cánh đồng xa chưa có đê bao để đánh bắt thủy sản kiếm sống qua mùa nước nổi, mà cá, tép… cũng dần dần cạn kiệt, do quá nhiều người khai thác với các dụng cụ đánh bắt mang tính hủy diệt”.
Bây giờ, những người đánh bắt, khai thác thủy sản mùa nước nổi thường chọn những cánh đồng chưa có đê bao, nước lũ ngập tràn để hành nghề. Ở đây, xuồng lớn, xuồng nhỏ, người bơi, kẻ lội nước thả lưới, giăng câu, đặt lọp, trúm… rất đông.
Ven bờ, rải rác các ụ nhỏ bằng cỏ, lục bình, với mồi trùn, cua, ốc thối để dẫn dụ lươn. Mỗi đêm, người dân có thể bắt được vài ba ký lươn từ các ụ đó. Bên cạnh, còn có người đi soi ếch, mang theo giỏ, bao, đèn pha, nơm…
Trời tối, người đi soi thường tìm tới những nơi có vũng nước đọng, hố lá, đìa, bàu… và nơi có tiếng ếch kêu nhiều. Sau đó, tắt đèn ngồi rình. Những con ếch bắt cặp say sưa kêu lục cục, người soi bước nhẹ nhàng đến mở đèn lên, ra tay bắt từng cặp ếch bỏ vào giỏ. Nếu ếch lặn xuống nước thì dùng nơm chụp. Chỉ cần soi vài giờ là bắt được 1 - 2kg ếch, vừa cải thiện bữa ăn, vừa kiếm thu nhập cho gia đình.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 28/7/2015, tại ruộng mía của nông dân Kim Thane, ấp Soài Rùm, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh tổ chức trình diễn và hội thảo máy vô chân mía cho nông dân trồng mía ở các xã vùng mía nguyên liệu của huyện Trà Cú.

Công ty Mía đường Nghệ An vừa thông qua chính sách hỗ trợ đối với các diện tích trồng mía tối thiểu 0,15ha trở lên trong vùng quy hoạch của công ty, điều kiện bắt buộc đi kèm là phải sử dụng giống mía sạch bệnh chồi cỏ.
Đa số diện tích trồng ngô ở Khánh Hòa được gieo trồng ở vùng đồi núi nên từ đầu năm đến nay, lượng mưa ít khiến cây ngô bị giảm năng suất.

Thời gian gần đây, do nhiều yếu tố tác động như giá vật tư nông nghiệp tăng trong khi giá đầu ra của nhiều loại nông sản xuống thấp khiến người nông dân ít mặn mà với ruộng đồng. Do đó, vấn đề cần đặt ra là phải tìm được “phương thuốc” để giúp người nông dân tăng thêm thu nhập và gắn bó với “bờ xôi, ruộng mật”.

Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Gia Lai được triển khai trên địa bàn huyện Đak Đoa đã được 4 năm. Qua thời gian thực hiện nhiều mô hình, cách làm mới trong sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương từng bước đi vào ổn định phù hợp với xu thế phát triển kinh tế thị trường hiện nay.